Thứ 3, Ngày 29/10/2024

Thông tư 48-TTg năm 1963 về việc chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật bảo đảm quyền sở hữu về tư liệu sản xuất ở nông thôn do Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu 48-TTg
Ngày ban hành 03/06/1963
Ngày có hiệu lực 18/06/1963
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Phạm Hùng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 48-TTg

Hà Nội, ngày 03 tháng 06 năm 1963 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC CHẤP HÀNH NGHIÊM CHỈNH PHÁP LUẬT BẢO ĐẢM QUYỀN SỞ HỮU VỀ TƯ LIỆU SẢN XUẤT Ở NÔNG THÔN

 HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Hiện nay, ở nông thôn miền Bắc nước ta quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa đã giữ địa vị thống trị với hai hình thức sở hữu: sở hữu của Nhà nước tức là của toàn dân và sở hữu của hợp tác xã tức là của tập thể nông dân lao động. Bên cạnh hai hình thức sở hữu chủ yếu đó, còn một bộ phận nhỏ tư liệu sản xuất thuộc sở hữu của xã viên hợp tác xã và của nông dân lao động chưa vào hợp tác xã.

Quyền sở hữu hợp pháp của nhân dân đã được Nhà nước quy định và bảo hộ trong nhiều văn kiện pháp luật.

Sắc lệnh số 97 ngày 22-3-1950 đã xác định nguyên tắc quyền sở hữu của công dân được pháp luật bảo hộ. Sắc lệnh số 85 ngày 20-2-1952 đã quy định thủ tục trước bạ về việc thay đổi quyền sở hữu về ruộng đất; luật cải cách ruộng đất năm 1953 đã quy định nội dung quyền sở hữu của nông dân đối với những của cải được chia trong cải cách ruộng đất; điều lệ mẫu hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ban hành năm 1959 đã quy định quyền sở hữu của hợp tác xã và của xã viên; Nghị định số 151-TTg ngày 14-4-1959 đã quy định những nguyên tắc và thủ tục trưng dụng ruộng đất của hợp tác xã và nông dân.

Hiến pháp của nước Việt-nam dân chủ cộng hòa ban hành năm 1960 đã quy định những hình thức sở hữu chủ yếu về tư liệu sản xuất hiện nay và những nguyên tắc cơ bản về quyền sở hữu.

Những luật lệ của Nhà nước ban hành đã có tác dụng to lớn thúc đẩy việc hoàn thành cải cách ruộng đất, thực hiện “khẩu hiệu người cày có ruộng”, phát triển và củng cố phong trào hợp tác hóa, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, tăng cường chính quyền dân chủ nhân dân.

Tuy nhiên, ở một số địa phương còn có những hiện tượng chưa chấp hành đúng pháp luật, chưa thật sự tôn trọng quyền sở hữu của Nhà nước, còn hợp tác xã, của xã viên, và của nông dân chưa vào hợp tác xã. Những hiện tượng đó gây thiệt hại cho Nhà nước và ảnh hưởng không tốt đến tinh thần đoàn kết, tính tích cực sản xuất của nông dân.

Sở dĩ có những thiếu sót trên đây là do việc tuyên truyền phổ biến chính sách và pháp luật của Nhà nước chưa làm được sâu rộng, ý thức chấp hành chính sách và pháp luật trong một số cán bộ và nhân dân chưa cao. Mặt khác cũng vì Nhà nước chưa kịp đề ra những quy định hoặc có những hướng dẫn cụ thể, cần thiết, phù hợp với tình hình kinh tế phát triển để đáp ứng những yêu cầu mới trong quá trình phát triển của nền kinh tế quốc dân.

Căn cứ vào đặc điểm tình hình nông thôn hiện nay, để nâng cao ý thức làm chủ tập thể của xã viên, phát huy tinh thần đoàn kết, tính tích cực sản xuất của nông dân, đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật trong nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, mạnh mẽ, vững chắc, Hội đồng Chính phủ nhắc lại và hướng dẫn việc thi hành torng vấn đề bảo đảm quyền sở hữu về ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác của hợp tác xã, xã viên, nông dân và của Nhà nước ở nông thôn như sau:

I. ĐỐI VỚI CÁC HỢP TÁC XÃ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

Theo điều lệ mẫu hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, trong các hợp tác xã có những tư liệu sản xuất thuộc của chung của hợp tác xã. Cần hiểu những tư liệu sản xuất thuộc của chung của hợp tác xã là:

a) Những ruộng đất, ao hồ, cây lâu năm, cơ sở sản xuất mà hợp tác xã đã công hữu hóa, mua lại của xã viên, mua sắm thêm hoặc do hợp tác xã tự làm ra.

b) Những trâu bò, nông cụ, máy móc và các tư liệu sản xuất khác mà hợp tác xã đã mua lại của xã viên, mua sắm thêm, được tặng thưởng hoặc do hợp tác xã tự sản xuất được.

c) Những công trình do hợp tác xã mới xây dựng trên những sông ngòi, bãi biển, rừng núi, đất hoang thuộc sở hữu của Nhà nước, được Ủy ban hành chính địa phương hoặc cơ quan Nhà nước ở trung ương có thẩm quyền cho phép sử dụng.

Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp của hợp tác xã, mỗi xã viên đều có nghĩa vụ chăm sóc, bảo vệ tài sản chung của tập thể và củng cố quyền sở hữu của hợp tác xã.

Khi cần dùng ruộng đất của hợp tác xã để thực hiện những công trình do Nhà nước quản lý, các cơ quan, xí nghiệp của Nhà nước phải bàn bạc với hợp tác xã, và đền bù với giá cả thích đáng theo đúng những nguyên tắc và thủ tục đã quy định trong Nghị định số 151-TTg ngày 14-4-1959 về thể lệ tạm thời trưng dụng ruộng đất.

Khi có điều kiện và cần thiết phải hợp nhất các hợp tác xã nhỏ thành hợp tác xã lớn để sử dụng hợp lý ruộng đất, sức lao động, phát triển sản xuất thì phải do tất cả các hợp tác xã nhỏ thỏa thuận và nếu có sự chênh lệch về kinh tế giữa các hợp tác xã thì cần căn cứ vào tinh thần nguyên tắc của điều lệ mẫu về việc tập thể tổ viên tổ đội công gia nhập hợp tác xã mà giải quyết một cách hợp lý trên tinh thần đoàn kết, tương trợ, cụ thể là:

Những ruộng đất đã đưa vào hợp tác xã, những trâu bò, nông cụ đã công hữu hóa hoặc mua lại của xã viên trong các hợp tác xã nhỏ thì khi hợp nhất, hợp tác xã lớn sẽ thống nhất kinh doanh và phân phối.

a) Trường hợp có sự chênh lệch nhiều về bình quân hoặc màu mỡ ruộng đất và về thu nhập của xã viên thì việc thống nhất kinh doanh và phân phối phải theo nguyên tắc phát triển sản xuất, tăng cường hợp tác xã, tăng thu nhập và nâng cao không ngừng mức sống của  toàn thể xã viên, đồng thời chiếu cố đúng mức quyền lợi của xã viên hợp tác xã trước đây có thu nhập cao hơn.

b) Trường hợp có sự chênh lệch về mặt đầu tư lao động và vốn để khai hoang tăng thêm ruộng đất, trồng cây lâu năm, xây dựng cơ bản sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp, chăn nuôi gia súc, nuôi cá, thì nên giải quyết để hợp tác xã đã đầu tư nhiều được phân phối tương xứng với sức người, sức của đã bỏ ra bằng cách:

- Hoặc tạm thời để các đội trong các hợp tác xã cũ có nhiều cơ sở hơn tiếp tục kinh doanh, nếu sự chênh lệch không nhiều;

- Hoặc thống nhất kinh doanh vào hợp tác xã lớn và hàng năm hợp tác xã lớn sẽ trích một phần thu nhập để trả dần cho xã viên các hợp tác xã cũ có nhiều cơ sở hơn, đến khi tương xứng với sự chênh lệch về công sức của họ đã bỏ ra.

II. ĐỐI VỚI XÃ VIÊN HỢP TÁC XÃ

Điều lệ mẫu hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã quy định nguyên tắc là khi xã viên vào hợp tác xã bậc thấp, thì vẫn giữ quyền sở hữu về những ruộng đất, trâu bò cày, nông cụ đem vào hợp tác xã.

Những tư liệu sản xuất chủ yếu nói trên thuộc quyền sở hữu của xã viên, nhưng do hợp tác xã thống nhất quản lý sử dụng. Khi xã viên ra hợp tác xã, thì hợp tác xã phải trả lại những thứ đó cho xã viên để họ tiếp tục sản xuất.

Ngoài những ruộng đất, trâu bò cày, nông cụ đã đưa vào hợp tác xã, nhưng tư liệu sản xuất khác còn lại vẫn thuộc quyền sở hữu hoàn toàn của xã viên và xã viên có quyền định đoạt, sử dụng và hưởng thụ hoa lợi về những thứ đó.

[...]