Thông tư 29/2017/TT-BGTVT quy định về đào tạo thẩm tra viên và quản lý chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 29/2017/TT-BGTVT
Ngày ban hành 01/09/2017
Ngày có hiệu lực 15/10/2017
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Trương Quang Nghĩa
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/2017/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 01 tháng 9 năm 2017

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ ĐÀO TẠO THẨM TRA VIÊN VÀ QUẢN LÝ CHỨNG CHỈ THẨM TRA VIÊN AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Nghị định số 64/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông và Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về đào tạo thẩm tra viên và quản lý chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về đào tạo thẩm tra viên và quản lý chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác đào tạo thẩm tra viên và quản lý chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ.

Chương II

ĐÀO TẠO THẨM TRA VIÊN VÀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CHỨNG CHỈ THẨM TRA VIÊN AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 3. Chương trình đào tạo

1. Chương trình và tài liệu giảng dạy bảo đảm cho học viên

a) Nắm được quy định của Luật giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến an toàn giao thông, thẩm tra an toàn giao thông đường bộ;

b) Nắm được quy định, yêu cầu của các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến an toàn giao thông đường bộ;

c) Nắm được trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của Thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ và Chủ nhiệm thẩm tra an toàn giao thông đường bộ;

d) Kỹ năng nghiên cứu, phân tích tài liệu, tiến hành kiểm tra hiện trường;

đ) Kỹ năng lập báo cáo thẩm tra an toàn giao thông.

2. Chương trình khung đào tạo Thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 4. Tài liệu giảng dạy

1. Tài liệu giảng dạy do cơ sở kinh doanh đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ biên soạn.

2. Tài liệu giảng dạy phải đảm bảo các yêu cầu và nội dung quy định tại Điều 3 của Thông tư này.

Điều 5. Tổ chức đào tạo

[...]