Thông tư 26-LĐ/TT năm 1961 bổ sung bản Thông tư tạm thời hướng dẫn chế độ thưởng phát minh, cải tiến kỹ thuật và sáng kiến hợp lý hóa (gọi tắt là sáng kiến phát minh) do Bộ Lao Động ban hành.

Số hiệu 26-LĐ/TT
Ngày ban hành 06/12/1961
Ngày có hiệu lực 21/12/1961
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động
Người ký Nguyễn Đăng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 26-LĐ/TT

Hà Nội, ngày 06 tháng 12 năm 1961 

 

THÔNG TƯ

BỔ SUNG BẢN THÔNG TƯ TẠM THỜI QUY ĐỊNH VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHẾ ĐỘ THƯỞNG PHÁT MINH, CẢI TIẾN KỸ THUẬT VÀ SÁNG KIẾN HỢP LÝ HÓA (GỌI TẮT LÀ SÁNG KIẾN PHÁT MINH)

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG

Kính gửi:

- Các Bộ, các ngành quản lý xí nghiệp,
- Các Ủy ban hành chính khu, thành phố và các tỉnh
- Các Sở, Ty, Phòng Lao động

 

Sau đại hội toàn quốc lần thứ 3 của Đảng nhất là qua học tập chỉnh huấn, ý thức giác ngộ xã hội chủ nghĩa, tinh thần làm chủ của công nhân đã được nâng cao thêm một bước; không khí thi đua đang sôi nổi khắp nơi, từ xí nghiệp đến các công trường, nông trường, lâm trường, các đơn vị vận tải, các cửa hàng và các cơ sở hoạt động kinh tế khác. Trong phong trào thi đua hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật, hiện nay khí thế của quần chúng đang lên cao và ngày càng phát huy nhiều sáng kiến.

Việc thi hành chế độ tiền thưởng sáng kiến phát minh của ta từ trước đến nay đã có tác dụng góp phần động viên khuyến khích công nhân phát huy sáng kiến đẩy mạnh thi đua sản xuất, tuy nhiên việc thi hành còn có nhiều thiếu sót và chậm chạp, do đó đã hạn chế một phần tác dụng tích cực chính sách khuyến khích lợi ích vật chất để động viên mọi người quan tâm hơn nữa đến kết quả lao động của mình.

Để phục vụ kịp thời cho phong trào thi đua hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật; Bộ Lao động căn cứ vào chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ số 105/TTg ngày 11-3-1959 về việc kịp thời tổ chức và lãnh đạo phong trào cải tiến kỹ thuật, sáng kiến phát minh của quần chúng, ban hành Thông tư này nhằm bổ sung và sửa đổi một số điểm cần thiết trong Thông tư số 04/TT-LĐ ngày 08-3-1958 của Bộ Lao động tạm thời quy định và hướng dẫn thi hành chế độ thưởng phát minh, cải tiến kỹ thuật và sáng kiến hợp lý hóa (gọi tắt là sáng kiến phát minh) như sau:

I. TỶ LỆ VÀ THỜI GIAN THƯỞNG

Nay bổ sung và sửa đổi các điểm 1, 3 và 8 trong phần C của Thông tư số 04/TT-LĐ như sau:

1. Tỷ lệ thưởng

Giá trị tiết kiệm 6 tháng hoặc một năm

Phát sinh

Cải tiến kỹ thuật

Hợp lý hóa sản xuất

Tỷ lệ %

Tiền thưởng thêm (đồng)

Tỷ lệ %

Tiền thưởng thêm (đồng)

Tỷ lệ %

Tiền thưởng thêm (đồng)

Dưới

1000đ

 

 

25

0

20

0

10

0

Từ

1000đ

đến

dưới 2.000đ

12

130

8

120

4

60

Từ

2.000đ

5.000đ

8

210

5

180

3

80

Từ

5.000đ

10.000đ

4

460

2,5

305

1,5

155

Từ

10.000đ

25.000đ

2

660

1,2

435

0,7

235

Từ

25.000đ

trở lên

1

010

0,6

525

0,3

335

2. Tiền thưởng hợp lý hóa sản xuất cao nhất không quá 800đ, về cải tiến kỹ thuật cao nhất không quá 1.200đ trong 6 tháng; về phát minh cao nhất không quá 1.600đ trong 1 năm.

3. Sau khi sáng kiến được sử dụng làm thay đổi mức năng suất thì cần sửa lại định mức năng suất cho thích hợp mà bản thân người có sáng kiến cũng phải thi hành theo định mức năng suất mới.

II. PHƯƠNG PHÁP TÍNH VÀ TRẢ TIỀN THƯỞNG

Nay bổ sung và sửa đổi những điểm 7 và 8 trong phần D của Thông tư số 04/TT-LĐ như dưới đây:

1. Căn cứ vào kết quả thực tế đã tiết kiệm được trong một tháng sau khi sáng kiến được áp dụng để ước tính thưởng một lần cho 3 tháng đầu. Sau 3 tháng sẽ căn cứ vào giá trị thực tế tiết kiệm được để tính thưởng cho 3 tháng sau; nếu 3 tháng trước còn thiếu sẽ được bù thêm, nếu đã lĩnh quá thì phải khấu trừ vào tiền thưởng của 3 tháng sau cho đến hết thời hạn được tính thưởng tùy theo từng loại sáng kiến.

2. Sau khi nhận được những kiến nghị về sáng kiến, xí nghiệp phải nghiên cứu và nhiều nhất không quá 15 ngày phải quyết định có thể sử dụng được hay không để trả lời cho người có sáng kiến biết. Nếu sáng kiến có thể sử dụng được thì cần phải tổ chức thực hiện ngay.

Căn cứ vào giá trị tiết kiệm của sáng kiến, nếu tiền thưởng thuộc phạm vi và quyền hạn của xí nghiệp thì do Giám đốc xí nghiệp quyết định, chậm nhất không quá 5 ngày sau một tháng thực hiện sáng kiến đó; nếu tiền thưởng thuộc phạm vi quyền hạn của cấp trên thì Giám đốc xí nghiệp phải báo cáo ngay lên cơ quan cấp trên; cơ quan cấp trên có thẩm quyền xét duyệt và quyết định thưởng chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày được báo cáo của cấp dưới.

III. PHẠM VI THI HÀNH

Thông tư số 04/LĐ-TT ngày 08/3/1958 chỉ quy định thi hành trong các xí nghiệp quốc doanh (phần B nguyên tắc chung); nay bổ sung mở rộng phạm vi thi hành cho cả các xí nghiệp địa phương và công tư hợp doanh: đồng thời áp dụng cho cả công nhân ngoài biên chế, những người đang trong thời gian học nghề có sáng kiến trực tiếp phục vụ cho sản xuất đều được xét thưởng.

Trên đây là một số điểm cần thiết bổ sung và sửa đổi trong Thông tư 04/LĐ-TT ngày 8-3-1958 của Bộ Lao động, các điểm khác vẫn thi hành như Thông tư 04/LĐ-TT.

Đề nghị các Bộ, các ngành, các Ủy ban hành chính địa phương chỉ thị cho các cấp, các xí nghiệp đặc biệt quan tâm và xét duyệt nhanh chóng những kiến nghị về sáng kiến của quần chúng: khắc phục hiện tượng chậm chạp, máy móc, thiếu trách nhiệm đối với sáng kiến của quần chúng trong phong trào thi đua nói chung và riêng đối với việc bồi dưỡng về vật chất cho công nhân viên chức. Thực hiện được kịp thời và đầy đủ chế độ thưởng sáng kiến phát minh cho cán bộ, công nhân, viên chức là tạo thêm điều kiện phát huy mọi khả năng sáng tạo của quần chúng, đẩy mạnh phong trào thi đua hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật để không ngừng phát triển sản xuất, hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước năm 1961.

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
THỨ TRƯỞNG





Nguyễn Đăng