Thông tư 25/2014/TT-BKHCN quy định việc chuẩn bị ứng phó và ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân, lập và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Số hiệu 25/2014/TT-BKHCN
Ngày ban hành 08/10/2014
Ngày có hiệu lực 24/11/2014
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Khoa học và Công nghệ
Người ký Nguyễn Quân
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/2014/TT-BKHCN

Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 2014

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VIỆC CHUẨN BỊ ỨNG PHÓ VÀ ỨNG PHÓ SỰ CỐ BỨC XẠ VÀ HẠT NHÂN, LẬP VÀ PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ SỰ CỐ BỨC XẠ VÀ HẠT NHÂN

Căn cứ Luật năng lượng nguyên tử ngày 03 tháng 6 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 07/2010/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật năng lượng nguyên tử;

Căn cứ Nghị định số 20/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân;

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định việc chuẩn bị ứng phó và ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân, lập và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định:

a) Việc chuẩn bị ứng phó và ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân các cấp;

b) Việc lập và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân cấp cơ sở và cấp tỉnh.

2. Thông tư này áp dụng đối với:

a) Tổ chức, cá nhân tham gia chuẩn bị ứng phó và ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân;

b) Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Sự cố bức xạ và hạt nhân (sau đây gọi tắt là sự cố) là tình trạng mất an toàn bức xạ; mất an toàn hạt nhân; mất an ninh đối với nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân, cơ sở bức xạ và cơ sở hạt nhân.

2. Ứng phó sự cố là việc áp dụng mọi biện pháp ứng phó nhanh chóng, kịp thời nhằm giảm thiểu hậu quả của sự cố gây ảnh hưởng đến an toàn, sức khỏe của con người, gây thiệt hại về môi trường và tài sản.

3. Chuẩn bị ứng phó sự cố là việc chuẩn bị nhân lực, thiết bị, phương tiện, quy trình để bảo đảm thực hiện các hành động ứng phó sự cố.

4. Kế hoạch ứng phó sự cố là văn bản quy định về các nguyên tắc hoạt động phân công trách nhiệm, cơ chế điều hành và phối hợp giữa các tổ chức, cá nhân tham gia ứng phó sự cố; đánh giá các nguy cơ; đưa ra các quy trình ứng phó sự cố chung.

5. Can thiệp là việc thực hiện các hành động nhằm giảm chiếu xạ, tránh hoặc ngăn chặn bị chiếu xạ từ sự cố như trú ẩn, sơ tán, uống thuốc Kali Iốt (KI) dự phòng.

6. Vùng bảo vệ khẩn cấp (PAZ) là toàn bộ diện tích xung quanh cơ sở cần có sự chuẩn bị để tiến hành hành động bảo vệ khẩn cấp, nhằm giảm thiểu rủi ro gây ra hiệu ứng sinh học tất định với người bên ngoài cơ sở khi xảy ra sự cố.

7. Vùng lập kế hoạch bảo vệ khẩn cấp (UPZ) là toàn bộ diện tích xung quanh cơ sở cần có sự chuẩn bị để tiến hành hành động bảo vệ khẩn cấp, nhằm ngăn ngừa bị chiếu xạ đối với công chúng bên ngoài cơ sở khi xảy ra sự cố.

8. Chiếu xạ trường diễn là việc bị chiếu xạ trong thời gian dài (trên 01 năm) từ các nhân phóng xạ có thời gian sống dài trong môi trường.

9. Lực lượng ứng phó ban đầu là lực lượng chủ chốt tham gia trong việc chuẩn bị và ứng phó sự cố, bao gồm ban chỉ huy, công an, phòng cháy chữa cháy, y tế, hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ và hạt nhân, lực lượng ứng phó của cơ sở.

10. Hiệu ứng sinh học tất định là hiệu ứng sinh học do bức xạ gây ra đối với con người, chỉ xảy ra khi liều bức xạ vượt một mức ngưỡng và mức độ nghiêm trọng của hiệu ứng gây ra đối với con người tăng tỷ lệ thuận với liều bức xạ; một số biểu hiện của hiệu ứng sinh học tất định là nôn mửa, bỏng da, hoại tử, tử vong.

[...]