Thông tư 26/2024/TT-BGDĐT sửa đổi Quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa kèm theo Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT đã được sửa đổi theo Thông tư 23/2020/TT-BGDĐT và 05/2022/TT-BGDĐT do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Số hiệu | 26/2024/TT-BGDĐT |
Ngày ban hành | 25/12/2024 |
Ngày có hiệu lực | 09/02/2025 |
Loại văn bản | Thông tư |
Cơ quan ban hành | Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Người ký | Phạm Ngọc Thưởng |
Lĩnh vực | Giáo dục |
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 26/2024/TT-BGDĐT |
Hà Nội, ngày 25 tháng 12 năm 2024 |
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 86/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học và Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học;
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa ban hành kèm theo Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được sửa đổi bổ sung theo Thông tư số 23/2020/TT-BGDĐT ngày 06 tháng 8 năm 2020 và Thông tư số 05/2022/TT-BGDĐT ngày 19 tháng 3 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
1. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 2 như sau:
“1. Sách giáo khoa là xuất bản phẩm được biên soạn theo các môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông; được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, cho phép sử dụng làm tài liệu dạy học chính thức trong các cơ sở giáo dục phổ thông.”.
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 11 như sau:
“Điều 11. Tiêu chuẩn cá nhân biên soạn sách giáo khoa
1. Người biên soạn sách giáo khoa có trình độ đào tạo từ đại học trở lên theo chuyên ngành phù hợp với môn học, hoạt động giáo dục có sách giáo khoa được biên soạn; am hiểu về khoa học giáo dục; có ít nhất 03 (ba) năm trực tiếp giảng dạy hoặc nghiên cứu về chuyên môn phù hợp với môn học, hoạt động giáo dục có sách giáo khoa được biên soạn.
2. Là công dân Việt Nam, có phẩm chất đạo đức, tư tưởng tốt.”.
3. Bổ sung khoản 4 vào Điều 13 như sau:
“4. Không biên soạn, biên tập, chế bản, góp ý bản mẫu sách giáo khoa hoặc tổ chức việc biên soạn, biên tập, chế bản, góp ý bản mẫu sách giáo khoa của tổ chức, cá nhân đề nghị thẩm định sách giáo khoa theo quy định tại Thông tư này.”.
4. Bổ sung khoản 3, khoản 4 vào Điều 17 như sau:
“3. Hồ sơ đề nghị thẩm định sách giáo khoa được chỉnh sửa bao gồm:
a) Đơn đề nghị thẩm định sách giáo khoa được chỉnh sửa theo mẫu quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Bản mẫu sách giáo khoa được chỉnh sửa đề nghị thẩm định;
c) Thuyết minh về bản mẫu sách giáo khoa được chỉnh sửa đề nghị thẩm định, bao gồm: tên sách giáo khoa; các nội dung đã chỉnh sửa kèm theo lí do chỉnh sửa; quá trình và kết quả thực nghiệm (nếu có); các thông tin liên quan khác (nếu có);
d) Lý lịch khoa học của tổng chủ biên, chủ biên, tác giả, biên tập viên được bổ sung (nếu có);
đ) Trường hợp bản mẫu sách giáo khoa được chỉnh sửa phải thẩm định lại, hồ sơ đề nghị thẩm định như khoản 2 Điều này.
4. Số lượng hồ sơ, thời gian tiếp nhận hồ sơ đề nghị thẩm định sách giáo khoa, thẩm định lại sách giáo khoa, thẩm định sách giáo khoa được chỉnh sửa:
a) Số lượng hồ sơ đề nghị thẩm định sách giáo khoa, thẩm định lại sách giáo khoa, thẩm định sách giáo khoa được chỉnh sửa theo số lượng thành viên Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa;
b) Thời gian tiếp nhận hồ sơ đề nghị thẩm định sách giáo khoa, thẩm định sách giáo khoa được chỉnh sửa vào tháng 5 (năm) hằng năm. Thời gian tiếp nhận hồ sơ thẩm định lại sách giáo khoa vào tháng 9 (chín) hằng năm.”.
5. Sửa đổi bổ sung khoản 1 Điều 20 như sau:
“ 1. Đơn vị đề nghị thẩm định sách giáo khoa gửi qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến Bộ Giáo dục và Đào tạo.”.