Báo cáo số 146/BC-BGDĐT về việc kết quả đánh giá chương trình giáo dục và sách giáo khoa phổ thông năm 2008 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 146/BC-BGDĐT
Ngày ban hành 26/05/2008
Ngày có hiệu lực 26/05/2008
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Vinh Hiển
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 146/BC-BGDĐT

Hà Nội, ngày 26 tháng 5 năm 2008

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC VÀ SÁCH GIÁO KHOA PHỔ THÔNG NĂM 2008

Thực hiện yêu cầu trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 về chương trình và sách giáo khoa phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo xin được báo cáo với các đại biểu Quốc hội về kết quả đánh giá chương trình giáo dục và sách giáo khoa phổ thông năm 2008 như sau:

1. Quá trình thực hiện, đánh giá chương trình giáo dục và sách giáo khoa mới

Thực hiện Nghị quyết 40/2000/QH10 của Quốc hội và Chỉ thị 14/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bắt đầu từ năm học 2002–2003, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho triển khai đại trà chương trình giáo dục và sách giáo khoa mới ở cấp Tiểu học và Trung học cơ sở, mở đầu là lớp 1 và lớp 6 trong phạm vi cả nước. Mỗi năm sau đó triển khai chương trình giáo dục và sách giáo khoa mới cho một lớp ở Tiểu học và một lớp ë Trung học. Năm học 2008-2009 việc triển khai chương trình giáo dục và sách giáo khoa ở lớp 12 sẽ kết thúc quá trình đưa chương trình giáo dục và sách giáo khoa mới vào toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông. Sau một số năm triển khai, sự đánh giá của các cá nhân cũng như của các tổ chức trong ngành giáo dục và sự đánh giá của xã hội về chất lượng và hiệu quả của chương trình giáo dục và sách giáo khoa mới rất khác nhau, thậm chí là trái ngược nhau. Có nhiều ý kiến khẳng định những yếu tố tích cực của chương trình giáo dục, sách giáo khoa mới, nhưng cũng có những ý kiến bày tỏ sự chưa đồng tình, thậm chí phê phán gay gắt.

Tuy nhiên, những ý kiến khác nhau đó chưa dựa trên một sự khảo sát điều tra ở quy mô đủ lớn, do đó chưa có cơ sở khoa học, nhiều ý kiến còn mang tính chủ quan. Để có những nhận định đúng đắn về chất lượng và hiệu quả của chương trình, sách giáo khoa mới cần có những nghiên cứu đánh giá nghiêm túc, đảm bảo tính khách quan và khoa học. Trong c¸c n¨m 2004-2005, Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thống nhất thực hiện một nghiên cứu cấp Nhà nước với mục đích đánh giá chất lượng, hiệu quả triển khai chương trình, sách giáo khoa cấp Tiểu học và Trung học cơ sở. Tuy nhiên nghiên cứu này mới chỉ giới hạn ở một số môn học, ở một số lớp học ở cấp Tiểu học và cấp Trung học cơ sở (Đối với cấp Tiểu học: đánh giá chương trình hai môn Toán, Tiếng Việt toàn cấp; đánh giá SGK hai môn Toán, Tiếng Việt lớp 1 và lớp 3. Đối với cấp THCS: đánh giá chương trình các môn Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý toàn cấp; đánh giá SGK các môn Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý lớp 6, lớp 7 và lớp 8). Vì vậy, năm 2008 Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương đánh giá toàn diện hơn, ở tất cả các môn học, tất cả các lớp học từ lớp 1 đến lớp 11 (lớp 12 chưa triển khai sách giáo khoa mới nên chưa đánh giá). Đánh giá lần này, cùng với các lần đánh giá sau hàng năm (tới năm 2010), nhằm cung cấp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo và báo cáo trước xã hội một đánh giá khách quan về chất lượng của chương trình và sách giáo khoa phổ thông, từ đó Bộ sẽ có các chỉ đạo kịp thời để chỉnh sửa chương trình, sách giáo khoa và chỉ đạo thực hiện chương trình, sách giáo khoa trên qui mô toàn quốc, ở các vùng, miền khác nhau.

Nhằm đạt được những mục tiêu trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng kế hoạch để giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục - những người đang trực tiếp thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới ở 64 tỉnh thành, cùng Hội Cựu giáo chức Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam và Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam tham gia đánh giá chương trình và sách giáo khoa mới.

Để có được những nhận định, đánh giá xác đáng, đảm bảo tính khách quan, khoa học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thống nhất với các nhà giáo, các nhà hoạt động xã hội và các nhà khoa học chuyên ngành thuộc các tổ chức trên về quan niệm chương trình, quan niệm sách giáo khoa và các tiêu chí đánh giá.

Sau hai tháng triển khai, đến ngày 15 tháng 5 năm 2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận được 204 báo cáo ý kiến đánh giá chương trình, sách giáo khoa của các tập thể và cá nhân, bao gồm: 60 Sở Giáo dục và Đào tạo; 11 báo cáo của Trung ương Liên hiệp các Hội KHKT và các hội thành viên; 12 báo cáo tổng hợp của cơ quan Trung ương Hội Cựu giáo chức Việt Nam và các chi Hội tỉnh, thành phố, 7 bản góp ý của các cá nhân thuộc Hội; 35 báo cáo tổng hợp của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam và các Hội cấp tỉnh, thành phố, 78 bản góp ý của các cá nhân thuộc Hội. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thu thập các ý kiến qua báo chí và các phương tiện truyền thông khác.Tại 60 Sở Giáo dục và Đào tạo đã gửi báo cáo, chiếm 94% số Sở cả nước, có hơn 20.000 trường phổ thông đã tham gia vào việc đánh giá này, chiếm hơn 50% tổng số trường phổ thông trong cả nước.

Ngày 18 tháng 5 năm 2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội thảo toàn quốc lần thứ nhất về đánh giá chương trình giáo dục và sách giáo khoa phổ thông với sự tham gia của 475 đại biểu, đại diện cho: Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Hội Cựu giáo chức Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam và Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, các đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số trường đại học Sư phạm, các tiểu ban xây dựng chương trình giáo dục, nhóm tác giả biên soạn SGK; Hội đồng thẩm định chương trình giáo dục, Hội đồng thẩm định SGK, Hội đồng bộ môn và 33 Sở Giáo dục và Đào tạo. Hội thảo do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cùng Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chủ trì.

Dưới đây là tổng hợp các ý kiến đánh giá chương trình, sách giáo khoa từ các Sở Giáo dục và Đào tạo, các tổ chức xã hội, cá nhân nêu trên và từ Hội thảo toàn quốc về đánh giá chương trình và sách giáo khoa năm 2008. Theo kế hoạch, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức đánh giá chương trình giáo dục và sách giáo khoa phổ thông liên tục trong 3 năm 2008, 2009, 2010 để thực hiện việc điều chỉnh chương trình và sách giáo khoa một cách phù hợp, đồng thời để có cơ sở quyết định việc xây dựng chương trình giáo dục và biên soạn sách giáo khoa mới cho thời kỳ sau 2010 tới 2020.

2. Kết quả đánh giá chương trình giáo dục, sách giáo khoa năm 2008

2.1. Đánh giá chương trình giáo dục phổ thông

Việc đánh giá chương trình giáo dục phổ thông tập trung vào việc xem xét mức độ đáp ứng của chương trình đối với các yêu cầu nêu ra trong Luật Giáo dục và Nghị quyết 40/2000/QH10 của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, bao gồm: mức độ quán triệt quan điểm, đường lối giáo dục của Đảng, Nhà nước; mức độ đảm bảo tính khoa học và sư phạm; mức độ đảm bảo tính khả thi, tính phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

2.1.1. Về mức độ quán triệt đường lối giáo dục của Đảng, Nhà nước và đảm bảo tính khoa học, sư phạm của chương trình giáo dục phổ thông:

a. Sáu ưu điểm

1/ Chương trình các cấp học và môn học đã bám sát mục tiêu giáo dục từng cấp qui định tại Luật Giáo dục, cơ bản đã thể hiện được quan điểm, đường lối giáo dục của Đảng, Nhà nước trong Nghị quyết Trung ương 2 khoá VIII, Nghị quyết 40/2000/QH10 của Quốc hội, Chỉ thị 14/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình đã chú ý tới giáo dục toàn diện con người về các mặt đức, trí, thể, mỹ, tăng cường hoạt động giáo dục và định hướng nghề nghiệp trong hoàn cảnh hiện nay của Việt Nam.

Đây là nhận định, đánh giá của Hội Cựu giáo chức Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam và Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam.

2/ Về cơ bản, chương trình giáo dục các cấp học và môn học đã đảm bảo được tính chính xác, khoa học, hiện đại, cập nhật và tiếp cận được trình độ giáo dục ở các nước phát triển trong khu vực, đáp ứng xu thế phát triển của xã hội Việt Nam trong thời kì hội nhập quốc tế, đề cập đến những vấn đề chung có tính toàn cầu như giáo dục dân số, bảo vệ môi trường, giáo dục quyền trẻ em, phòng chống các tệ nạn xã hội và HIV – AIDS, …

Đây là đánh giá của Hội Cựu giáo chức Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam và 93,6%(*) Sở Giáo dục và Đào tạo.

3/ Nội dung và yêu cầu của chương trình ở nhiều môn học nhìn chung là phù hợp với trình độ phát triển tâm, sinh lí của học sinh Việt Nam. Chương trình có chú ý đến sự phân hoá trình độ nhận thức của học sinh. Ở cấp Trung học phổ thông có chương trình chuẩn phù hợp với trình độ nhận thức của phần đông học sinh Việt Nam và chương trình nâng cao đáp ứng nhu cầu, năng lực cá nhân của đối tượng học sinh khá, giỏi. Ở cả ba cấp đều có chương trình môn học tự chọn, chủ đề tự chọn nhằm đáp ứng nguyện vọng, sở thích cá nhân và năng khiếu của học sinh.

Đây là đánh giá của Hội Cựu giáo chức Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam và 69,1% Sở Giáo dục và Đào tạo.

4/ Chương trình đã chú ý đến tính liên thông giữa các môn học, toàn cấp học và giữa các cấp học, đảm bảo nguyên tắc kế thừa và phát triển từ các chương trình giáo dục trước đây. Bên cạnh đó, phần nào cũng thể hiện sự tích hợp nhiều phân môn trong một môn học, tích hợp nhiều lĩnh vực ở một số môn học.

Các mạch kiến thức xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12, các chủ đề cụ thể trong từng lớp của chương trình mỗi môn học đều được sắp xếp một cách hệ thống theo kiểu tuyến tính hoặc đồng tâm. Sự phát triển các mạch kiến thức đều theo nguyên tắc từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp và có chú trọng đến mối quan hệ dọc, ngang, trên, dưới nên đã tạo điều kiện cho học sinh vừa củng cố, ôn luyện vững chắc kiến thức, vừa từng bước nâng cao dần kĩ năng tư duy. Thông qua đó góp phần phát triển khả năng tự học, làm quen với tự nghiên cứu của các em.

Đây là nhận định, đánh giá của Hội Khuyến học Việt Nam và Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam và 74,5% Sở Giáo dục và Đào tạo.

5/ Chương trình mỗi môn học đều nêu cụ thể những định hướng đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập. Hệ thống chuẩn kiến thức, kĩ năng đã qui định cụ thể mức độ yêu cầu học sinh cần đạt ở mỗi đơn vị kiến thức. Do đó, chương trình đã hỗ trợ đắc lực cho giáo viên trong việc xác định đúng, đủ mục tiêu dạy học và lựa chọn phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá thích hợp.

Đây là nhận định, đánh giá của Hội Cựu giáo chức Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam và 70,2% Sở Giáo dục và Đào tạo.

6/ Kế thừa và phát huy được những ưu điểm cơ bản của chương trình trước đây, chương trình của hầu hết các môn học đều giảm bớt tính lí thuyết hàn lâm, chú trọng hơn tới yêu cầu phát triển kĩ năng thực hành, thí nghiệm và liên hệ, vận dụng vào thực tế.

[...]