Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Thông tư 35/2011/TT-BGTVT về thủ tục cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật thiết bị xếp dỡ, nồi hơi, thiết bị áp lực sử dụng trong giao thông vận tải do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 35/2011/TT-BGTVT
Ngày ban hành 06/05/2011
Ngày có hiệu lực 20/06/2011
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Hồ Nghĩa Dũng
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 35/2011/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 06 tháng 5 năm 2011

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN CHẤT LƯỢNG AN TOÀN KỸ THUẬT THIẾT BỊ XẾP DỠ, NỒI HƠI, THIẾT BỊ ÁP LỰC SỬ DỤNG TRONG GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP, ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa;

Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22/04/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về thủ tục cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật liên quan đến quản lý, kiểm tra, nhập khẩu, thiết kế, sản xuất, hoán cải, thử nghiệm và khai thác sử dụng đối với các thiết bị xếp dỡ, nồi hơi, thiết bị áp lực (sau đây gọi là thiết bị) sử dụng trong giao thông vận tải (tại các cảng, sân bay, cơ sở sản xuất và sửa chữa phương tiện giao thông đường thủy, đường sắt, đường bộ, cầu đường, hàng không, công trình biển; xi téc ôtô, bồn, bình, chai, hệ thống khí nén, khí hóa lỏng...) trên phạm vi cả nước.

2. Thông tư này không áp dụng cho thiết bị khai thác sử dụng trên tàu thủy, công trình biển, thiết bị nêu tại Thông tư số 23/2009/TT-BGTVT quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dùng, các thiết bị của quân đội và công an sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh.

3. Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý, kiểm tra, nhập khẩu, thiết kế, sản xuất, hoán cải, thử nghiệm và khai thác sử dụng các thiết bị nêu ở khoản 1 Điều này.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Sản phẩm cùng kiểu là các thiết bị cùng nhãn hiệu, thiết kế và có cùng thông số kỹ thuật được sản xuất trên cùng một dây chuyền công nghệ.

2. Cơ sở sản xuất là tổ chức, cá nhân sản xuất, lắp ráp, sửa chữa, hoán cải các thiết bị được Cục Đăng kiểm Việt Nam đánh giá, chứng nhận.

3. Cơ sở thiết kế là tổ chức, cá nhân hành nghề kinh doanh dịch vụ thiết kế thiết bị theo các quy định hiện hành.

4. Cơ sở thử nghiệm là các trạm thử, phòng thí nghiệm của tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực kiểm tra, bảo dưỡng, thử nghiệm vật liệu, thiết bị được Cục Đăng kiểm Việt Nam đánh giá, chứng nhận hoặc chấp nhận.

Điều 3. Căn cứ kiểm tra để cấp giấy chứng nhận

Thiết kế của thiết bị, thiết bị nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp, hoán cải và khai thác sử dụng phải được Cục Đăng kiểm Việt Nam thẩm định, kiểm tra và cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật.

Căn cứ để kiểm tra cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật các thiết bị, cơ sở là các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định của pháp luật liên quan và các tiêu chuẩn tương đương quy định về việc đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật tương ứng với từng loại thiết bị nêu tại Phụ lục I của Thông tư này.

Chương II

THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN THẨM ĐỊNH THIẾT KẾ

Điều 4. Hồ sơ đề nghị thẩm định

Hồ sơ đề nghị thẩm định thiết kế đối với thiết bị trong sản xuất, lắp ráp, hoán cải gồm:

1. Văn bản đề nghị thẩm định thiết kế theo mẫu tại Phụ lục IX của Thông tư này;

2. Hồ sơ thiết kế thiết bị được lập thành 03 bộ (bản chính) theo quy định trong tiêu chuẩn, quy chuẩn tương ứng. Trường hợp không có quy định trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn hồ sơ thiết kế tối thiểu gồm:

a) Đối với thiết bị sản xuất, lắp ráp:

[...]