Thông tư 11-NV năm 1961 về việc chọn cử cán bộ, công nhân, nhân viên và quân nhân vào học các Trường Đại học và Trung cấp chuyên nghiệp niên khóa 1961- 1962 do Bộ Nội Vụ ban hành

Số hiệu 11-NV
Ngày ban hành 04/03/1961
Ngày có hiệu lực 19/03/1961
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Lê Tất Đắc
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 11-NV

Hà Nội, ngày 04 tháng 03 năm 1961 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC CHỌN CỬ CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, NHÂN VIÊN VÀ QUÂN NHÂN VÀO HỌC CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀ TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP NIÊN KHÓA 1961- 1962

 Kính gửi:

- Các ông Bộ trưởng các Bộ,  
- Các ông thủ trưởng các cơ quan ngang bộ 
và các cơ quan trực thuộc Hội đồng chính phủ.
- Ủy ban hành chính các khu, thành phố và tỉnh.

Để phục vụ cho kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và để chuẩn bị cho kế hoạch sau, nhiệm vụ quan trọng trước tiên của Nhà nước là phải tích cực “đào tạo và bồi dưỡng theo quy mô lớn những cán bộ xây dựng kinh tế và công nhân lành nghề… Phương hướng đào tạo cán bộ chủ yếu là nhằm đào tạo nhiều cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật cho những ngành sản xuất có tầm quan trọng lớn đối với việc xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội…”. Trước mắt “cần đào tạo nhanh và nhiều cán bộ trung cấp và cán bộ cao cấp. Đi đôi với việc đào tạo về mặt chuyên môn, cần rất coi trọng việc bồi dưỡng về chính trị, tư tưởng và đạo đức cách mạng, làm cho đội ngũ cán bộ xây dựng kinh tế của ta bao gồm được những người vững về chính trị và giỏi về chuyên môn…” (Trích báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ở Đại hội toàn quốc lần thứ 3). Do đó, việc chọn cử cán bộ, công nhân, nhân viên, quân nhân vào học các Trường Đại học và Trung cấp chuyên nghiệp năm nay rất cấp thiết và có một tầm quan trọng đặt biệt.

Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu trên, sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Giáo dục, Bộ Nội vụ bổ sung thêm một số điểm vào thông tư số 23-TT/LB, ngày 8-4-1960, của Liên bộ Nội vụ - Giáo dục, áp dụng cho việc chọn cử cán bộ, công nhân, nhân viên và quân nhân vào học các Trường Đại học và Trung cấp chuyên nghiệp niên khóa 1961 – 1962.

I. ĐIỀU KIỆN CHỌN CỬ CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, NHÂN VIÊN VÀ QUÂN NHÂN VÀO HỌC CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀ TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP

1. Tất cả cán bộ, công nhân, nhân viên, quân nhân từ trung ương đến xã có đủ các tiêu chuẩn về chính trị, văn hóa, tuổi và sức khỏe theo thông tư Liên bộ Nội vụ - Giáo dục số 23-TT/LB, ngày 8-4-1960 (đăng ở Công báo số 17, ngày 27-4-1960), và được các Bộ, các ngành, các Ủy ban hành chính cấp khu, thành phố, tỉnh và Giám đốc các xí nghiệp, công, nông, lâm trường chọn cử, đều được thi vào các Trường Đại học và Trung cấp chuyên nghiệp.

2. Riêng việc tính thâm niên công tác để được cử đi học và để được hưởng các quyền lợi nói ở phần II, quy định như sau:

a) Những cán bộ, công nhân, nhân viên trong biên chế các cơ quan Chính, Dân, Đảng, quân nhân tại ngũ, nếu xuất thân thuộc các thành phần lao động (công nhân, bần, cố, trung nông, tiểu tư sản, dân nghèo và làm các nghề lao động khác…) phải có 3 năm liên tục công tác tính đến ngày 1-9-1961; nếu xuất thân thuộc thành phần bóc lột (phú nông, địa chủ, tư sản…) thì phải có 5 năm liên tục công tác và thành phần giai cấp xuất thân đã được thay đổi.

b) Công nhân các xí nghiệp, công, nông, lâm trường quốc doanh đã trực tiếp tham gia lao động, sản xuất liên tục 2 năm, nếu xuất thân là thành phần lao động; và 4 năm liên tục nếu là xuất thân thành phần bóc lột nay đã được thay đổi.

c) Những người làm công tác hợp đồng, phù động, tạm tuyển ở các cơ quan, công, nông, lâm trường, xí nghiệp của Nhà nước thuộc thành phần lao động phải có 2 năm liên tục công tác, đối với công nhân trực tiếp sản xuất; và có 3 năm liên tục công tác trở lên đối với cán bộ và nhân viên không trực tiếp sản xuất.

d) Những cán bộ, công nhân, nhân viên và quân nhân là người kinh đã công tác ở các vùng biên giới, rẻo cao, hải đảo được 1 năm trở lên.

đ) Phụ nữ đang công tác ở trong các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước (cả trong và ngoài biên chế), nếu thuộc thành phần lao động thì phải có 1 năm công tác trở lên.

e) Những cán bộ, công nhân, nhân viên, quân nhân là người miền Nam tập kết, dân tộc thiểu số đang công tác trong các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước (cả trong và ngoài biên chế) không tính thâm niên công tác.

g) Những cán bộ, công nhân, nhân viên, quân nhân được bầu chiến sĩ thi đua ở cơ sở liên tục 3 năm (1958 – 1960) và các anh hùng lao động, thì không phân biệt thành phần, không phân biệt trong hay ngoài biên chế và không tính thâm niên công tác.

h) Cán bộ xã, thôn, xóm, hợp tác xã,… đang hoạt động (kể cả thương binh, quân nhân phục viên) thuộc thành phần nông dân lao động có đủ các tiêu chuẩn về chính trị, văn hóa, tuổi và sức khỏe thì được chọn đi học mà không tính thâm niên công tác.

II. QUYỀN LỢI CỦA CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, NHÂN VIÊN, QUÂN NHÂN ĐƯỢC CHỌN CỬ ĐI HỌC

1. Hàng tuần, ngoài những giờ văn hóa buổi tối, được nghỉ một buổi chiều thứ bẩy để ôn tập văn hóa, nếu đã học xong lớp 10 hoặc lớp 7 phổ thông hay bổ túc (tính từ khi có quyết định được cử đi học đến khi nhà trường kiểm tra văn hóa).

Đối với số cán bộ trong ngành được chọn cử đi học Trường Đại học và Trung cấp chuyên nghiệp của ngành đó, thì Bộ sở quan có thể chọn một số cán bộ với trình độ văn hóa thấp hơn (lớp 9, lớp 6) để bổ túc thêm đủ tiêu chuẩn văn hóa vào chuyên nghiệp trong thời gian từ 1 đến 3 tháng, do Bộ sở quan quyết định.

Đối với số cán bộ, công nhân, nhân viên được các Trường Đại học và Trung cấp chuyên nghiệp chiêu sinh với trình độ văn hóa thấp hơn lớp 10 và lớp 7, thì cũng được nghỉ để bổ túc văn hóa theo yêu cầu của trường chiêu sinh.

2. Cán bộ, công nhân, nhân viên, quân nhân trong biên chế được cơ quan, đơn vị chọn cử đi học thì được hưởng sinh hoạt phí theo thông tư số 287-TTg, ngày 21-11-1960 của Phủ Thủ tướng (đăng ở công báo số 51 ngày 7-12-1960).

Cán bộ, nhân viên ngoài biên chế được chọn cử đi học thì hưởng học bổng theo chế độ hiện hành.

III. TRÁCH NHIỆM CHỌN CỬ, NHẬN XÉT HỒ SƠ, LÝ LỊCH CỦA CÁN BỘ, HỌC SINH VÀ KẾ HOẠCH TIẾN HÀNH

Nói chung, trách nhiệm của các Bộ, các ngành, các Ủy ban hành chính các cấp về việc chọn cử cán bộ, công nhân, nhân viên, quân nhân đi học theo như thông tư Liên bộ số 3-TT/LB, ngày 8-4-1960 đã quy định, riêng một số điểm cần nói rõ thêm cho được thích hợp, và để việc chọn cử được bảo đảm tốt:

1. Về trách nhiệm chọn cử đối với công nhân các xí nghiệp, công, nông, lâm trường trực thuộc Bộ, các Bộ sở quan sẽ ủy quyền cho các Giám đốc xí nghiệp chịu trách nhiệm chọn cử và giới thiệu.

2. Việc nhận xét và chứng thực vào hồ sơ cán bộ, nhân viên được giới thiệu đi học phải đúng sự thực, có ý kiến tập thể, có đóng dấu cơ quan và viết rõ tên người ký. Trong bản nhận xét, cần cho nhà trường biết rõ ưu, khuyết điểm trong quá trình công tác và đặc điểm của từng người để nhà trường có kế hoạch quản lý trong quá tình học tập.

Riêng đối với các Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh cần phân công, giao trách nhiệm cho các ngành liên quan như Công an, Y tế, Giáo dục… và Hội đồng tuyển sinh của địa phương giúp Ủy ban tiến hành công tác tuyển sinh được tốt. Đặc biệt đối với loại học sinh phổ thông, thí sinh tự do, cần đôn đốc và hướng dẫn các Ủy ban hành chính xã và khu phố trong việc nhận xét và chứng thực vào hồ sơ cho chính xác, rõ ràng, đầy đủ, có ý kiến tập thể của Ủy ban, có đóng dấu của Ủy ban và ghi rõ tên đồng chí Chủ tịch hay Phó chủ tịch ký. Đồng thời các Ủy ban hành chính các cấp cần cung cấp đầy đủ tình hình của từng học sinh theo đúng yêu cầu của các bản tìm hiểu của Bộ Giáo dục gửi về.

3. Về kế hoạch tiến hành như: xét chọn, lập hồ sơ, mẫu quyết định giới thiệu cán bộ, nhân viên đi học, v.v… theo như thông tư số 23-TT/LB, ngày 8-4-1960 và thông cáo tuyển sinh niên khóa 1961 – 1962 của Bộ Giáo dục.

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ