Thông tư 17-NV-TT năm 1957 thi hành Nghị định Liên Bộ 152-NĐ-LB về chế độ sinh hoạt phí cho cán bộ, nhân viên, công nhân được cử đi học các trường chuyên nghiệp do Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 17-NV-TT
Ngày ban hành 30/03/1957
Ngày có hiệu lực 14/04/1957
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Phạm Văn Bạch
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 17-NV-TT

Hà Nội, ngày 30 tháng 03 năm 1957 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH LIÊN BỘ NỘI VỤ, GIÁO DỤC, TÀI CHÍNH, LAO ĐỘNG SỐ 152-NĐ-LB NGÀY 20-3-1957 VỀ CHẾ ĐỘ SINH HOẠT PHÍ CHO CÁN BỘ, NHÂN VIÊN, CÔNG NHÂN ĐƯỢC CỬ ĐI HỌC CÁC TRƯỜNG CHUYÊN NGHIỆP

Liên bộ Nội vụ - Tài chính – Giáo dục – Lao động đã ban hành nghị định số 152-NĐ-LB ngày 20-3-1957 về chế độ sinh hoạt phí cho cán bộ, nhân viên, công nhân được cử đi học các trường chuyên nghiệp. Ngày 22-3-1957 Liên bộ đã họp với các Bộ và các trường chuyên nghiệp phổ biến nghị định ấy. Để sự thi hành được thống nhất, Bộ Nội vụ thấy cần nêu rõ một số điểm như sau:

1. - Việc chọn cử cán bộ, nhân viên, công nhân đi học các trường chuyên nghiệp nhằm mục đích nâng cao trình độ cán bộ để khi tốt nghiệp ra sẽ có khả năng đảm đương những việc lớn hơn, phục vụ nhân dân được nhiều hơn. Việc chọn cử đi học đã thể hiện sự chiếu cố, sự ưu đãi đối với anh chị em.

Từ ngày chính phủ ban hành chính sách lương mới, vấn đề cán bộ nhân viên, công nhân được chọn cử đi học vẫn giữ được lương và phụ cấp như khi tại chức trở lên bất hợp lý. Vì lương là để trả cho những người làm công tác, người sản xuất. Chế độ hưởng lương và phụ cấp ấy đã gây nên nhiều suy tỵ giữa những người công tác với người đi học, giữa người làm công tác khác nhau cùng đi học một trường lớp, và trong lớp học giữa người được hưởng lương, với người được học bổng, v.v… Do đó, Liên bộ đã quyết định ban hành chế độ sinh hoạt phí thống nhất cho tất cả cán bộ, nhân viên, công nhân được chọn cử đi học thay thế cho chế độ hưởng lương và phụ cấp như khi tại chức để một mặt đảm bảo nguyên tắc chính sách lương, một mặt khác đảm bảo việc thực hiện các chế độ được thống nhất, chặt chẽ tại các trường.

Chế độ sinh hoạt phí này xây dựng trên tinh thần chiếu cố một phần quá trình phục vụ của người được chọn cử đi học và tùy theo loại trường lớp đào tạo ra loại cán bộ nào, nhưng đảm bảo nguyên tắc đi học thì không được đài thọ hơn người công tác, sản xuất.

Mức sinh hoạt phí định ra này tùy tình hình kinh tế tài chính mà Liên bộ sẽ xét duyệt quy định lại, không lệ thuộc vào sự thay đổi chế độ lương của cán bộ, nhân viên, công chức, tại chức.

Trừ phụ cấp con trong nghị định đã định rõ, các quyền lợi khác đối với những cán  bộ, nhân viên, công nhân được cử đi học sẽ có Thông tư nói rõ sau.

2. - Về việc chọn cử đi học:

 Điều 2 của nghị định Liên bộ đã nói rõ: “các cán bộ, nhân viên, công nhân ở trong biên chế tại chức đã công tác ở các xí nghiệp, cơ quan từ cấp huyện, được ba năm trở lên…”; như vậy từ nay cán bộ, nhân viên, công nhân không ở trong biên chế, thì dù nhân lực công trường, nhân viên phụ động, v.v… đều không được hưởng chế độ sinh hoạt phí thống nhất mà hưởng theo chế độ học bổng.

Các quân nhân phục viên về xã, các thương bệnh binh về làng, các cán bộ, nhân viên, công nhân thôi việc, rồi do ủy ban địa phương giới thiệu đi học hoặc xin thi vào học, không hưởng chế độ này, vì không phải những người tại chức.

Thông tư Liên bộ Nội vụ - Giáo dục số số 002-TT-LB ngày 27-1-1957 về vấn đề cử cán bộ đi học các trường chuyên nghiệp và bổ túc văn hóa không trái với nghị định này nên vẫn áp dụng thi hành.

3. – Phạm vi thi hành:

a) Tất cả các trường chuyên nghiệp ở trung ương và địa phương hiện có và trường Bổ túc văn hóa công nông đều thi hành nghị định Liên bộ này.

b) Riêng đối với trường Kinh tế Tài chính, chúng tôi đề nghị trao đổi ý kiến với Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Bộ Nội vụ về cách thức thi hành cho sát với trình độ cán bộ, nhân viên đã được chọn cử đi học ở trường để trình Thủ tướng phủ quyết định.

c) Học sinh trường Bổ túc văn hóa công nông hiện nay chia làm hai loại:

- Loại cán bộ, nhân viên, công nhân học tập văn hóa để rồi làm việc lại trong cơ quan, do cơ quan trả lương thì không thi hành nghị định này.

- Loại cán bộ, nhân viên, công nhân học văn hóa để rồi đi học các trường chuyên nghiệp thi cơ quan cũ cắt biên chế không trả lương nữa và được hưởng như sau:

- Nếu học ở lớp 8 trở lên được coi như ở trường chuyên nghiệp trung cấp để hưởng sinh hoạt phí.

- Nếu học ở lớp 7 trở xuống được coi như ở trường chuyên nghiệp sơ cấp để hưởng sinh hoạt phí.

d) Các trường lớp chuyên nghiệp mở ra sau ngày ban hành nghị định này đều sẽ thi hành ngay chế độ sinh hoạt phí tùy theo trường ấy là trường sơ, trung hay cao cấp (do các Bộ sở quan quyết định).

e) Các trường văn hóa phổ thông cấp 1, cấp 2, cấp 3, các trường lớp bổ túc nghiệp vụ như y sĩ trung cấp đi bổ túc về vẫn là y sĩ trung cấp, giáo viên đi bổ túc trong các vụ hè, các trường lớp chỉnh huấn để nâng cao trình độ chính trị đều không thi hành chế độ sinh hoạt phí này.

4. - Đối tượng hưởng chế độ sinh hoạt phí thống nhất này và cách thức hưởng

Các điều 2 và điều 5 nghị định Liên bộ đã quy định đối tượng được hưởng chế độ sinh hoạt phí thống nhất này, còn cách thức hưởng quy định như sau:

a) Cán bộ, nhân viên, công nhân ở trong biên chế tại chức, quân nhân chuyển ngành, thương bệnh binh ở trại được chọn cử đi học các trường chuyên nghiệp từ ngày ban hành nghị định này về sau sẽ không hưởng nguyên lương nữa mà chỉ hưởng các mức sinh hoạt phí đã ấn định.

Ví dụ: một nhân viên đang hưởng lương bậc 12 thang lương 17 bậc ở Hà nội là 42.900 đồng, được chọn cử đi học trường Đại học sư phạm thì được hưởng mức sinh hoạt phí là 35.000 đồng từ ngày trường khai giảng chứ không hưởng lương 42.900 đồng nữa.

b) Để chiếu cố tình trạng thực tế hiện nay, những cán bộ, nhân viên, công nhân ở trong biên chế tại chức đã được chọn cử đi học trước ngày ban hành nghị định này thì về nguyên tắc cũng hưởng chế độ sinh hoạt phí thống nhất nhưng nếu số lương  hiện hưởng cộng với phụ cấp khu vực, tỷ lệ tăng lương cao hơn mức sinh hoạt ấn định thì được tiếp tục hưởng nhưng không xem đó là hưởng nguyên lương nữa, còn nếu lương và phụ cấp khu vực, tỷ lệ tăng thấp hơn thì được hưởng các mức sinh hoạt phí đã ấn định và thời gian được hưởng tính đến khi mãn khóa ra trường. Khi được bổ dụng theo nhu cầu thì được hưởng theo chế độ lương.

Như thế là cán bộ, nhân viên, công nhân, thanh niên xung phong hiện đang học ở các trường chuyên nghiệp, Bổ túc văn hóa, trường kinh tế tài chính.. đều hưởng theo quy định ở mục b này trừ ba trường hợp sau đây thì giải quyết như sau:

[...]