Thông tư 08/NN-KNKL/TT hướng dẫn Nghị định 15/CP về quản lý thức ăn chăn nuôi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 08/NN-KNKL/TT
Ngày ban hành 17/09/1996
Ngày có hiệu lực 17/09/1996
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Ngô Thế Dân
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 08/NN-KNKL/TT

Hà Nội, ngày 17 tháng 09 năm 1996

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH 15/CP NGÀY 19/3/1996 VỀ QUẢN LÝ THỨC ĂN CHĂN NUÔI

Thi hành Nghị định 15/CP ngày 19/3/1996 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cụ thể một số nội dung sau:

I. SẢN XUẤT, KINH DOANH

1. Đăng ký sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi

a) Tổ chức, cá nhân đăng ký xin giấy phép sản xuất thức ăn chăn nuôi phải có đủ các điều kiện sau:

- Có địa điểm, nhà xưởng, trang thiết bị, quy trình công nghệ để sản xuất thức ăn bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh chăn nuôi thú y và vệ sinh môi trường;

- Có điều kiện hoặc phương tiện kiểm tra chất lượng nguyên liệu và sản phẩm trước khi xuất xưởng;

- Có nhân viên kỹ thuật đáp ứng yêu cầu công nghệ sản xuất và kiểm nghiệm chất lượng thức ăn chăn nuôi.

b) Tổ chức, cá nhân muốn hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi phải tuân theo các quy định hiện hành của Nhà nước về đăng ký thành lập doanh nghiệp và các loại hình cơ sở sản xuất. Cơ quan có thẩm quyền chỉ cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp sau khi có ý kiến thẩm định của cơ quan quản lý ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Đối với liên doanh hoặc đầu tư 100% vốn nước ngoài, các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi đặc biệt (aminoacid, vitamin…), các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành phải có ý kiến thẩm định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Đối với tổ chức, cá nhân trực thuộc địa phương phải có ý kiến thẩm định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương.

c) Các loại thức ăn chăn nuôi phải đăng ký sản xuất:

- Thức ăn đăng ký sản xuất lần đầu.

- Thức ăn đã được cấp đăng ký sản xuất nhưng có thay đổi về tên gọi, hàm lượng các chất dinh dưỡng, công thức, dạng sản phẩm, bao bì, nhãn hiệu.

- Thức ăn đã sản xuất ở nước ngoài nhưng nay đăng ký sản xuất ở Việt Nam.

- Thức ăn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép dùng thử.

d) Tổ chức, cá nhân chỉ được sản xuất các loại thức ăn chăn nuôi có trong danh mục được phép sản xuất và lưu hành tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố (Phụ lục 1). Nếu ở ngoài danh mục phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét và cho phép dùng thử.

2. Quyền hạn và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi

a) Tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi phải có giấy phép hành nghề do cơ quan quản lý Nhà nước ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp:

- Đối với các cơ sở liên doanh sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi hoặc đầu tư 100% vốn nước ngoài, các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi đặc biệt (aminoacid, vitamin…), các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành do Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp giấy phép hành nghề.

- Đối với tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi trực thuộc địa phương do Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, thành phố, đặc khu thuộc trung ương cấp giấy phép hành nghề.

b) Tổ chức, cá nhân sản xuất các loại thức ăn chăn nuôi hàng hóa phải đăng ký tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa theo quy định của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường.

c) Tổ chức, cá nhân sản xuất thức ăn chăn nuôi có trách nhiệm báo cáo thống kê về tình hình sản xuất hàng quý, hàng năm với cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp.

d) Nghiêm cấm sản xuất thức ăn chăn nuôi không có giấy phép, sai trong quy định của giấy phép.

đ) Địa điểm sản xuất thức ăn chăn nuôi phải có biển đề tên doanh nghiệp như đăng ký. Nơi đặt biển phải thuận tiện, dễ nhìn để mọi người biết.

e) Thức ăn chăn nuôi bán trên thị trường phải qua kiểm tra xuất xưởng và lưu mẫu. Phiếu kiểm tra xuất xưởng phải lưu giữ tối thiểu là 3 năm.

g) Các loại thức ăn chăn nuôi hàng hóa đều phải có bao bì và có nhãn. Trường hợp giao hàng rời, không cần có nhãn thì phải có giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn chất lượng theo hợp đồng, có ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng.

[...]