Thông tư 23/2000/TT-BTC hướng dẫn Quyết định 05/2000/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 95/1998/QĐ-TTg về xử lý, thanh toán nợ giai đoạn II do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 23/2000/TT-BTC
Ngày ban hành 27/03/2000
Ngày có hiệu lực 20/01/2000
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Văn Tá
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 23/2000/TT-BTC

Hà Nội, ngày 27 tháng 3 năm 2000

 

THÔNG TƯ

BỘ TÀI CHÍNH SỐ 23/2000/TT- BTC NGÀY 27 THÁNG 3 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 05 /2000/QĐ-TTG NGÀY 05 THÁNG 01 NĂM 2000 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG QUYẾT ĐỊNH SỐ 95/1998/QĐ-TTG NGÀY18 THÁNG 5 NĂM 1998 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ XỬ LÝ, THANH TOÁN NỢ GIAI ĐOẠN II.

Thi hành Quyết định số 05 /2000/QĐ-TTg ngày 05 tháng 01 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 95/1998/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý thanh toán nợ giai đoạn II. Sau khi có ý kiến tham gia của Ngân hàng Nhà nước tại công văn số 41/CV-TD.3 ngày 27 tháng 01 năm 2000; Bộ Tài chính hướng dẫn những điểm sửa đổi, bổ sung về xử lý, thanh toán và hạch toán kế toán công nợ giai đoạn II như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG:

- Các bên có nợ phải thu, phải trả đã kê khai xác nhận nợ, hoặc chưa kê khai nhưng đã được đối chiếu, xác nhận của chủ nợ và con nợ theo Quyết định số 277/CT ngày 29/7/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) và đề án thanh toán công nợ giai đoạn II là đối tượng thi hành Thông tư này .

- Xử lý, thanh toán nợ giai đoạn II căn cứ vào quy định của đề án Tổng thanh toán nợ giai đoạn II, Quyết định số 95/1998/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 1998, Thông tư Liên tịch của Bộ Tài chính - Ngân hàng Nhà nước số 102/1998/TTLT-BTC-NHNN ngày18 tháng 7 năm 1998 và Quyết định số 05 /2000/QĐ-TTg ngày 05 tháng 01 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung xử lý, thanh toán nợ giai đoạn II, Pháp luật tại thời điểm phát sinh nợ và Thông tư này .

- Các bên chủ nợ, con nợ là người chịu trách nhiệm trong việc xử lý, thanh toán những khoản nợ thuộc đối tượng nợ giai đoạn II của đơn vị mình.

- Ban thanh toán nợ các cấp có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra giám sát tình hình thực hiện xử lý, thanh toán nợ và kiến nghị với cấp có thẩm quyền xử lý hành chính, hoặc pháp luật đối với các đơn vị có nợ, mà không thực hiện trách nhiệm xử lý, thanh toán nợ.

- Các tổ chức, cá nhân bảo lãnh, hoặc cho phép các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức Kinh tế- Chính trị - Xã hội vay vốn, mua bán trả chậm vật tư, hàng hoá phải chịu trách nhiệm trả nợ thay, nếu đối tượng mà mình bảo lãnh hoặc cho phép không trả được nợ. Đối tượng được trả nợ thay phải hoàn trả nợ cho tổ chức, cá nhân bảo lãnh, hoặc cho phép.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Căn cứ xử lý nợ.

Trường hợp hồ sơ để xử lý nợ không đủ theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 102/1998/TTLT-BTC-NHNN ngày 18 tháng 7 năm 1998 của Bộ Tài chính - Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện Quyết định số 95/1998/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý, thanh toán nợ giai đoạn II, thì tối thiểu phải có những căn cứ sau:

- Thẻ xác nhận nợ ( đã được xác nhận của con nợ), hoặc biên bản đối chiếu nợ được chủ nợ và con nợ xác nhận.

- Biên bản phân tích nguyên nhân phát sinh nợ của Ban thanh toán nợ cấp tỉnh đối với các doanh nghiệp thuộc địa phương, của Ban thanh toán nợ Bộ, ngành đối với các doanh nghiệp thuộc Trung ương.

Đối với những trường hợp con nợ đã giải thể, phá sản, ngừng hoạt động không còn đầy đủ hồ sơ theo quy định, thì cơ quan quyết định thành lập, Ban thanh toán nợ cùng cấp lập biên bản xác nhận không còn đủ hồ sơ như quy định để làm cơ sở xử lý, đồng thời phải có trách nhiệm thông báo cho chủ nợ về quyết định giải thể, hoặc có văn bản xác nhận về việc đơn vị đã giải thể, phá sản, ngừng hoạt động (thời điểm giải thể, phá sản, ngừng hoạt động và thực trạng tài chính của doanh nghiệp).

- Khoản nợ được phán quyết bằng văn bản của Trọng tài kinh tế Nhà nước, bản án dân sự của Toà án mà chưa lập thẻ xác nhận nợ thì bản phán quyết đó được coi là căn cứ để thanh toán và xử lý nợ.

2. Về tỷ giá ngoại tệ.

- Các đơn vị lập thẻ đòi nợ quyền sử dụng ngoại tệ đã được con nợ xác nhận; nếu trước kia con nợ đã trả đủ tiền đối giá theo tỷ giá quyết toán nội bộ do Nhà nước quy định thì được coi là đã thanh toán cho chủ nợ .

- Tỷ giá các loại ngoại tệ để thanh toán được quy định tại thời điểm kê khai nợ 30/ 4 /1991 như sau:

+ Đô la Mỹ: 7.900 đồng/ USD.

+ Vàng: 373.000 đồng / chỉ.

+ Yên : 76 đồng/ Yên.

+ Frăng: 1.420 đồng/.Fr.

+ Nhân dân tệ: 886 đồng/ NDT.

+ Rúp : 4000 đ/Rúp.

Các loại ngoại tệ khác được quy đổi ra USD ( đô la Mỹ) theo tỷ giá tại thời điểm kê khai nợ ( 30/4/1991).

3. Thẩm quyền quyết định xử lý nợ.

a. Đối với khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước do Hội đồng quản trị hoặc Tổng giám đốc, Giám đốc (đối với doanh nghiệp không có Hội đồng quản trị) có trách nhiệm xử lý nợ theo các nguyên tắc sau:

[...]