Thông tư 31/2015/TT-BGDĐT quy định bộ tiêu chí đánh giá sách giáo khoa tiếng Anh giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 31/2015/TT-BGDĐT
Ngày ban hành 14/12/2015
Ngày có hiệu lực 28/01/2016
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Vinh Hiển
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 31/2015/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 14 tháng 12 năm 2015

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ SÁCH GIÁO KHOA TIẾNG ANH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục; Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục; Nghị định số 07/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi Điểm b Khoản 13 Điều 1 của Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;

Căn cứ Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về Đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông;

Căn cứ Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học;

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư Quy định bộ tiêu chí đánh giá sách giáo khoa tiếng Anh giáo dục phổ thông,

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích và đối tượng sử dụng

1. Thông tư này quy định về bộ tiêu chí đánh giá sách giáo khoa tiếng Anh giáo dục phổ thông (sau đây gọi tắt là bộ tiêu chí).

2. Làm căn cứ để Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đánh giá sách giáo khoa tiếng Anh giáo dục phổ thông (sau đây gọi chung là sách).

3. Định hướng cho các nhà xuất bản, các tổ chức, cá nhân tham khảo khi biên soạn sách phù hợp với chương trình môn học.

4. Hỗ trợ các nhà quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh lựa chọn, sử dụng sách trong quá trình dạy và học.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Học liệu trong Thông tư này được hiểu là: Các phương tiện vật chất lưu giữ, mang hoặc phản ánh nội dung của sách; được người học sử dụng làm phương tiện và nguồn để học tập; được giáo viên sử dụng để tổ chức, hỗ trợ dạy học theo sách. Học liệu có thể sử dụng dưới dạng truyền thống (tranh ảnh, ảnh dạng thẻ) và học liệu điện tử. Học liệu điện tử là các tài liệu học tập được số hóa theo một kiến trúc định dạng và kịch bản nhất định, được lưu trữ trên các thiết bị điện tử như CD, CD-ROM, USB, máy tính, mạng máy tính nhằm phục vụ cho việc dạy và học. Dạng thức số hóa có thể là văn bản (text), slide, bảng dữ liệu, âm thanh, hình ảnh, video, phần mềm máy tính và hỗn hợp các dạng thức nói trên.

Điều 3. Bộ tiêu chí

Bộ tiêu chí gồm 44 tiêu chí, được chia thành 05 (năm) nhóm như sau:

1. Nhóm I: Tiêu chí về điều kiện tiên quyết (04 tiêu chí).

2. Nhóm II: Tiêu chí về mục tiêu, nguyên tắc và phương pháp dạy học (10 tiêu chí).

3. Nhóm III: Tiêu chí về kiến thức và kỹ năng ngôn ngữ (22 tiêu chí).

4. Nhóm IV: Tiêu chí về thiết kế và cấu trúc (05 tiêu chí).

5. Nhóm V: Tiêu chí về học liệu đi kèm (03 tiêu chí).

Điều 4. Nguyên tắc sử dụng bộ tiêu chí

Việc sử dụng bộ tiêu chí để đánh giá sách, phải dựa theo chương trình môn học và đảm bảo đồng thời hai nguyên tắc sau:

1. Nguyên tắc về điều kiện tiên quyết

[...]