Thông tư 50/2014/TT-BNNPTNT sửa đổi Thông tư 66/2011/TT-BNNPTNT hướng dẫn Nghị định 08/2010/NĐ-CP về quản lý thức ăn chăn nuôi do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 50/2014/TT-BNNPTNT
Ngày ban hành 24/12/2014
Ngày có hiệu lực 07/02/2015
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Vũ Văn Tám
Lĩnh vực Thương mại

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 50/2014/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2014

 

THÔNG TƯ

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 66/2011/TT-BNNPTNT NGÀY 10 THÁNG 10 NĂM 2011 QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU NGHỊ ĐỊNH SỐ 08/2010/NĐ-CP NGÀY 05 THÁNG 02 NĂM 2010 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ QUẢN LÝ THỨC ĂN CHĂN NUÔI

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 08/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Cục trưởng Cục Chăn nuôi,

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 66/2011/TT-BNNPTNT ngày 10 tháng 10 năm 2011 quy định chi tiết một số điều Nghị định số 08/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 66/2011/TT-BNNPTNT ngày 10 tháng 10 năm 2011 quy định chi tiết một số điều Nghị định số 08/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi (sau đây gọi là Thông tư 66/2011/TT-BNNPTNT) như sau:

1. Bổ sung Điều 2a:

“Điều 2a. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Lô sản xuất: là sản phẩm thức ăn chăn nuôi có nội dung ghi trên nhãn hoặc tài liệu đính kèm giống nhau, bao gồm: tên sản phẩm, nhãn hiệu, thành phần chất lượng, tên cơ sở sản xuất, địa chỉ sản xuất, ngày sản xuất và hạn sử dụng, ký hiệu lô sản xuất (nếu có).

2. Lô hàng: là hàng hóa thức ăn chăn nuôi cùng một loại của một hoặc nhiều lô sản xuất do cùng một cơ sở sản xuất, cùng một tổ chức nhập khẩu, được nhập khẩu cùng một chuyến hàng và có cùng một bộ hồ sơ nhập khẩu.

3. Chất chính trong thức ăn chăn nuôi: là chất quyết định công dụng và bản chất của sản phẩm, cụ thể:

a) Chất chính trong thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh và thức ăn đậm đặc cho gia súc, gia cầm và thủy sản là protein thô và lysine tổng số;

b) Chất chính trong các loại nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi khác là các chỉ tiêu quyết định bản chất, công dụng của sản phẩm do nhà sản xuất công bố và được ghi trên nhãn hàng hóa hoặc tài liệu kỹ thuật kèm theo.”

2. Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 5. Công nhận thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam

1. Thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam là thức ăn chăn nuôi được Tổng cục Thủy sản hoặc Cục Chăn nuôi công nhận đủ điều kiện lưu hành tại Việt Nam sau khi đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận. Tổng cục Thủy sản, Cục Chăn nuôi có trách nhiệm định kỳ hàng tháng tổng hợp, công bố Danh mục thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam và đăng tải trên website của Tổng cục Thủy sản, Cục Chăn nuôi và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để các tổ chức, cá nhân có liên quan truy cập, thực hiện.

2. Thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Thức ăn chăn nuôi chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: phải công bố tiêu chuẩn áp dụng và có chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng.

b) Thức ăn chăn nuôi đã có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: ngoài đáp ứng các quy định nêu tại điểm a Khoản 2 Điều này, phải hoàn thiện công bố hợp quy theo quy định.

c) Phải có kết quả khảo nghiệm trên vật nuôi:

Đối với thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh: kết quả khảo nghiệm do Hội đồng cấp cơ sở đánh giá (tổ chức, cá nhân tự tiến hành việc khảo nghiệm và đánh giá kết quả khảo nghiệm theo quy trình khảo nghiệm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành);

Đối với thức ăn chăn nuôi mới: kết quả khảo nghiệm do Hội đồng khoa học chuyên ngành được Tổng cục Thủy sản hoặc Cục Chăn nuôi thành lập đánh giá.

3. Hồ sơ đăng ký thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam bao gồm:

a) Đối với thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước

- Đơn đăng ký thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam (theo mẫu tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này);

- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư (bản sao chứng thực, chỉ nộp lần đầu);

[...]