Thông tư 34/2017/TT-BCA quy định về việc tổ chức cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân; nhận quà; gửi, nhận thư, sách, báo, tài liệu do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

Số hiệu 34/2017/TT-BCA
Ngày ban hành 19/09/2017
Ngày có hiệu lực 01/01/2018
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Công An
Người ký Tô Lâm
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

BỘ CÔNG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 34/2017/TT-BCA

Hà Nội, ngày 19 tháng 9 năm 2017

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VIỆC TỔ CHỨC CHO NGƯỜI BỊ TẠM GIỮ, NGƯỜI BỊ TẠM GIAM GẶP THÂN NHÂN; NHẬN QUÀ; GỬI, NHẬN THƯ, SÁCH, BÁO, TÀI LIỆU

Căn cứ Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 106/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp;

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định việc tổ chức cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân; nhận quà; gửi, nhận thư, sách, báo, tài liệu.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định việc tổ chức cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân; nhận quà; gửi, nhận thư, sách, báo, tài liệu.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam tại các nhà tạm giữ, trại tạm giam (sau đây gọi chung là cơ sở giam giữ) trong Công an nhân dân; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện

Đảm bảo quyền được gặp thân nhân; nhận quà; gửi, nhận thư, sách, báo, tài liệu của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; không làm ảnh hưởng đến hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan, người có thẩm quyền và đảm bảo an toàn cơ sở giam giữ.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Đối tượng, thủ tục thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam

1. Thân nhân đến thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam được quy định tại khoản 8, Điều 3 của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.

2. Thân nhân đến thăm gặp phải xuất trình, một trong các loại giấy tờ tùy thân sau: Giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ căn cước công dân, giấy xác nhận là cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, người dưới 14 tuổi phải có giấy khai sinh; giấy tờ xác nhận về quan hệ với người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Trường hợp người đến thăm gặp không có giấy tờ chứng minh quan hệ thì phải có đơn đề nghị, có xác nhận của Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan có thẩm quyền; trường hợp người đến thăm gặp không có giấy tờ tùy thân thì đơn đề nghị thăm gặp phải dán ảnh và đóng dấu giáp lai vào ảnh.

3. Người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ, kể cả ngày nghỉ, mỗi lần gặp không quá một giờ.

4. Người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng, thời gian gặp trong giờ làm việc, mỗi lần gặp không quá một giờ. Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định cụ thể thời điểm người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân.

5. Trường hợp người bị tạm giữ chuyển sang bị tạm giam hoặc người bị tạm giam mà thời gian tạm giam không đủ một tháng trong tháng đó thì vẫn được giải quyết gặp thân nhân một lần.

6. Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định bằng văn bản việc cho gặp thân nhân, nêu rõ thời điểm được gặp thân nhân, cán bộ quản lý trong thời gian thăm gặp và gửi quyết định cho cơ quan đang thụ lý vụ án biết. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được gặp không quá 03 thân nhân trong mỗi lần gặp; các trường hợp khác do thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định.

7. Trường hợp cơ quan đang thụ lý vụ án có yêu cầu giám sát, theo dõi việc thăm gặp thì thủ trưởng cơ sở giam giữ thông báo thời điểm thăm gặp cho cơ quan đang thụ lý vụ án biết để phối hợp.

8. Ngôn ngữ sử dụng trong thăm gặp là tiếng Việt, trường hợp là người dân tộc ít người hoặc người nước ngoài không biết tiếng Việt thì phải có phiên dịch hoặc cán bộ biết tiếng dân tộc hoặc tiếng nước đó tham gia.

9. Khi người bị tạm giữ, người bị tạm giam và thân nhân của họ có các yêu cầu về giao dịch dân sự, cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm phối hợp với cơ sở giam giữ để giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 5. Các trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam không được gặp thân nhân

1. Các trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam không được gặp thân nhân thực hiện theo quy định tại khoản 4, Điều 22 của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.

[...]