Thông tư 44-TBXH/VHC/LB năm 1985 thực hiện chủ trương của Hội đồng Nhà nước về việc tặng thưởng huân chương độc lập cho các gia đình có nhiều liệt sĩ hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc do Bộ Thương binh và xã hội-Viện Huân chương ban hành

Số hiệu 44-TBXH/VHC/LB
Ngày ban hành 08/04/1985
Ngày có hiệu lực 23/04/1985
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Thương binh và Xã hội,Viện Huân chương
Người ký Trần Hiếu,Trần Thái
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-VIỆN HUÂN CHƯƠNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 44-TBXH/VHC/LB

Hà Nội , ngày 08 tháng 4 năm 1985

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA BỘ THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI, VIỆN HUÂN CHƯƠNG SỐ 44-TBXH/VHC/LB NGÀY 8 THÁNG 4 NĂM 1985 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHỦ TRƯƠNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC VỀ VIỆC TẶNG THƯỞNG HUÂN CHƯƠNG ĐỘC LẬP CHO CÁC GIA ĐÌNH CÓ NHIỀU LIỆT SĨ HY SINH VÌ ĐỘC LẬP, TỰ DO CỦA TỔ QUỐC

Thi hành Quyết định của Hội đồng Nhà nước ghi trong thông báo số 1285-HĐNN7 ngày 22-12-1984 về chủ trương tặng thưởng Huân chương Độc lập cho các gia đình có nhiều liệt sĩ hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc và thông báo sồ 6959-V15 ngày 22-12-1984 của Hội đồng Bộ trưởng. Bộ Thương binh và Xã hội và Viện Huân chương giải thích và hướng dẫn một số điểm cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA CỦA VIỆC KHEN THƯỞNG

Trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ và thắng lợi vẻ vang của Dảng và dân tộc, nhân dân ta đã có nhiều cống hiến hết sức to lớn, đặc biệt là sự đóng góp của gia đình liệt sĩ, nhất là những gia đình có nhiều liệt sĩ. Nhà nước đã có nhiều chính sách, chế độ đãi ngộ về vật chất và tinh thần để đền đáp sự hy sinh của các gia đình liệt sĩ.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Hội đồng Nhà nước đã quyết định chủ trương tặng thưởng Huân chương Độc lập cho những gia đình có nhiều liệt sĩ để ghi nhận ý chí đấu tranh bất khuất của nhân dân ta đối với mọi kẻ thù của dân tộc, để biểu dương sự cống hiến của những người có công lao và sự hy sinh lớn nhất trong các gia đình liệt sĩ, đồng thời để giáo dục nhân dân nâng cao trách nhiệm đền đáp đối với các liệt sĩ; tiếp tục động viên toàn dân tiến lên hoàn thành mọi nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng hiện nay cũng như sau này.

II. ĐỐI TƯỢNG KHEN THƯỞNG VÀ TIÊU CHUẨN VỀ LIỆT SĨ ĐƯỢC TÍNH ĐỂ XÉT KHEN THƯỞNG

A. ĐỐI TƯỢNG KHEN THƯỞNG

Đối tượng khen thưởng chủ yếu là cha mẹ đẻ các liệt sĩ trong những gia đình sau đây:

- Những gia đình có nhiều liệt sĩ.

- Những gia đình có con độc nhất là liệt sĩ.

Phạm vi gia đình ở đây bao gồm vợ, chồng và các con.

Những liệt sĩ nói trên là những liệt sĩ đã được Thủ tướng Chính phủ trước đây hay Chính phủ hiện nay cấp Bằng Tổ quốc ghi công.

B. TIÊU CHUẨN VỀ LIỆT SĨ ĐƯỢC TÍNH ĐỂ XÉT KHEN THƯỞNG

1. Số liệt sĩ trong mỗi gia đình được tính để xét khen thưởng gồm những liệt sĩ là cha, mẹ, các con đẻ (cả trai và gái).

Liệt sĩ mà người có công nuôi dưỡng đã được xác nhận theo tiêu chuẩn quy định ở điểm 2, mục I của Thông tư số 05-TBXH ngày 10-5-1976 của Bộ Thương binh và Xã hội cũng được tính như con đẻ để xét khen thưởng cho người có công nuôi liệt sĩ.

2. Đối với những gia đình đã có vợ hay chồng là con liệt sĩ, nếu có thêm cháu nội là con liệt sĩ cũng là liệt sĩ thì người liệt sĩ cháu nội đó cũng được tính để xét khen thưởng cho gia đình.

3. Liệt sĩ đã được tuyên dương là Anh hùng lực lượng vũ trang được tính như hai liệt sĩ để xét khen thưởng.

4. Trong một số trường hợp, gia đình liệt sĩ có người là thương binh loại A hoặc người hưởng chính sách như thương binh có thương tật nặng thuộc các hạng 1, đặc biệt (xếp theo 6 hạng), hạng 6, 7, 8 (xếp theo 8 hạng) cũng được chú ý để xét khen thưởng. Những thương binh và người hưởng chính sách như thương binh này phải là người thuộc phạm vi gia đình liệt sĩ đã được quy định ở phần A nói trên.

C. MỘT SỐ ĐIỂM CẦN CHÚ Ý KHI XEM XÉT ĐỐI TƯỢNG KHEN THƯỞNG VÀ VẬN DỤNG TIÊU CHUẨN VỀ LIỆT SĨ ĐƯỢC TÍNH ĐỂ XÉT KHEN THƯỞNG

1. Nếu đối tượng khen thưởng của gia đình liệt sĩ đã chết thì người đó vẫn được khen thưởng (truy tặng).

2. Nếu cha mẹ đẻ và người có công nuôi của một liệt sĩ đều đủ tiêu chuẩn được hưởng quyền lợi của gia đình liệt sĩ (như đã quy định trong Thông tư số 05-TBXH ngày 10-5-1976 của Bộ Thương binh và Xã hội) thì liệt sĩ đó được tính vào số liệt sĩ của cả gia đình cha mẹ đẻ và gia đình người có công nuôi để xét khen thưởng.

3. Đối với những gia đình liệt sĩ trong đó có vợ hay chồng con và cháu nội con liệt sĩ cũng là liệt sĩ (gia đình có 3 đời nối tiếp nhau là liệt sĩ) thì đối tượng được xét khen thưởng là vợ hay chồng hoặc vợ liệt sĩ thuộc đời con tuỳ theo sự cống hiến, sự hy sịnh của những người này.

Trong trường hợp gia đình trên có 3 liệt sĩ thuộc 3 đời thì xét khen thưởng cho vợ hay chồng.

4. Trong số liệt sĩ của những gia đình được tính để xét khen thưởng, không tính các liệt sĩ là con rể, cháu ngoại (những người này chỉ được tính trong trường hợp đặc biệt như cùng sống chung trong một nhà, có quan hệ kinh tế, chính trị, và tình cảm như con đẻ, cháu nội, có sự xác nhận của chính quyền xã, phường).

Liệt sĩ là con dâu được tính hoặc ở gia đình bên chồng hoặc ở gia đình bên vợ nhưng chỉ được tính một lần, ở một bên theo sự thoả thuận của hai gia đình và được chính quyền xã, phường xác nhận.

Trong trường hợp không có sự nhất trí giữa hai gia đình về cách tính các liệt sĩ là con rể, cháu ngoại, con dâu thì cách giải quyết như sau:

- Khi cha mẹ hai bên đều còn sống, hai bên bàn bạc thoả thuận với nhau dựa trên nhận xét về quan hệ, về ảnh hưởng của từng bên đối với liệt sĩ.

[...]