Thông tư 23-TT/LB năm 1960 về chính sách đối với cán bộ, công nhân, quân nhân vào học các trường Đại học và trung cấp chuyên nghiệp năm 1960-1961 do Bộ Giáo dục và Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 23-TT/LB
Ngày ban hành 08/04/1960
Ngày có hiệu lực 23/04/1960
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục,Bộ Nội vụ
Người ký Nguyễn Văn Huyên,Tô Quang Đẩu
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC-BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ 
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 23-TT/LB

Hà Nội, ngày 08 tháng 04 năm 1960 

 

THÔNG TƯ

VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, QUÂN NHÂN VÀO HỌC CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀ TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP NĂM 1960-1961.

Để phục vụ công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa và đấu tranh thống nhất nước nhà, nhiệm vụ là phải ra sức đào tạo những cán bộ chính trị, những thanh niên công nông ưu tú thành một đội ngũ cán bộ chuyên môn kỹ thuật đông đảo, và trung thành với chủ nghĩa xã hội.

Các kế hoạch Nhà nước sắp xếp đòi hỏi nhiều cán bộ chuyên môn kỹ thuật, cho nên “Phải hết sức chú trọng bồi dưỡng số cán bộ hiện có và tích cực đào tạo thật nhiều cán bộ mới, tăng thêm số lượng và nâng cao trình độ cán bộ kinh tế, kỹ thuật, nghiên cứu khoa học”. (Trích nghị quyết Trung ương lần thứ 14). “Cần tích cực mở rộng các Trường Đại học và chuyên nghiệp hiện có, mở thêm nhiều trường mới, nhất là bên cạnh xí nghiệp, nông trường để đào tạo cán bộ kỹ thuật và huấn luyện công nhân” (Trích báo cáo Thủ tướng Chính phủ đọc ở khoá họp Quốc hội thứ 11).

Để bảo đảm thực hiện đường lối và nhiệm vụ trên đây, năm nay các Bộ, các ngành, các Uỷ ban hành chính các cấp cần hết sức chú trọng chọn cử nhiều cán bộ, công nhân, quân nhân vào học các trường Đại học và Trung cấp chuyên nghiệp.

Liên bộ Nội vụ - Giáo dục quy định những điều sau đây trong việc chọn cử cán bộ, công nhân, quân nhân đi học các trường Đại học và Trung cấp chuyên nghiệp năm 1960-1961.

I. TIÊU CHUẨN

1. Chính trị:

Lịch sử rõ ràng.

Lập trường tư tưởng tốt (tin tưởng và quyết tâm đi theo xã hội chủ nghĩa, sẵn sàng phục vụ nhân dân).

Tinh thần và thái độ công tác tốt.

Có ý thức tổ chức và kỷ luật.

2. Văn hoá: Phải có trình độ văn hoá tương đương với trình độ lớp 10 phổ thông (nếu vào các trường Đại học) và lớp 7 phổ thông (nếu vào các trường Trung cấp chuyên nghiệp).

Đối với những cán bộ, công nhân, bộ đối nếu đang học lớp 10 hoặc lớp 7 thì cơ quan nên tích cực tổ chức bổ túc văn hoá thời gian 2, 3 tháng để kịp giới thiệu đi học.

3. Tuổi và sức khoẻ: Từ 35 tuổi trở xuống. Đối với cán bộ miền Nam, miền Núi; phụ nữ và những cán bộ ngành nào đi học ngành ấy thì Bộ sở quan và nhà trường có thể thoả thuận châm chước nếu tuổi cao hơn sự quy định trên đây.

Có đủ sức khoẻ để theo học (theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục).

II. NHỮNG CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, QUÂN NHÂN ĐƯỢC CHỌN CỬ ĐI HỌC.

A. TRONG BIÊN CHẾ:

1. Cán bộ trong biên chế hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp thuộc các ngành Dân, Chính, Đảng và quân nhân tại ngũ phải có 3 năm liên tục công tác tính đến ngày 1-9-1960.

2. Công nhân xí nghiệp, công, nông, lâm trường trong biên chế trực tiếp tham gia lao động sản xuất, kiến thiết, thuộc thành phần lao động; cán bộ Kinh công tác miền Núi, cán bộ phụ nữ phải có 2 năm liên tục công tác tính đến ngày 1-9-1960.

3. Cán bộ, công nhân, quân nhân miền Nam tập kết có tham gia kháng chiến trong biên chế các ngành, cán bộ, công nhân, quân nhân người dân tộc thiểu số đang công tác trong biên chế các ngành không tính thâm niên công tác.

4. Cán bộ, công nhân, quân nhân miền Nam không có tham gia kháng chiến (trước là học sinh) đang công tác ở các cơ quan, các địa phương, các xí nghiệp, công, nông, lâm trường trong biên chế thì phải có 1 năm tham gia công tác hay sản xuất tính đến ngày 1-9-1960.

B. NGOÀI BIÊN CHẾ:

1. Cán bộ xã và cán bộ thôn, xóm, tổ, v.v… đang công tác phải có thời gian tham gia các công tác liên tục 3 năm tính đến 1-9-1960.

Những cán bộ xã và cán bộ thôn, xóm, tổ v.v.. đang công tác (kể cả bộ đội phục viên làm công tác ở xã) là những cán bộ thực sự hoạt động ở các ngành kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, quân sự ở xã có làm công tác lãnh đạo từ một đơn vị nhỏ lên đến toàn xã (ví dụ: tiểu đội trưởng, tiểu đội phó dân quân; tổ trưởng, tổ phó tổ lao động hợp tác xã, tổ trưởng, tổ phó thanh niên lao động, giáo viên dân lập, y tế xã, trưởng phó ban các ngành ở xã, uỷ viên Uỷ ban hành chính, các Ban chấp hành các đoàn thể, các ban quản trị hợp tác xã, v.v…)

2. Những người làm công tác tạm tuyển, phù động liên tục trên 2 năm (đối với công nhân) và trên 3 năm (đối với cán bộ nhân viên) nếu vì biên chế của cơ quan, xí nghiệp, công, nông, lâm trường chưa cho phép tuyển dụng chính thức được thì sẽ do các đoàn thể ở nơi đó (Công đoàn,  Thanh niên, v.v…) đề nghị và do Thủ trưởng nơi đó quyết định (thủ tục chọn cử hay đi học theo đúng phần IV trong thông tư này).

Quân nhân phục viên trong năm 1959 còn ở ngoài biên chế các cơ quan cũng được chọn cử đi học nếu thời gian ở Quân đội được 3 năm.

3. Cán bộ, công nhân, quân nhân miền Nam tập kết có tham gia kháng chiến hiện nay ở ngoài biên chế cũng không tính thâm niên công tác. Nếu không có tham gia kháng chiến (trước là học sinh) thì phải có 1 năm tham gia sản xuất tính đến ngày 1-9-1960.

[...]