Thứ 3, Ngày 29/10/2024

Thông tư 57/2003/TT-BTC thay thế Thông tư 10/2001/TT-BTC hướng dẫn cơ chế thanh toán hàng hoá và dịch vụ trả nợ cho Liên bang Nga do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 57/2003/TT-BTC
Ngày ban hành 13/06/2003
Ngày có hiệu lực 16/07/2003
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Lê Thị Băng Tâm
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 57/2003/TT-BTC

Hà Nội, ngày 13 tháng 6 năm 2003

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 57/2003/TT-BTC NGÀY 13 THÁNG 6 NĂM 2003 HƯỚNG DẪN CƠ CHẾ THANH TOÁN HÀNG HOÁ VÀ DỊCH VỤ TRẢ NỢ CHO LIÊN BANG NGA THAY THẾ CHO THÔNG TƯ SỐ 10/2001/TT-BTC NGÀY 30/1/2001 CỦA BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về xử lý nợ của Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Liên bang Nga và Nghị định thư giữa Chính phủ Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về cơ chế trả nợ ký ngày 13/9/2000 (dưới đây gọi tắt là Hiệp định và Nghị định thư).
Căn cứ vào tình hình thực tế triển khai cơ chế thanh toán hàng hoá và dịch vụ trả nợ Liên bang Nga đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và qui định tại Thông tư số 10/2001/TT-BTC ngày 30/1/2001 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế thanh toán hàng hoá và dịch vụ trả nợ cho Liên bang Nga.
Bộ Tài chính hướng dẫn lại cơ chế thanh toán hàng hoá (hoặc dịch vụ) trả nợ cho Liên bang Nga theo Hiệp định và Nghị định thư như sau:

I. CƠ CHẾ TRẢ NỢ CHO LIÊN BANG NGA:

1. Hàng năm, vào hai kỳ trả nợ theo Hiệp định (15/1 và 15/7) Bộ Tài chính sẽ chuyển tiền vào Tài khoản trả nợ mở tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) để làm nguồn thanh toán cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá (hoặc dịch vụ) trả nợ cho Liên bang Nga.

Thể thức hạch toán Tài khoản trả nợ nói trên do Bộ Tài chính và Vietcombank thoả thuận.

2. Căn cứ vào lịch trả nợ qui định tại Hiệp định, hàng năm phía Liên bang Nga sẽ tổ chức các đợt lựa chọn và thông báo cho phía Việt Nam tên các tổ chức Nga được uỷ quyền nhập khẩu hàng hoá (hoặc dịch vụ) từ Việt Nam trong năm đó, đợt thông báo cuối cùng không chậm hơn 1/11 hàng năm.

3. Trong khuôn khổ kim ngạch trả nợ đã được phía Liên bang Nga thông báo, các tổ chức được uỷ quyền của Liên bang Nga được tự do lựa chọn mặt hàng, dịch vụ và đối tác là các doanh nghiệp Việt Nam (thuộc mọi thành phần kinh tế) để ký kết các hợp đồng xuất khẩu hàng hoá (hoặc dịch vụ) trả nợ (dưới đây gọi tắt là hợp đồng ngoại) phù hợp với thông lệ thương mại quốc tế, luật pháp Việt Nam và Liên bang Nga. Giá cả đối với hàng hoá (hoặc dịch vụ) được xác định theo giá quốc tế tính bằng Đô la Mỹ và theo các điều kiện thương mại thông thường.

Các tổ chức Nga được uỷ quyền có thể tái xuất hoặc uỷ thác cho các đối tác Việt Nam tái xuất hàng hoá đã mua sang nước thứ ba. Việc uỷ thác này phải được xác lập bằng phụ lục hợp đồng ngoại hoặc các thoả thuận uỷ thác hợp pháp giữa 2 bên.

Trong các hợp đồng ngoại cần có điều khoản xác định việc xuất khẩu hàng hoá (hoặc dịch vụ) để trả nợ của Việt Nam cho Liên bang Nga theo Hiệp định và Nghị định thư.

4. Tất cả các doanh nghiệp Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế được tham gia vào việc xuất khẩu hàng hoá (hoặc cung cấp dịch vụ) để trả nợ cho Liên bang Nga như các giao dịch thương mại thông thường.

5. Việc thanh toán các hàng hoá (hoặc dịch vụ) của Việt Nam đã cung cấp để trả nợ được thực hiện trên cơ sở các Thư tín dụng không huỷ ngang (Irrevocable Letter of Credit - L/C) do Ngân hàng Kinh tế đối ngoại Liên Xô mở qua Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam theo các hợp đồng ngoại và phù hợp với các qui định của Các qui tắc thống nhất về thông lệ và thực hành tín dụng chứng từ bản số 500 - UCP 500.

Thời hạn giao hàng, cung cấp dịch vụ thuộc nghĩa vụ trả nợ hàng năm trong các hợp đồng ngoại không muộn hơn 30/6 của năm kế tiếp, không phụ thuộc vào thời điểm ký kết hợp đồng ngoại (trừ trường hợp được phía Nga xác nhận gia hạn). Quá thời hạn trên, các doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng ngoại và ký Hợp đồng thanh toán hàng hoá (hoặc dịch vụ) xuất khẩu trả nợ với Bộ Tài chính nhưng không thực hiện được việc giao hàng hoặc cung cấp dịch vụ sẽ phải chịu phạt theo qui định tại mục II.3 của Thông tư này.

6. Các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hoá (hoặc dịch vụ) trả nợ cho Liên bang Nga sẽ được hưởng mọi qui định về chế độ khuyến khích xuất khẩu như đối với hàng hoá (hoặc dịch vụ) xuất khẩu theo phương thức thương mại thông thường.

II. CÁC QUI ĐỊNH CỤ THỂ VỀ THANH TOÁN HÀNG HOÁ (HOẶC DỊCH VỤ) XUẤT KHẨU TRẢ NỢ CHO LIÊN BANG NGA

1. Ký kết Hợp đồng thanh toán hàng hoá (hoặc dịch vụ) xuất khẩu trả nợ với Bộ Tài chính:

Sau khi phía Nga thông báo chính thức tổ chức Nga được uỷ quyền, các doanh nghiệp Việt Nam cần xuất trình cho Bộ Tài chính các Hợp đồng ngoại và phụ lục (nếu có). Căn cứ vào các Hợp đồng ngoại và các phụ lục và Thông báo xác nhận của Tổ chức Nga được uỷ quyền về Hợp đồng ngoại trả nợ Liên bang Nga đã ký với doanh nghiệp Việt Nam, Bộ Tài chính tiến hành ký Hợp đồng thanh toán hàng hoá (hoặc dịch vụ) xuất khẩu trả nợ Liên bang Nga với doanh nghiệp Việt Nam đã ký các Hợp đồng nói trên (theo mẫu tại Phụ lục đính kèm Thông tư này). Các Hợp đồng ngoại và các phụ lục (nếu có) chỉ được coi là hợp lệ nếu được ký và xuất trình cho Bộ Tài chính trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký.

Trường hợp doanh nghiệp Việt Nam không trực tiếp xuất khẩu cần xuất trình thêm các Hợp đồng uỷ thác hoặc liên kết xuất khẩu trong nước cho Bộ Tài chính khi ký Hợp đồng thanh toán.

Các Hợp đồng thanh toán hàng hoá (hoặc dịch vụ) xuất khẩu trả nợ được ký kết theo thứ tự thời gian đăng ký Hợp đồng ngoại của các doanh nghiệp, cho đến khi tổng giá trị các Hợp đồng thanh toán hàng hoá (hoặc dịch vụ) xuất khẩu trả nợ trong năm bằng nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Việt Nam trong năm đó.

2. Thủ tục thanh toán:

Ngay sau khi giao hàng hoá (hoặc dịch vụ) trả nợ, các doanh nghiệp cần xuất trình bộ chứng từ thanh toán theo đúng qui định tại L/C, Hợp đồng ngoại cho Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam để kiểm tra và gửi chứng từ cho Ngân hàng Kinh tế đối ngoại Liên Xô làm thủ tục trừ nợ. Để đảm bảo trả nợ bằng hàng hoá của Việt Nam, các doanh nghiệp phải gửi cho Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam bản gốc Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) của hàng hoá do các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

Danh mục mặt hàng hoặc nhóm hàng, tên doanh nghiệp xuất khẩu trả nợ của Việt Nam (doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp và/hoặc doanh nghiệp nhận uỷ thác, liên kết xuất khẩu trả nợ) ghi trên Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) phải phù hợp với danh mục mặt hàng hoặc nhóm hàng và tên doanh nghiệp nêu trong L/C, Hợp đồng ngoại hoặc Hợp đồng uỷ thác/liên kết xuất khẩu (nếu có) và được đăng ký trong Hợp đồng thanh toán với Bộ Tài chính. Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) chỉ được coi là phù hợp nếu được lập kể từ ngày Hợp đồng ngoại được ký kết.

Sau khi được Ngân hàng Kinh tế đối ngoại Liên Xô trừ nợ và doanh nghiệp Việt Nam xuất trình Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) đầy đủ và phù hợp, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam thông báo cho Bộ Tài chính (Vụ Tài chính đối ngoại) bằng văn bản để thanh toán cho doanh nghiệp. Bộ Tài chính sẽ thanh toán toàn bộ trị giá hàng hoá (hoặc dịch vụ) đã thực hiện bằng đồng Việt Nam. Tỷ giá thanh toán là tỷ giá mua vào VNĐ/USD (bằng chuyển khoản) do Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam công bố vào ngày Bộ Tài chính làm thủ tục thanh toán cho doanh nghiệp Việt Nam.

3. Trách nhiệm của doanh nghiệp:

Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trả nợ chịu trách nhiệm đàm phán, ký kết và thực hiện các hợp đồng ngoại với các tổ chức được uỷ quyền của Liên bang Nga theo các qui định cụ thể tại mục I trên, các qui định hiện hành của luật pháp Việt Nam và thông lệ thương mại thương mại quốc tế.

Doanh nghiệp Việt Nam thực hiện việc trả nợ bằng hàng hoá (hoặc dịch vụ) theo các qui định về thương mại thông thường do Bộ Thương mại hướng dẫn, bảo đảm chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hoá và dịch vụ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu sang thị trường Liên bang Nga.

Doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất hàng trả nợ tự chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hợp đồng ngoại ký với đối tác được uỷ quyền của Liên bang Nga (bao gồm cả các hợp đồng tái xuất sang nước thứ 3 nếu hai bên có thoả thuận) bộ chứng từ thanh toán và bộ chứng từ xuất khẩu (bao gồm cả các C/O) theo quy định của luật pháp Việt Nam và thông lệ thương mại quốc tế.

Trường hợp doanh nghiệp Việt Nam không trực tiếp xuất hàng trả nợ mà uỷ thác hoặc liên kết xuất khẩu cho một doanh nghiệp khác, thì phải xuất trình các hợp đồng uỷ thác hoặc liên kết xuất khẩu cùng với bộ chứng từ xuất khẩu cho Ngân hàng ngoại thương Việt Nam để kiểm tra và phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của việc uỷ thác/liên kết này.

[...]