Thông tư 25/2011/TT-BNNPTNT sửa đổi, bãi bỏ quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng theo Nghị quyết 57/NQ-CP do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành

Số hiệu 25/2011/TT-BNNPTNT
Ngày ban hành 06/04/2011
Ngày có hiệu lực 21/05/2011
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Cao Đức Phát
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/2011/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 06 tháng 4 năm 2011

 

THÔNG TƯ

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG, BÃI BỎ MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 57/NQ-CP NGÀY 15 THÁNG 12 NĂM 2010

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ về việc sửa đổi Điều 3, Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Điều 1. Thủ tục đăng ký trại nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật hoang dã thông thường

1. Điều kiện đăng ký

a) Chuồng, trại nuôi phù hợp với đặc tính của loài nuôi và năng lực sản xuất của trại.

b) Bảo đảm an toàn cho người nuôi và người dân trong vùng, an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường theo quy định.

c) Có nguồn gốc vật nuôi rõ ràng.

d) Trường hợp động vật có nguồn gốc nhập khẩu (không phân bố tại Việt Nam) phải có xác nhận bằng văn bản của Cơ quan khoa học CITES Việt Nam là việc nuôi loài đó không ảnh hưởng tới các loài động vật khác và hệ sinh thái trong nước.

2. Trình tự, thủ tục đăng ký trại nuôi sinh sản, trại nuôi sinh trưởng động vật hoang dã thông thường:

a) Tổ chức, cá nhân nộp trực tiếp hoặc qua bưu điện 01 bộ hồ sơ đến Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Hồ sơ đăng ký trại nuôi gồm: Giấy đề nghị đăng ký trại nuôi sinh sản, trại nuôi sinh trưởng động vật hoang dã thông thường (Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này);

b) Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc Chi cục Kiểm lâm tỉnh phải thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị để hoàn thiện hồ sơ;

c) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phải hoàn thành việc thẩm định và cấp giấy chứng nhận trại nuôi sinh sản, trại nuôi sinh trưởng động vật hoang dã thông thường (Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư này) và thông báo bằng văn bản cho Cơ quan quản lý CITES thông tin, kết quả đăng ký để đăng tải, quản lý trên Website.

Trong quá trình thẩm định, Chi cục Kiểm lâm có trách nhiệm lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn có liên quan hoặc các cơ quan khoa học CITES Việt Nam.

Điều 2. Bổ sung khoản 4 Điều 9 Quy chế quản lý và đóng búa bài cây, búa kiểm lâm ban hành kèm theo Quyết định số 44/2006/QĐ-BNN  ngày 01 tháng 06 năm 2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

 “ Điều 9. Quy định về đóng búa kiểm lâm

4. Thủ tục đóng dấu búa Kiểm lâm

Chủ rừng hoặc chủ gỗ nộp 02 bộ hồ sơ đến cơ quan Kiểm lâm sở tại đề nghị đóng búa kiểm lâm. Hồ sơ gồm: Giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức quản lý người nộp hồ sơ đề nghị đóng búa kiểm lâm; Lý lịch gỗ do chủ rừng hoặc chủ gỗ lập; Các giấy tờ chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp.

 Công chức Kiểm lâm được giao nhiệm vụ đóng búa kiểm lâm kiểm tra hồ sơ, nếu hồ sơ chưa đủ thì hướng dẫn chủ rừng hoặc chủ gỗ bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ trong thời hạn 02 ngày làm việc. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, công chức Kiểm lâm phải tiến hành xác minh đối tượng, nguồn gốc gỗ theo quy định tại khoản 2 Điều 7 và khoản 1, 2, 3, 4 Điều 8 Quy chế quản lý và đóng búa bài cây, búa kiểm lâm kèm theo Quyết định số 44/2006/QĐ-BNN Điều 1 Quyết định số 107/2007/QĐ-BNN ngày 31 tháng 12 năm 2007 về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 44/2006/QĐ-BNN của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đóng búa kiểm lâm ”.

Điều 3. Sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 38/2007/TT-BNN ngày 25 tháng 4 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn trình tự, thủ tục giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn

1. Điểm b khoản 4 mục II  được sửa đổi, bổ sung như sau:

“4. Trình tự, thủ tục giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân

b) Bước 2: tiếp nhận đơn và xét duyệt đơn

- Hộ gia đình, cá nhân nộp đơn đề nghị giao rừng tại thôn hoặc tại Uỷ ban nhân dân cấp xã (Phụ lục 03 ban hành kèm theo Thông tư này).

- Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm:

+ Hướng dẫn cho thôn họp toàn thể đại diện các hộ gia đình của thôn để xem xét và đề nghị Uỷ ban nhân dân cấp xã phương án và điều chỉnh phương án giao rừng cho từng hộ gia đình trong phạm vi thôn;

+ Chỉ đạo Hội đồng giao rừng của xã thẩm tra về điều kiện giao rừng hộ gia đình, cá nhân có đơn đề nghị được giao rừng báo cáo Uỷ ban nhân dân xã.

Kiểm tra thực địa khu rừng dự kiến giao cho hộ gia đình, cá nhân để đảm bảo các điều kiện, căn cứ giao rừng theo quy định của pháp luật; khu rừng giao không có tranh chấp;

[...]