Thông tư 35/2009/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường Trung cấp chuyên nghiệp tư thục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 35/2009/TT-BGDĐT
Ngày ban hành 03/12/2009
Ngày có hiệu lực 25/01/2010
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Phạm Vũ Luận
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO   
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------

Số: 35/2009/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 03 tháng 12 năm 2009

 

THÔNG TƯ

BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRƯỜNG TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP TƯ THỤC

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp,

THÔNG TƯ

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chế Tổ chức và hoạt động của trường Trung cấp chuyên nghiệp tư thục.

Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/01/2010. Thông tư này thay thế các quy định áp dụng đối với trường trung học chuyên nghiệp tại Quyết định số 39/2001/QĐ-BGD&ĐT ngày 28 tháng 8 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của các trường ngoài công lập.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ trưởng các cơ quan quản lý trường có đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo, Hiệu trưởng các trường trung cấp chuyên nghiệp, Thủ trưởng các cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, các tổ chức và các cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phạm Vũ Luận  

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRƯỜNG TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP TƯ THỤC
(ban hành kèm theo Thông tư số 35/2009/TT-BGDĐT ngày 03 tháng 12 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về tổ chức và hoạt động của trường trung cấp chuyên nghiệp tư thục, bao gồm: tổ chức và nhân sự; giáo viên, cán bộ, nhân viên và người học; hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế; tài chính, tài sản, thanh tra, kiểm tra, khen thưởng và xử lý vi phạm.

Điều 2. Vị trí của trường trung cấp chuyên nghiệp tư thục

Trường trung cấp chuyên nghiệp tư thục là cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Trường có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Góp vốn là việc đưa tài sản vào nhà trường để trở thành chủ sở hữu hoặc các chủ sở hữu chung của nhà trường. Tài sản góp vốn có thể bằng tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ và các tài sản khác được ghi trong Quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường. Tổng giá trị tài sản do các cá nhân đóng góp tạo thành vốn của trường.

2. Vốn điều lệ là tổng giá trị số vốn góp quy thành tiền của tất cả thành viên, được ghi vào Quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường. Trong quá trình hoạt động vốn điều lệ có thể được gia tăng do nhu cầu xây dựng và phát triển nhà trường.

3. Phần vốn góp là phần trong vốn điều lệ của nhà trường mà chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu chung của nhà trường góp vốn.

4. Vốn có quyền biểu quyết là phần vốn góp, theo đó chủ sở hữu có quyền biểu quyết về những vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông quyết định. Phần vốn có quyền biểu quyết của trường trung cấp chuyên nghiệp tư thục do Đại hội đồng cổ đông quy định.

5. Thành viên sáng lập là người tham gia trực tiếp đề xuất, chuẩn bị thành lập trường ngay từ thời gian đầu thành lập; tham gia xây dựng và thông qua Quy chế tổ chức và hoạt động đầu tiên của nhà trường và có số vốn góp đáp ứng quy định của trường.

6. Chủ sở hữu chung là chủ sở hữu số tài sản chung hợp nhất của các tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn và giá trị tài sản gia tăng từ phần góp vốn trong quá trình hoạt động của trường.

7. Cổ phần là giá trị vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau, mỗi phần được gọi là cổ phần.

8. Cổ đông là chủ sở hữu ít nhất một cổ phần. Cổ đông có thể là tổ chức hoặc cá nhân. Cổ đông sở hữu phần vốn có quyền biểu quyết gọi là cổ đông có quyền biểu quyết. Cổ đông chưa đủ phần vốn có quyền biểu quyết gọi là cổ đông phổ thông.

[...]