Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Thông tư 25 /2005/TT-BLĐTBXH hướng dẫn điều chỉnh tiền lương và phụ cấp lương trong doanh nghiệp theo Nghị định 118/2005/NĐ-CP do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 25/2005/TT-BLĐTBXH
Ngày ban hành 04/10/2005
Ngày có hiệu lực 29/10/2005
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Lê Duy Đồng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 25/2005/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 04 tháng 10 năm 2005 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN ĐIỀU CHỈNH TIỀN LƯƠNG VÀ PHỤ CẤP LƯƠNG TRONG DOANH NGHIỆP THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 118/2005/NĐ-CP NGÀY 15 THÁNG 9 NĂM 2005 CỦA CHÍNH PHỦ

Căn cứ Điều 1 và khoản 3 Điều 2 Nghị định số 118/2005/NĐ- CP ngày 15 tháng 9 năm 2005 của Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu chung, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện như sau:

I. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG ĐIỀU CHỈNH TIỀN LƯƠNG VÀ PHỤ CẤP LƯƠNG.

1. Phạm vi áp dụng:

a) Công ty hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước, bao gồm:

- Tổng công ty nhà nước:

+ Tổng công ty nhà nước được thành lập theo Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 1995 và Tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập được thành lập theo Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003;

+ Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước;

- Công ty nhà nước độc lập;

- Công ty thành viên hạch toán độc lập của Tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập;

- Công ty mẹ của Tổng công ty, công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con theo Nghị định số 153/2004/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2004 của Chính phủ.

b) Công ty, doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, bao gồm:

- Công ty trách nhiệm hữu hạn;

- Công ty cổ phần;

- Công ty hợp danh;

- Doanh nghiệp tư nhân.

c) Các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức khác có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động.

Các công ty, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân quy định tại các điểm a, b và c nêu trên được gọi chung là doanh nghiệp.

2. Đối tượng áp dụng:

a) Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng trong doanh nghiệp quy định tại điểm a, khoản 1 nêu trên (không kể các chức danh hưởng lương theo hợp đồng);

b) Người làm công tác quản lý hưởng lương trong doanh nghiệp quy định tại điểm b và c, khoản 1 nêu trên;

c) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động quy định tại Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động.

II. ĐIỀU CHỈNH TIỀN LƯƠNG VÀ PHỤ CẤP LƯƠNG.

1. Đối với doanh nghiệp quy định tại điểm a, khoản 1, mục I, Thông tư này:

a) Căn cứ hệ số l­ương, phụ cấp lương quy định tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP, Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 và mức lương tối thiểu chung 350.000 đồng/tháng quy định tại Điều 1, Nghị định số 118/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2005 để điều chỉnh mức l­ương, phụ cấp lương làm căn cứ tính đơn giá tiền lương; tính đóng và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; tiền lương ngừng việc; nghỉ ngày lễ; nghỉ hàng năm và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. Việc điều chỉnh mức lương, phụ cấp lương được tính như sau:

Lấy hệ số lương cấp bậc theo chức danh nghề, công việc; hệ số lương chuyên môn, nghiệp vụ; hệ số lương chức vụ được xếp, phụ cấp lương, hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có) nhân với mức lương tối thiểu chung 350.000 đồng/tháng.

Ví dụ: Ông Nguyễn Văn A xếp lương ngạch chuyên viên bậc 5, hệ số 3,58 và hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc mức 0,2, phụ cấp thu hút mức 20% theo quy định tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP. Việc điều chỉnh mức lương, phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp thu hút của ông A được tính như sau:

[...]