Thông tư 37/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn quản lý lao động, tiền lương, thù lao và tiền thưởng trong Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 37/2016/TT-BLĐTBXH
Ngày ban hành 25/10/2016
Ngày có hiệu lực 10/12/2016
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Người ký Doãn Mậu Diệp
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Tiền tệ - Ngân hàng,Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/2016/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 2016

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ LAO ĐỘNG, TIỀN LƯƠNG, THÙ LAO VÀ TIỀN THƯỞNG TRONG CÔNG TY QUẢN LÝ TÀI SẢN CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG VIỆT NAM

Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam; Nghị định số 34/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2015 và Nghị định số 18/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 51/2016/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Nghị định số 52/2016/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương;

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý lao động, tiền lương, thù lao và tiền thưởng trong Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

Mục 1. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người lao động, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, Trưởng ban kiểm soát và thành viên Ban kiểm soát trong Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (sau đây gọi tắt là VAMC).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động.

2. Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, Trưởng ban kiểm soát và thành viên Ban kiểm soát.

3. Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng quy định tại Thông tư này.

Mục 2. QUẢN LÝ LAO ĐỘNG, TIỀN LƯƠNG, TIỀN THƯỞNG ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG

Điều 3. Quản lý lao động, quỹ tiền lương kế hoạch, đơn giá tiền lương, tạm ứng tiền lương, quỹ tiền lương thực hiện, phân phối tiền lương, tiền thưởng

1. VAMC thực hiện quản lý lao động, xác định quỹ tiền lương kế hoạch, đơn giá tiền lương, tạm ứng tiền lương, quỹ tiền lương thực hiện, phân phối tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động theo quy định tại Mục 2; Điều 9, 10, 13 Mục 3 và Mục 4 Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (sau đây gọi tắt là Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH).

2. Khi xác định mức tiền lương bình quân kế hoạch, mức tiền lương bình quân thực hiện để tính quỹ tiền lương kế hoạch, quỹ tiền lương thực hiện theo quy định tại Điều 9 và Điều 14 Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH, VAMC xác định chỉ tiêu năng suất lao động bình quân và lợi nhuận như sau:

a) Chỉ tiêu năng suất lao động bình quân (kế hoạch, thực hiện trong năm hoặc thực hiện của năm trước liền kề) được tính theo chỉ tiêu tổng doanh thu trừ tổng chi phí chưa có tiền lương, trong đó chỉ tiêu tổng doanh thu và tổng chi phí được xác định theo quy định tại Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2013, Nghị định số 34/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 03 năm 2015 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính về chế độ tài chính đối với VAMC.

b) Chỉ tiêu lợi nhuận (kế hoạch, thực hiện trong năm hoặc thực hiện của năm trước liền kề) được thay bằng chỉ tiêu số tiền thu hồi các khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt.

Điều 4. Loại trừ các yếu tố khách quan khi xác định quỹ tiền lương kế hoạch, quỹ tiền lương thực hiện của người lao động

1. Khi xác định quỹ tiền lương kế hoạch, quỹ tiền lương thực hiện của người lao động, VAMC loại trừ các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến năng suất lao động, số tiền thu hồi các khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt, bao gồm:

a) Ảnh hưởng của các yếu tố khách quan quy định tại Điều 11 Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH.

b) Nhà nước có quyết định can thiệp làm ảnh hưởng trực tiếp đến số tiền thu hồi các khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến việc mua hoặc bán khoản nợ xấu và tài sản đảm bảo; điều chỉnh tỷ lệ tính trên số tiền thu hồi của khoản nợ xấu được VAMC mua bằng trái phiếu đặc biệt; điều chỉnh tỷ lệ tính trên số dư còn lại cuối kỳ của khoản nợ mà VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt.

c) VAMC thực hiện các khoản đầu tư mới cho hoạt động kinh doanh (không bao gồm các khoản đầu tư, sửa chữa, nâng cấp tài sản đảm bảo các khoản nợ VAMC đã mua để cải tạo thành trụ sở làm việc hoặc cho thuê).

2. Việc loại trừ yếu tố khách quan quy định tại Khoản 1 Điều này được thực hiện theo nguyên tắc như sau:

a) Năng suất lao động, số tiền thu hồi các khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan phải được lượng hóa và tính toán bằng số liệu cụ thể.

b) Yếu tố khách quan làm giảm (hoặc tăng) năng suất lao động, số tiền thu hồi các khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt thì được cộng thêm (hoặc giảm trừ) phần năng suất lao động, số tiền thu hồi các khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt giảm (hoặc tăng) tương ứng vào chỉ tiêu năng suất lao động, số tiền thu hồi các khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt trong năm.

[...]