Thông tư 30/2003/TT-BKHCN hướng dẫn các thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế/giải pháp hữu ích do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Số hiệu 30/2003/TT-BKHCN
Ngày ban hành 05/11/2003
Ngày có hiệu lực 27/11/2003
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Khoa học và Công nghệ
Người ký Bùi Mạnh Hải
Lĩnh vực Sở hữu trí tuệ

BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập- Tự do-Hạnh phúc

Số:30/2003/TT-BKHCN 

Hà Nội,ngày05 tháng 11năm 2003

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ SỐ 30/2003/TT-BKHCN NGÀY 05 THÁNG 11 NĂM 2003 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CÁC THỦ TỤC XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP ĐỐI VỚI SÁNG CHẾ/GIẢI PHÁP HỮU ÍCH

Căn cứ Nghị định số 54/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;
Căn cứ Nghị định số 63/CP ngày 24 tháng 10 năm 1996 của Chính phủ quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp, được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 06/2001/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2001 của Chính phủ;
Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thực hiện các thủ tục làm, nộp, xét nghiệm đơn yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ; thủ tục cấp, sửa đổi, gia hạn, đình chỉ, hủy bỏ hiệu lực Văn bằng bảo hộ đối với sáng chế và giải pháp hữu ích,

CHƯƠNG I
CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

1. Giải thích từ, ngữ

1.1. Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

a) “Nghị định” dùng để chỉ Nghị định số 63/CP ngày 24 tháng 10 năm 1996 của Chính phủ quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp, được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 06/2001/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2001 của Chính phủ;

b) “Đơn sáng chế” dùng để chỉ đơn yêu cầu cấp Bằng độc quyền sáng chế;

c) “Đơn giải pháp hữu ích” dùng để chỉ đơn yêu cầu cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích;

d) “Đơn” dùng để chỉ Đơn sáng chế/Đơn giải pháp hữu ích;

đ) “Đơn quốc tế” dùng để chỉ đơn đăng ký quốc tế về sáng chế, giải pháp hữu ích nộp theo Hiệp ước hợp tác về sáng chế, ký tại Washington năm 1970, được sửa đổi năm 1984 (sau đây viết tắt là Hiệp ước PCT);

e) “Người nộp đơn” là tổ chức, cá nhân (sau đây viết tắt là chủ thể) đứng tên nộp Đơn;

f) “Thủ tục đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích” được hiểu là các thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế/giải pháp hữu ích và các thủ tục liên quan khác.

1.2. Các từ ngữ khác được hiểu theo Nghị định.

2. Xác nhận tài liệu

2.1. Xác nhận bản gốc tài liệu

Trong quá trình thực hiện các thủ tục đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích, mọi bản gốc tài liệu giao dịch đều phải được chủ thể đứng tên tài liệu tự xác nhận theo quy định sau đây:

a) Nếu chủ thể đứng tên tài liệu là cá nhân, phải có chữ ký kèm theo họ tên của chủ thể hoặc người đại diện có thẩm quyền ký nhân danh chủ thể;

b) Nếu chủ thể đứng tên tài liệu là tổ chức bắt buộc phải sử dụng con dấu, chữ ký của người đại diện có thẩm quyền của chủ thể đó phải được đóng dấu kèm theo.

2.2. Xác nhận bản sao

a) Tài liệu là bản sao bằng bất kỳ cách sao nào đều phải được xác nhận là sao y bản gốc theo quy định tại điểm 2.2.b này thì mới được sử dụng làm tài liệu chính thức trong quá trình tiến hành các thủ tục đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích.

b) Tài liệu được thừa nhận là sao y bản gốc nếu trên bản sao có xác nhận của một trong các cơ quan hoặc cá nhân sau đây: Công chứng, Uỷ ban nhân dân hoặc Cơ quan có thẩm quyền, Chủ thể (tất cả các chủ thể) đứng tên tài liệu gốc hoặc người được họ ủy quyền. Nếu bản sao có nhiều trang, phải xác nhận từng trang hoặc các trang phải được giáp lai.

2.3. Xác nhận bản dịch

a) Bản dịch ra tiếng Việt của các tài liệu đều phải được xác nhận là được dịch nguyên văn từ bản gốc theo quy định tại điểm 2.3.b này thì mới được sử dụng làm tài liệu chính thức trong quá trình tiến hành các thủ tục đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích.

b) Việc xác nhận bản dịch có thể được tiến hành theo một trong các cách sau đây:

- Công chứng;

- Xác nhận của chủ thể (tất cả các chủ thể) đứng tên tài liệu gốc hoặc người được họ ủy quyền;

[...]