Thông tư 27-PC/TT-1984 hướng dẫn thi hành Quyết định 63-HĐBT-1984 về thẩm quyền xét xử của Trọng tài kinh tế đối với các vụ tranh chấp và vi phạm hợp đồng kinh tế do Trọng Tài kinh tế Nhà nước ban hành
Số hiệu | 27-PC/TT |
Ngày ban hành | 06/08/1984 |
Ngày có hiệu lực | 21/08/1984 |
Loại văn bản | Thông tư |
Cơ quan ban hành | Trọng tài kinh tế Nhà nước |
Người ký | Tô Duy |
Lĩnh vực | Thương mại,Thủ tục Tố tụng |
TRỌNG
TÀI KINH TẾ NHÀ NƯỚC |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 27-PC/TT |
Hà Nội, ngày 06 tháng 8 năm 1984 |
Ngày 17 tháng 4 năm 1984, Hội đồng Bộ trưởng đã ra Quyết định số 63-HĐBT về thẩm quyền xét xử của Trọng tài kinh tế đối với các vụ tranh chấp và vi phạm hợp đồng kinh tế. Sau khi trao đổi ý kiến thống nhất với Liên hiệp hợp tác xã tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp Việt Nam. Ban quản lý hợp tác xã nông nghiệp trung ương và các cơ quan hữu quan, Trọng tài kinh tế Nhà nước ra thông tư hướng dẫn thi hành quyết định nói trên như sau.
Hội đồng Bộ trưởng đã quy định ở điều 1 của Quyết định số 63-HĐBT là từ nay Trọng tài kinh tế xét xử các vụ tranh chấp và vi phạm hợp đồng kinh tế giữa các xí nghiệp quốc doanh hoặc công tư hợp doanh, các cơ quan Nhà nước, các đơn vị vũ trang, các đoàn thể và tổ chức xã hội, các hợp tác xã được công nhận theo các điều lệ hiện hành, được phép kinh doanh và có tài khoản ở ngân hàng, các tập đoàn sản xuất nông nghiệp, các tổ hợp tác sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp được công nhận là có quy chế như hợp tác xã, được phép kinh doanh và có tài khoản ở ngân hàng; và quy định ở điều 2 của quyết định trên là cần chuyển sang Toà án nhân dân xét xử các vụ tranh chấp và vi phạm hợp đồng mà một bên ký kết là hộ sản xuất cá thể hoặc kinh doanh tư nhân, tập đoàn sản xuất nông nghiệp, tổ hợp tác sản xuất tiểu, thủ công nghiệp chưa được công nhận có quy chế như hợp tác xã.
1. Các tập đoàn sản xuất nông nghiệp được công nhận là có quy chế như hợp tác xã là những tập đoàn sản xuất đã tập thể hoá tư liệu sản xuất chủ yếu trước hết là ruộng đất; đã tổ chức lao động tập thể và thực hiện phân phối theo lao động; và đã xây dựng quỹ không chia theo đúng Điều lệ hợp tác xã.
Để hoạt động hợp pháp, tập đoàn sản xuất nông nghiệp phải có quyết định công nhận và được phép kinh doanh của Uỷ ban nhân dân huyện, quận hoặc cấp tương đương và phải mở tài khoản ở ngân hàng.
2. Các tổ hợp tác sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp phải có những tiêu chuẩn sau đây thì mới được công nhận là có quy chế như hợp tác xã:
a) Tư liệu sản xuất chủ yếu do tổ viên đóng góp vào đã được tổ hợp tác sử dụng chung, và dần dần được tập thể hoá. Các tổ viên đóng cổ phần nghĩa vụ làm vốn hoạt động chung của tổ hợp tác.
b) Tuân theo nguyên tắc quản lý sản xuất, kinh doanh của Nhà nước và của ngành quy định, và nguyên tắc dân chủ trong quản lý. Mỗi thành viên đều phải lao động trong tổ hợp tác và đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Quyền làm chủ thuộc về tập thể tổ viên.
Sản xuất kinh doanh có kế hoạch và thực hiện hạch toán kinh tế.
c) Việc phân phối thu nhập theo đúng chính sách, chế độ của Nhà nước và sự hướng dẫn của ngành quản lý cấp trên. Thực hiện về cơ bản việc phân phối theo lao động.
Để hoạt động hợp pháp, tổ hợp tác sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp phải được Liên hiệp xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp huyện, quận hoặc cấp tương đương có quyết định công nhận; được Uỷ ban nhân dân huyện, quận hoặc cấp tương đương cấp giấy phép đăng ký kinh doanh và phải mở tài khoản ở ngân hàng.
3. Những tập đoàn sản xuất nông nghiệp và tổ hợp tác sản xuất tiểu, thủ công nghiệp không có đủ tiêu chuẩn và điều kiện quy định ở điểm 2 và 3 trên đây, thì không phải là một tổ chức kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa, do đó không thuộc thẩm quyền xét xử của Trọng tài kinh tế Nhà nước mà thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân.
1. Đối với các vụ tranh chấp và vi phạm hợp đồng kinh tế mà một bên là tập đoàn sản xuất nông nghiệp, tổ hợp tác sản xuất tiểu, thủ công nghiệp và một bên là quốc doanh thuộc huyện quản lý thì khi nhận được đơn khiếu nại (kèm theo hồ sơ) Trọng tài kinh tế huyện, quận có trách nhiệm xem xét, thẩm tra kỹ tổ chức kinh tế này có phải là tổ chức kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa không. Nếu tập đoàn sản xuất, tổ hợp tác sản xuất có đủ các tiêu chuẩn và điều kiện quy định ở điểm 1 và 2, phần I của thông tư này, thì Trọng tài kinh tế huyện mới thụ lý xét xử; ngược lại nếu không đủ tiêu chuẩn và điều kiện quy định trên đây, tức là chưa được công nhận là có quy chế như hợp tác xã, thì Trọng tài kinh tế chuyển hồ sơ vụ tranh chấp và vi phạm đó sang Toà án nhân dân huyện để xét xử đồng thời thông báo cho các bên đương sự biết.
Các vụ tranh chấp và vi phạm hợp đồng kinh tế mà một bên là tập đoàn sản xuất nông nghiệp, tổ hợp tác sản xuất tiểu, thủ công nghiệp và một bên là quốc doanh thuộc trung ương hoặc tỉnh quản lý thì thuộc thẩm quyền xét xử của Trọng tài kinh tế tỉnh. Trong trường hợp này, nếu được Trọng tài kinh tế tỉnh uỷ quyền xét xử, thì Trọng tài kinh tế huyện, quận cũng phải làm đầy đủ những công việc trên đây để bảo đảm việc xét xử đúng thẩm quyền Nhà nước quy định.
Ở những huyện, quận chưa thành lập Trọng tài kinh tế thì bộ phận cán bộ làm công tác hợp đồng kinh tế thuộc văn phòng Uỷ ban có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân huyện, quận giải quyết các vụ tranh chấp và vi phạm hợp đồng kể trên.
2. Nếu xét thấy vụ tranh chấp và vi phạm hợp đồng lại mang thêm tính chất hình sự, thì Trọng tài kinh tế tỉnh hoặc huyện tuỳ theo thẩm quyền xét xử, cần trao đổi bàn bạc với Viện kiểm sát nhân dân để thống nhất biện pháp giải quyết. Nếu vụ tranh chấp và vi phạm hợp đồng có dấu hiệu rõ nét vừa kinh tế vừa hình sự thì sau khi xử xong phần hợp đồng kinh tế, Trọng tài kinh tế tỉnh hoặc huyện cần chuyển hồ sơ vụ tranh chấp và vi phạm đó sang Viện kiểm sát nhân dân để truy tố trước pháp luật. Nếu các dấu hiệu kinh tế và hình sự vụ tranh chấp và vi phạm hợp đồng xen kẽ nhau, không thể phân biệt được, thì Trọng tài kinh tế tỉnh hoặc huyện không thụ lý xét xử mà chuyển hồ sơ vụ đó sang Viện kiểm sát nhân dân để xem xét, giải quyết.
3. Đối với những vụ tranh chấp và vi phạm hợp đồng thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân, thì tuỳ theo tính chất từng vụ và theo yêu cầu của Toà án, Trọng tài kinh tế cần phối hợp và giúp đỡ tích cực trong quá trình xét xử vụ tranh chấp đó, từ việc cung cấp các văn bản pháp luật có liên quan, điều tra thu thập chứng cứ cần thiết đến việc giới thiệu kinh nghiệm xét xử của Trọng tài kinh tế.
4. Hiện nay các cấp, các ngành đang tiến hành sắp xếp lại các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo ngành kinh tế kỹ thuật. Trong quá trình sắp xếp đối chiếu với tiêu chuẩn quy định có thể có những thay đổi về hình thức kinh tế như từ tổ hợp tác sản xuất, tập đoàn sản xuất lên hợp tác xã, từ các tổ chức kinh tế của tư nhân được tập hợp vào các tổ chức kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa dưới hình thức tổ hợp tác sản xuất, tập đoàn sản xuất, hợp tác xã...Do vậy, Trọng tài kinh tế địa phương cần quan hệ chặt chẽ với liên hiệp xã tiểu, thủ công nghiệp, các ban ngành chuyên môn và văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, huyện và cấp tương đương để nắm được tình hình thay đổi trên, tiến tới nắm được danh sách những tập đoàn sản xuất, tổ hợp tác sản xuất được công nhận hoặc chưa được công nhận là có quy chế như hợp tác xã để việc xét xử được để đúng thẩm quyền quy định.
Thông tư này thay thế Thông tư số 6-PC/TTHĐ ngày 19-2-1981 của Trọng tài kinh tế Nhà nước hướng dẫn thi hành Quyết định số 6-CP ngày 5-1-1981 của Hội đồng Chính phủ về thẩm quyền xử lý của Trọng tài kinh tế đối với những vụ tranh chấp về hợp đồng kinh tế.
Các đồng chí Bộ trưởng, chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương cần phổ biến Quyết định số 63-HĐBT ngày 17-4-1984 của Hội đồng Bộ trưởng kèm theo thông tư này đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị cơ sở trực thuộc để nắm vững và thi hành đầy đủ.
Yêu cầu các trọng tài kinh tế các cấp, các ngành nghiên cứu kỹ và thi hành nghiêm túc quyết định của Hội đồng Bộ trưởng và thông tư hướng dẫn này.
Trong quá trình thi hành, nếu gặp mắc mứu khó khăn gì cần phản ánh về Trọng tài kinh tế Nhà nước để nghiên cứu bổ sung.
|
Tô Duy (Đã ký) |