Thông tư 40-LN năm 1963 hướng dẫn thi hành Điều lệ tạm thời về săn bắt chim thú rừng do Tổng cục Lâm nghiệp ban hành

Số hiệu 40-LN
Ngày ban hành 20/07/1963
Ngày có hiệu lực 04/08/1963
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Tổng cục Lâm nghiệp
Người ký Nguyễn Tạo
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 40-LN

Hà Nội, ngày 20 tháng 07 năm 1963 

 

THÔNG TƯ

GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH ĐIỀU LỆ TẠM THỜI VỀ SĂN BẮT CHIM THÚ RỪNG

I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA CỦA ĐIỀU LỆ SĂN BẮT

Tài nguyên chim thú rừng, cũng như các tài nguyên thiên nhiên khác của đất nước ta, thuộc quyền sở hữu của toàn dân. Nhà nước có trách nhiệm quản lý, bảo vệ. Mọi người dân đều có nghĩa vụ tham gia vào việc bảo vệ phát triển chim thú rừng để phục vụ lợi ích chung của toàn dân.

Chim thú rừng nước ta có nhiều giá trị về các mặt kinh tế và khoa học, trong nước và trên thế giới, ngoài ra còn giá trị về mặt văn hóa. Nhưng tài nguyên quý giá này chưa được bảo vệ chu đáo. Số lượng chim thú ở nước ta giảm sút nhiều trong vòng một nửa thế kỷ này, có những loài hiếm, quý, đến nay hầu như đã bị tiêu diệt do việc săn bắt bừa bãi gây nên:

Tình hình chim thú rừng bị giết hại nghiêm trọng đề ra yêu cầu cấp thiết phải đẩy mạnh công tác bảo vệ. Chính phủ vừa ra Nghị định số 39-CP, ngày 05-04-1963 ban hành điều lệ tạm thời về săn bắt chim thú rừng.

Mục đích của điều lệ là bảo vệ và phát triển những loài có ích, hiếm và quý, đồng thời khai thác hợp lý tài nguyên về chim thú rừng. Các quy định trong điều lệ nhằm mấy yêu cầu sau đây:

1. Bảo vệ các loài chim thú rừng có ích, quý và hiếm, bảo vệ chim thú rừng trong mùa sinh đẻ, và trong những trường hợp chúng không phá hoại sản xuất, hoặc trực tiếp đe dọa tính mạng người.

2. Ngăn cấm dùng các phương pháp và phương tiện săn bắt nguy hiểm cho người và gia súc, giết hại hàng loạt chim thú rừng.

3. Dần dần quản lý việc săn bắt chim thú rừng với mục đích thể thao, giải trí, nghiên cứu khoa học hoặc kinh doanh.

Thông tư này giải thích quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành điều lệ để đạt mục đích yêu cầu nói trên.

Tinh thần của điều lệ là nêu lên những biện pháp cần thiết để bảo vệ và dần dần phục hồi, phát triển tài nguyên chim thú rừng. Vì là bước đầu, những biện pháp này chưa thật là chặt chẽ, nhưng nếu được áp dụng nghiêm chỉnh,cũng sẽ có tác dụng nghiêm chỉnh, cũng sẽ có tác dụng tốt. Mỗi cán bộ nhất là cán bộ lâm nghiệm, và mỗi người dân, nhất là các nhà đi săn và đồng bào miền núi, phải nhận thức đầy đủ và tự giác thực hiện. Riêng đối với đồng bào miền núi, điều lệ có chiếu cố thích đáng đến phong tục tập quán, vì việc săn bắt chim thú đối với đồng bào còn là một hoạt động thường xuyên, có mục đích cải thiện đời sống, bảo vệ tính mạng người và gia súc, bảo vệ sản xuất.

II. NHỮNG BIỆN PHÁP BẢO VỆ

Điều lệ quy định những biện pháp bảo vệ sau đây:

1. Phân biệt các loài chim thú cấm săn bắt, các loài hạn chế săn bắt và các loài được săn bắt.

a) Điều 1 của điều lệ quy định danh sách 19 loài chim thú cần được bảo vệ triệt để, nghĩa là cấm bắn, bẫy chết làm bị thương, bẫy bắt sống, cấm cả việc thu nhặt trứng (trứng công, gà lôi, gà sao, chim trĩ) đào hang (hang têtê), phá tổ (tổ chim và ổ nằm của thú). Trong số những loài này có những loài có giá trị kinh tế lớn như voi, bò rừng, hươu sao, hươu sa, có những loài quý như công, trĩ, gà lôi, gà sao, bò tót, vẹc, kỳ lạ như sóc bay, cầy bay, có ích như tê tê, có những loài đã trở nên hiếm như trâu rừng, cheo cheo, chồn mực, vượn, culi, có những loài hầu như bị tiêu diệt như tê giác, heo vòi.

Có thể ở một số địa phương một số trong những loài nói trên không quý, hiếm, nhưng nhìn chung trong cả nước thì lại là hiếm, quý.

b) Những loài thú dữ: hổ, báo, beo, gấm, gấu…. cũng là những loài có giá trị và tương đối ít ở nước ta, cần được bảo vệ, nhưng vì là thú dữ, nên điều 2 quy định có thể bắn chết nếu chúng trực tiếp uy hiếp tính mạng người, nghĩa là nếu không bắn thì chúng có thể vồ người làm chết hay bị thương. Ở một số nơi, có nhiều thú dữ, nếu chúng thường hay rình bắt người qua lại trong rừng, hoặc thường hay lẫn vào thôn, xóm quấy nhiễu nhân dân thì nhân dân có thể tổ chức bắt sống, hoặc bẫy chết, bắn chết. Cần quán triệt tinh thần của quy định là kết hợp đúng đắn yêu cầu bảo vệ tính mạng người, không được vịn vào lý do bảo vệ người để lợi dụng bắn bẫy, bắt thú kiếm lời, lấy xương nấu cao, lấy mật làm thuốc.

c) Ngoài những loài chim thú cấm hẳn việc săn bắt kể trong điều 1 và những loài hạn chế săn bắt kể trong điều 2, còn lại là những loài được phép săn bắt.

2. Phân biệt các trường hợp săn bắt:

Ngoài trường hợp bắn, bẫy, bắt để bảo vệ tính mạng người (điều 2), có trường hợp săn bắt để bảo vệ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp (điều 3), trường hợp săn bắt với mục đích cải thiện đời sống, giải trí, thể thao (điều 4), và trường hợp săn bắt để phục vụ yêu cầu khoa học, văn hóa, chăn nuôi, xuất khẩu hoặc những yêu cầu đặc biệt khác (điều 5).

a) Có những loài chim thú rừng có thể gây thiệt hại cho sản xuất nông lâm ngư nghiệp. Điều 3 của điều lệ đề ra biện pháp ngăn chặn chim thú đến phá hoại sản xuất: trước hết cần tìm mọi cách xua đuổi, chỉ sau khi xua đuổi không có kết quả mới được bẫy bắt sống (những loài có thể nuôi được như nai, hoẵng v.v…), hoặc bẫy chết, bắn chết nhưng cũng chỉ trong phạm vi đất đai trồng trọt, chăn nuôi, và liền chung quanh phạm vi đó. Quy định chặt chẽ như vậy là để ngăn ngừa việc săn bắt bừa bãi, không thực sự cần thiết cho việc bảo vệ sản xuất.

Điều 3 nhấn mạnh việc xử lý đúng mức đối với voi đến phá hoại ruộng nương, nhà cửa vườn tược của nhân dân vì voi là một loài rất quý, hiếm có thể thuần hóa để sử dụng trong khai thác gỗ, vận chuyển trên những tuyến đường hiểm trở, một loài cần phải được bảo vệ tích cực (điều 1). Biện pháp chủ yếu là tìm mọi cách xua đuổi. Nếu xua đuổi tích cực nhiều lần mà voi vẫn đến phá hoại thì mới bắn chết.

Trường hợp có cả một đàn voi kéo đến phá hoại mà cần bắn chết, thì chỉ được bắn một con và phải chọn con già, con đực, không được bắn voi cái, voi con. Sau khi bắn chết phải báo cáo ngay với Ủy ban hành chính huyện. Ủy ban hành chính huyện sẽ kiểm tra lại xem việc bắn có thật là cần thiết hay không và báo cáo qua Ủy viên hành chính tỉnh, về Tổng cục Lâm nghiệp.

b) Trường hợp săn bắt với mục đích cải thiện đời sống, giải trí, thể thao, chỉ được săn bắt những loài không kể tên trong các điều 1 và 2 và trong mùa săn doTổng cục Lâm nghiệp quy định hàng năm, (trường hợp cần bắn, bẫy, bắt thú dữ uy hiếp tính mạng người, hoặc cần săn bắt để bảo vệ sản xuất, thì không phải theo mùa quy định). Mùa săn nằm trong thời gian mà đa số các loài chim thú không sinh đẻ và nuôi con nhỏ.

c) Theo điều 5 của điều lệ, để phục vụ yêu cầu khoa học, văn hóa, chăn nuôi, xuất khẩu, hoặc những yêu cầu đặc biệt khác, Tổng cục Lâm nghiệp được tổ chức hoặc cho phép tổ chức săn bắt một số loài chim thú rừng, có thể là cả những loài ghi trong điều 1 và điều 2, trong hoặc ngoài mùa săn, trong cả những khu vực cấm săn, với những phương tiện cần thiết.

Đây là một quy định có tính chất đặc biệt, cần áp dụng hạn chế trong một phạm vi nhất định.

d) Xử lý chim thú sau khi săn bắt:

[...]