Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Thông tư 47/2000/TT-BTC hướng dẫn về tài chính trong giao, bán doanh nghiệp Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 47/2000/TT-BTC
Ngày ban hành 24/05/2000
Ngày có hiệu lực 24/05/2000
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Phạm Văn Trọng
Lĩnh vực Doanh nghiệp

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 47/2000/TT-BTC

Hà Nội, ngày 24 tháng 5 năm 2000

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 47/2000/TT-BTC NGÀY 24 THÁNG 5 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN NHỮNG VẤN ĐỀ TÀI CHÍNH TRONG GIAO, BÁN DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Thi hành Nghị định số 103/1999/NĐ-CP ngày 10/9/1999 của Chính phủ về giao, bán khoán kinh doanh, cho thuê doanh nghiệp Nhà nước, Bộ Tài chính hướng dẫn một số vấn đề về tài chính trong giao, bán doanh nghiệp Nhà nước như sau:

I - NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng áp dụng là những doanh nghiệp Nhà nước độc lập và các doanh nghiệp thành viên hạch toán độc lập thuộc Tổng công ty (trừ các doanh nghiệp là nông trường, lâm trường quốc doanh, các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế, giám định) có một trong các điều kiện sau:

a, Có số vốn kinh doanh thuộc sở hữu Nhà nước bao gồm vốn ngân sách cấp hoặc coi như ngân sách cấp và vốn tự bổ sung của doanh nghiệp (dưới đây gọi chung là vốn Nhà nước) trên sổ sách kế toán dưới 1 tỷ đồng, kinh doanh thua lỗ kéo dài, nhưng chưa lâm vào tình trạng phá sản.

b, Có số vốn Nhà nước trên sổ sách kế toán dưới một tỷ đồng, kinh doanh không bị thua lỗ, nhưng không thuộc đối tượng Nhà nước cần nắm giữ cổ phần.

c, Có số vốn Nhà nước trên sổ sách kế toán từ một tỷ đồng đến dưới năm tỷ đồng, bị thua lỗ kéo dài, nhưng chưa lâm vào tình trạng phá sản, sau khi đã thực hiện các biện pháp cần thiết, nhưng vẫn không khắc phục được và được Thủ tướng Chính phủ quyết định cho từng trường hợp cụ thể.

2. Giao, bán doanh nghiệp để tiếp tục sản xuất kinh doanh; người nhận giao, người mua không được bán lại doanh nghiệp trong thời gian quy định của hợp đồng, kể cả các trường hợp bán dần, bán từng bộ phận tài sản của doanh nghiệp, trừ trường hợp bán những tài sản không cần dùng, cần thanh lý để thay thế, đổi mới công nghệ tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh.

3. Giám đốc doanh nghiệp với sự tham gia của Ban Đổi mới tại doanh nghiệp, chịu trách nhiệm chỉ đạo các phòng ban trong doanh nghiệp tổ chức kiểm kê, xác định số lượng và thực trạng toàn bộ tài sản và vốn doanh nghiệp, tiến hành phân loại tài sản, các khoản công nợ và có biện pháp xử lý, lành mạnh hoá tài chính trước khi giao, bán doanh nghiệp. Đồng thời lập bảng cân đối tài chính và báo cáo kế toán đến thời điểm giao, bán doanh nghiệp.

4. Tất cả các tài sản doanh nghiệp thực hiện giao, bán đều tính bằng giá trị thực tế trên thị trường tại thời điểm quyết định thực hiện giao, bán.

Giá này do bên giao, bên bán xác định và được bên nhận giao, bên mua thoả thuận trong các hợp đồng giao, bán và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

5. Số tiền thu được từ việc bán doanh nghiệp sau khi trừ chi phí phục vụ cho việc bán doanh nghiệp, thanh toán các khoản nợ có bảo đảm và đến hạn trả được nộp vào Quỹ hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, các cấp tương đương: Quỹ Trung ương (nếu là doanh nghiệp nhà nước Trung ương), Quỹ của Tổng công ty 91 (nếu là doanh nghiệp thành viên Tổng công ty 91) và Quỹ của địa phương (nếu là doanh nghiệp nhà nước địa phương).

6. Các khoản chi phí thực tế hợp lý và cần thiết cho việc tổ chức giao và bán doanh nghiệp được giảm trừ vào tiền thu về bán doanh nghiệp hoặc giá trị của doanh nghiệp trước khi giao.

II- GIAO DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC CHO TẬP THỂ NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG DOANH NGHIỆP

1. Nguyên tắc xử lý tài sản và công nợ trước khi giao doanh nghiệp.

1.1. Đối với nợ phải thu: Doanh nghiệp có trách nhiệm tự xử lý các khoản nợ phải thu trước khi giao doanh nghiệp theo hướng:

a/ Các khoản nợ phải thu khó đòi có nguyên nhân khách quan:

- Đối với các khoản nợ đã có đủ chứng cứ xác định là khoản nợ không đòi được như: con nợ đã bị giải thể, phá sản, con nợ đã bỏ trốn, con nợ đang thi hành án và đã lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán... thì doanh nghiệp sử dụng khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi để bù đắp, nếu thiếu được hạch toán vào kết quả kinh doanh (nếu hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi). Trường hợp không còn lãi thì doanh nghiệp báo cáo với các cơ quan quản lý tài chính doanh nghiệp cùng cấp và cơ quan quyết định giá giao doanh nghiệp để xử lý giảm giá trị doanh nghiệp (phần vốn Nhà nước) trước khi thực hiện giao doanh nghiệp.

- Đối với các khoản công nợ dây dưa, đã phát sinh trên 5 năm mà con nợ còn đang tồn tại, doanh nghiệp đã tích cực áp dụng nhiều giải pháp, nhưng vẫn không thu hồi được nợ, thì được xử lý theo những nguyên tắc sau:

+ Đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi: được hạch toán vào kết quả kinh doanh, giảm lãi trước khi giao.

+ Đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh không có hiệu quả, bị thua lỗ hoặc không có lãi: doanh nghiệp báo cáo cơ quan quản lý tài chính doanh nghiệp và cơ quan quyết định giá giao doanh nghiệp để xử lý giảm giá trị doanh nghiệp (phần vốn Nhà nước) trước khi giao.

b/ Các khoản nợ phải thu khó đòi do nguyên nhân chủ quan đã quy được trách nhiệm cá nhân thì phải xử lý trách nhiệm, bồi thường vật chất. Phần tổn thất (sau khi đã xử lý trách nhiệm, bù đắp từ các nguồn dự phòng) được xử lý như đối với các khoản nợ phải thu khó đòi có nguyên nhân khách quan.

c/ Các khoản nợ phải thu còn lại đến thời điểm giao doanh nghiệp, bên nhận giao có trách nhiệm kế thừa và tiếp tục xử lý. Trường hợp có khoản nợ bên giao và bên nhận giao không thoả thuận được thì bên giao vẫn tiếp tục có trách nhiệm theo dõi, thu hồi các khoản nợ đã xử lý theo nguyên tắc trên và nộp vào ngân sách Nhà nước (sau khi trả cho các khoản nợ phải trả).

1.2. Đối với nợ phải trả và các khoản lỗ:

Doanh nghiệp có trách nhiệm tự xử lý các khoản nợ trước khi thực hiện giao doanh nghiệp cho tập thể người lao động.

Trường hợp doanh nghiệp giao có khó khăn về tài chính do bị thua lỗ thì được xử lý như sau:

- Các khoản nợ phải trả tồn đọng đối với Ngân hàng, cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác thì doanh nghiệp phải thoả thuận với chủ nợ và báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý khoanh nợ hoặc giãn nợ tuỳ theo từng trường hợp cụ thể.

[...]