Thông tư 29/2017/TT-BGDĐT về quy chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 29/2017/TT-BGDĐT
Ngày ban hành 30/11/2017
Ngày có hiệu lực 15/01/2018
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Thị Nghĩa
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/2017/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2017

 

THÔNG TƯ

BAN HÀNH QUY CHẾ XÉT THĂNG HẠNG CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP GIÁO VIÊN MẦM NON, PHỔ THÔNG CÔNG LẬP

Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục,

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư ban hành Quy chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Điều 2. Quy chế này áp dụng đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục (sau đây gọi chung là giáo viên) đang làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trường chuyên biệt công lập hoặc đang giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên trong các trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh/cấp huyện, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục) và đã được xếp hạng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến kỳ xét thăng hạng của giáo viên.

Giáo viên dự bị đại học được áp dụng Quy chế này để xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp (sau khi được chuyển xếp hạng theo mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học).

Điều 3. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 01 năm 2018.

Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục; thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; giám đốc các sở giáo dục và đào tạo; các tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương các đoàn thể;
- Công báo; Website Chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp);
- Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Bộ trưởng, Thứ trưởng và các Vụ, Cục, tổ chức thuộc Bộ GDĐT;
- Sở GDĐT, Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Website Bộ GDĐT;
- Lưu: VT, Vụ PC, Cục NGCBQLGD (25b)

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Nghĩa

 

QUY CHẾ

XÉT THĂNG HẠNG CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP GIÁO VIÊN MẦM NON, PHỔ THÔNG CÔNG LẬP
(Ban hành kèm theo Thông tư số 29/2017/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Điều 1. Hội đồng xét thăng hạng

1. Hội đồng xét thăng hạng

a) Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông từ hạng II lên hạng I và Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên các trường chuyên biệt trực thuộc từ hạng III lên hạng II, hạng II lên hạng I; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non, phổ thông công lập và các trường chuyên biệt trực thuộc từ hạng IV lên hạng III, từ hạng III lên hạng II theo quy định về phân công, phân cấp tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức;

b) Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp được thành lập theo từng cấp học: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trong mỗi kỳ xét thăng hạng;

c) Số lượng người của mỗi Hội đồng xét thăng hạng thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư số 12/2012/TT-BNV ngày 18 tháng 12 năm 2012 của Bộ Nội vụ quy định về chức danh nghề nghiệp và thay đổi chức danh nghề nghiệp;

d) Hội đồng xét thăng hạng hoạt động theo từng kỳ xét thăng hạng và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

2. Hội đồng xét thăng hạng được sử dụng con dấu, tài khoản của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức xét thăng hạng trong các hoạt động của Hội đồng xét thăng hạng.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Hội đồng xét thăng hạng gồm:

Chủ tịch Hội đồng: Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc giám đốc sở giáo dục và đào tạo hoặc giám đốc sở nội vụ được lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ủy quyền.

Phó chủ tịch Hội đồng: Lãnh đạo sở giáo dục và đào tạo hoặc lãnh đạo sở nội vụ.

Ủy viên kiêm thư ký: Lãnh đạo phòng tổ chức cán bộ sở giáo dục và đào tạo.

[...]