Thứ 6, Ngày 15/11/2024

Thông tư 266-TT/LB năm 1958 thi hành Nghị định 177-TTg thống nhất vào cơ quan nhà nước việc sản xuất và việc phân phối thuốc tây do Bộ Y tế- Bộ Thương nghiệp ban hành

Số hiệu 266-TT/LB
Ngày ban hành 05/04/1958
Ngày có hiệu lực 20/04/1958
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Thương nghiệp,Bộ Y tế
Người ký Đỗ Mười,Hoàng Tích Trí
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ THƯƠNG NGHIỆP
BỘ Y TẾ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 266-TT/LB

Hà Nội, ngày 05 tháng 04 năm 1958 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 177-TTG NGÀY 03/4/1958 THỐNG NHẤT VÀO CƠ QUAN NHÀ NƯỚC VIỆC SẢN XUẤT VÀ VIỆC PHÂN PHỐI THUỐC TÂY

LIÊN BỘ Y TẾ - THƯƠNG NGHIỆP

Kính gửi:

- Các Khu, Sở, Ty Y tế
- Các Ủy ban Hành chính Khu, thành phố và tỉnh
- Các cơ quan trực thuộc Tổng Công ty Dược phẩm
- Các Phân viện, Viện Điều dưỡng

 

Sau khi tiến hành kiểm tra các nhà bào chế tư nhân và các Đại lý thuốc tây tại Hà Nội và các tỉnh thì thấy tình hình ngành dược tư nhân hiệu nay có nhiều thiếu sót. Về mặt chuyên môn, nhiều cơ sở sản xuất thiếu cả những điều kiện tối thiểu cần thiết, dụng cụ sản xuất thô sơ, lạc hậu; thuốc làm đa số sai quy cách, sai liều lượng, thiếu thể tích, thiếu trọng lượng; thuốc không kiểm nghiệm trước khi đưa ra bán, mà việc bảo quản thì lại sơ sài, cẩu thả. Về mặt kinh doanh, ngành dược tư nhân chạy theo lợi nhuận tối đa tích trữ đầu cơ nguyên liệu, khai man tồn kho thậm chí còn có nhiều người trốn thuế, lậu thuế, lũng đoạn thị trường.

Trước tình hình như vậy, Bộ Y tế đã ra quyết định số 155-BYT ngày 7/3/1958 đình chỉ sản xuất thuốc tây trong các nhà bào chế và hiệu thuốc tư nhân và đình chỉ không cho tiếp tục bán ra những loại thuốc chưa được Nhà nước kiểm nghiệm.

Quyết định này có tính chất khẩn cấp và tạm thời, nhằm hạn chế những tác hại nguy hiểm có thể xẩy ra.

Để giải quyết một cách căn bản, Thủ tướng Chính phủ đã ra Nghị định số: 177-TTg ngày 3/4/1958 thống nhất quản lý dược liệu, thống nhất sản xuất và phân phối vào các cơ quan Nhà nước.

I. - Ý NGHĨA MỤC ĐÍCH

Nghị định của Thủ tướng Chính phủ nhằm mục đích:

1) Bảo vệ sức khỏe và tính mệnh của nhân dân.

2) Xây dựng ngành dược của ta ngày càng lớn mạnh trên cơ sở nền kỹ thuật ngày càng tiến bộ.

3) Cải tạo phương thức kinh doanh tư bản chủ nghĩa của ngành dược tư nhân, hướng tư nhân vào con đường kinh doanh theo xã hội chủ nghĩa.

Việc thống nhất sản xuất và phân phối thuốc tây vào các cơ quan Nhà nước là một yêu cầu cấp bách trước tình hình thực tế hiện nay và cũng thích hợp với con đường tiến lên của ngành dược.

II. - NỘI DUNG

A. THỐNG NHẤT QUẢN LÝ NGUYÊN LIỆU, THỐNG NHẤT SẢN XUẤT VÀ PHÂN PHỐI THUỐC TÂY VÀO CƠ QUAN NHÀ NƯỚC.

1) Thống nhất quản lý nguyên liệu, là bước đầu của việc thống nhất sản xuất và phân phối.

Từ trước đến nay, tình hình nguyên liệu rất phân tán. Ngoài Dược phẩm quốc doanh, các tư nhân cũng nắm một số khá lớn, không những các Dược sĩ tư mà cả các đại lý thuốc tây và thường dân nữa. Do đó, một mặt Nhà nước không nắm được toàn bộ lực lượng nguyên liệu có trong nước, gây nhiều lãng phí; một mặt việc bảo quản nguyên liệu không được bảo đảm. Hơn nữa, việc quản lý hơi lỏng gây ra tình trạng buôn bán trái phép, đầu cơ tích trữ, đặc biệt là trong những thời kỳ có dịch tễ.

2. Thống nhất sản xuất:

 Tình hình sản xuất của các Dược sĩ tư rất lạc hậu. Ngoài việc thiếu cơ sở, thiếu công cụ, các Dược sĩ tư mới đi vào việc sản xuất mấy năm nay, kinh nghiệm sản xuất còn ít; thêm vào đó trên lề lối kinh doanh tư bản chủ nghĩa các Dược sĩ tư thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu tinh thần yêu nghề, không chú ý đến phẩm chất thuốc và ít nghĩ đến việc cải tiến kỹ thuật. Trong khi đó thì dược phẩm quốc doanh trong quá trình xây dựng đã được trang bị tương đối với những máy móc và dụng cụ cải tiến. Cán bộ chuyên môn ngày được đào tạo thêm và luôn luôn trau dồi nghề nghiệp, cải tiến kỹ thuật, ý thức và tinh thần phục vụ cũng được nâng cao.

Cho nên về chuyên môn, cũng như về mặt đảm bảo lợi ích cho nhân dân, không thể để các Dược sĩ tư tiếp tục sản xuất như cũ mà các cơ quan Nhà nước phải đảm nhiệm lấy việc cung cấp cho các cơ quan và nhân dân.

3. Thống nhất phân phối:

Từ trước đến nay, việc bán thuốc cho nhân dân chưa được tổ chức và kiểm soát chặt chẽ do đó đã có xẩy ra nhiều trường hợp thuốc hỏng, thuốc quá hạn vẫn lưu hành trên thị trường, giá cả thì không thống nhất, lưới bán thì không bố trí hợp lý (nơi nhiều quá như ở các thành thị, nơi ít quá như ở nông thôn).

Mặt khác, khả năng chuyên môn của các Dược sĩ tư chưa được sử dụng hợp lý vào việc bảo quản và phân phối thuốc trong khi đó thì có nhiều người không có trình độ chuyên môn cũng kinh doanh thuốc tây.

Nay Nhà nước quản lý phân phối thì về mặt chuyên môn thuốc đưa ra bán được đảm bảo về phẩm chất, về mặt thị trường giá cả sẽ thống nhất theo giá chỉ đạo của Nhà nước, về mặt phân phối thì thuốc sẽ được đưa đến tay người dùng, đi sâu vào nông thôn và các vùng miền núi.

B) PHẠM VI LÀM NGHỀ CỦA CÁC DƯỢC SĨ TƯ

Để sử dụng và phát huy khả năng chuyên môn của các Dược sĩ tư, Nghị định của Thủ tướng Chính phủ đã quy định là các Dược sĩ tư được pha chế thuốc theo đơn của Ysỹ, Bác sĩ, được sản xuất những loại thuốc mà Bộ Y tế công nhận có giá trị biệt dược và được ủy thác bán lẻ thuốc và các loại dụng cụ y dược của Dược phẩm quốc doanh.

[...]