Thông tư 26/2016/TT-NHNN quy định về giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với Nhà máy In tiền Quốc gia do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Số hiệu 26/2016/TT-NHNN
Ngày ban hành 12/09/2016
Ngày có hiệu lực 24/10/2016
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước
Người ký Đào Minh Tú
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng,Tài chính nhà nước

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/2016/TT-NHNN

Hà Nội, ngày 12 tháng 09 năm 2016

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ GIÁM SÁT, KIỂM TRA, THANH TRA ĐỐI VỚI NHÀ MÁY IN TIỀN QUỐC GIA

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16/6/2010;

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH13 ngày 26/11/2014;

Căn cứ Nghị định số 40/2012/NĐ-CP ngày 02/5/2012 của Chính phủ quy định về nghiệp vụ phát hành tiền; bảo quản, vận chuyển tài sản quý và giấy tờ có giá trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

Căn cứ Nghị định số 49/2014/NĐ-CP ngày 20/5/2014 của Chính phủ về giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp Nhà nước trong việc chấp hành pháp luật và tuân thủ các quyết định của chủ sở hữu;

Căn cứ Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 06/10/2015 của Chính phủ về giám sát đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp, giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai tài chính của doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 156/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kiểm toán nội bộ;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định về giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với Nhà máy In tiền Quốc gia.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về giám sát, kiểm tra, thanh tra của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước) đối với Nhà máy In tiền Quốc gia.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với Nhà máy In tiền Quốc gia.

2. Nhà máy In tiền Quốc gia (gọi tắt là Nhà máy).

3. Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc giám sát, kiểm tra, thanh tra Nhà máy,

Điều 3. Mục đích giám sát, kiểm tra, thanh tra

1. Nắm bắt, phản ánh, đánh giá tình hình chấp hành pháp luật và tuân thủ các quyết định của Ngân hàng Nhà nước đối với Nhà máy, qua đó kịp thời chấn chỉnh hoặc áp dụng các biện pháp phù hợp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế để nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà máy.

2. Phát hiện những tồn tại, yếu kém trong hoạt động của Nhà máy; xác định nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xem xét, xử lý.

3. Kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập trong chính sách, pháp luật và cơ chế quản lý đối với Nhà máy để đề xuất, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

4. Tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của Nhà máy bảo đảm an toàn tiền và tài sản của Nhà nước tại Nhà máy.

Điều 4. Nguyên tắc giám sát, kiểm tra, thanh tra

1. Tuân theo các quy định của pháp luật và bảo đảm tính trung thực, khách quan, chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch.

2. Phối hợp có hiệu quả giữa các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ giám sát, kiểm tra, thanh tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra.

3. Không làm cản trở hoạt động bình thường của Nhà máy.

4. Không trùng lặp về phạm vi, nội dung, thời gian kiểm tra, thanh tra giữa các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

[...]