Thông tư 22/2002/TT-BTC hướng dẫn xử lý tài chính và hạch toán đối với doanh nghiệp Nhà nước Việt Nam có vốn góp thành lập doanh nghiệp liên doanh theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam khi doanh nghiệp liên doanh chấm dứt hoạt động do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 22/2002/TT-BTC
Ngày ban hành 11/03/2002
Ngày có hiệu lực 11/03/2002
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Văn Tá
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Kế toán - Kiểm toán,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 22/2002/TT-BTC

Hà Nội, ngày 11 tháng 3 năm 2002

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 22/2002/TT-BTC NGÀY 11 THÁNG 3 NĂM 2002 HƯỚNG DẪN XỬ LÝ TÀI CHÍNH VÀ HẠCH TOÁN ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC VIỆT NAM CÓ VỐN GÓP THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP LIÊN DOANH THEO LUẬT ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM KHI DOANH NGHIỆP LIÊN DOANH CHẤM DỨT HOẠT ĐỘNG

Căn cứ Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 12/11/1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 9/06/ 2000;
Căn cứ Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 04/2000/NĐ-CP ngày 11/2/2000 của Chính phủ quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai;
Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý tài chính và hạch toán đối với những doanh nghiệp Nhà nước Việt Nam có vốn góp thành lập doanh nghiệp liên doanh theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam khi doanh nghiệp liên doanh chấm dứt hoạt động như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng và phạm vi áp dụng:

Thông tư này quy định việc xử lý tài chính và hạch toán đối với:

1.1 Phần tài sản, tiền vốn của doanh nghiệp Nhà nước được chia từ liên doanh khi liên doanh chấm dứt hoạt động trong các trường hợp:

- Hết thời hạn ghi trong giấy phép đầu tư;

- Theo các điều kiện chấm dứt hoạt động được quy định trong hợp đồng, điều lệ doanh nghiệp liên doanh;

- Theo quyết định của cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư nước ngoài do vi phạm nghiêm trọng pháp luật hoặc quy định của giấy phép đầu tư;

- Do bị tuyên bố phá sản.

1.2 Doanh nghiệp Nhà nước chuyển nhượng hoặc mua lại phần vốn góp liên doanh.

2. Khi doanh nghiệp liên doanh chấm dứt hoạt động, các bên góp vốn liên doanh có trách nhiệm thành lập Ban thanh lý để tiến hành thanh lý, thực hiện phương án phân chia, xử lý tài sản, tiền vốn theo đúng điều lệ và hợp đồng liên doanh, đảm bảo công bằng và đúng pháp luật (Trừ trường hợp liên doanh bị tuyên bố phá sản thì thủ tục giải quyết theo quy định của Luật Phá sản doanh nghiệp).

3. Doanh nghiệp đối tác bên Việt Nam, căn cứ vào kết quả phân chia tài sản và tiền vốn của Ban thanh lý doanh nghiệp liên doanh (hoặc quyết định của Toà án), có trách nhiệm tiếp nhận tài sản được chia từ liên doanh, xử lý tài chính và hạch toán theo quy định tại phần II và III của Thông tư này.

Doanh nghiệp đối tác bên Việt Nam bao gồm:

- Tổng Công ty, doanh nghiệp hạch toán độc lập thuộc các Tổng Công ty, doanh nghiệp độc lập thuộc các Bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước đây đưa một bộ phận doanh nghiệp hoặc một phần tài sản, tiền vốn góp liên doanh;

- Trường hợp doanh nghiệp Nhà nước trước đây đã đưa toàn bộ giá trị doanh nghiệp góp vốn thành lập liên doanh, không còn tồn tại pháp nhân doanh nghiệp Nhà nước:

+ Nếu doanh nghiệp là thành viên các Tổng Công ty Nhà nước thì Đại diện đối tác bên Việt Nam là các Tổng Công ty Nhà nước.

+ Nếu là doanh nghiệp độc lập thuộc các Bộ quản lý ngành, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì các Bộ quản lý ngành, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ định doanh nghiệp làm đại diện đối tác bên Việt Nam thực hiện tiếp nhận tài sản, tiền vốn được chia từ liên doanh.

4. Nguyên tắc chung để xử lý tài chính và hạch toán khi doanh nghiệp liên doanh chấm dứt hoạt động bao gồm:

Trường hợp giá trị tài sản và tiền vốn nhận về từ việc thanh lý tài sản của doanh nghiệp liên doanh lớn hơn giá trị vốn góp liên doanh, doanh nghiệp đối tác bên Việt Nam được hạch toán tăng nguồn vốn kinh doanh. Trường hợp nhỏ hơn giá trị vốn góp liên doanh thì doanh nghiệp được sử dụng Quỹ dự phòng tài chính để bù đắp, nếu thiếu doanh nghiệp hạch toán vào chi phí hoạt động tài chính.

Trường hợp doanh nghiệp bị thua lỗ kéo dài, không có khả năng tài chính để tự bù đắp, doanh nghiệp báo cáo Bộ Tài chính (đối với doanh nghiệp Trung ương) và Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đối với doanh nghiệp địa phương) xem xét và xử lý cho giảm vốn kinh doanh.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Trường hợp doanh nghiệp đối tác bên Việt Nam nhận lại hoặc được chia từ liên doanh giá trị quyền sử dụng đất, mặt nước, mặt biển của thời gian liên doanh chưa sử dụng (dưới đây gọi là giá trị còn lại của quyền sử dụng đất):

1.1 Nếu trước đây doanh nghiệp đối tác bên Việt Nam đã góp vốn liên doanh bằng tiền sử dụng đất hoặc đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp mà số tiền đó không có nguồn gốc từ Ngân sách Nhà nước, khi liên doanh chấm dứt hoạt động doanh nghiệp được tiếp tục sử dụng đất trong thời hạn còn lại được Nhà nước giao đất và không phải nộp tiền thu về sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước nhưng phải nộp thuế sử dụng đất (thuế đất) cho Nhà nước theo quy định hiện hành.

1.2 Nếu trước đây doanh nghiệp đối tác bên Việt Nam đã góp vốn liên doanh bằng tiền sử dụng đất hoặc đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp mà tiền đó có nguồn gốc từ Ngân sách Nhà nước hoặc là đất doanh nghiệp đối tác bên Việt Nam được Nhà nước cho thuê đất, được dùng giá trị quyền sử dụng đất( tiền thuê đất) để góp liên doanh với nước ngoài và tiền thuê đất đã được chuyển thành phần vốn Nhà nước đầu tư cho doanh nghiệp thì khi liên doanh chấm dứt hoạt động, doanh nghiệp được tiếp tục sử dụng đất trong thời hạn thuê hoặc giao đất còn lại và có trách nhiệm bảo toàn số vốn Nhà nước tương ứng với tiền thuê đất đã được Nhà nước giao để góp liên doanh, thực hiện nộp tiền thu về sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước tính từ thời điểm sử dụng tiền thuê đất góp vốn liên doanh theo các quy định hiện hành.

1.3 Trường hợp liên doanh bị giải thể hoặc phá sản, doanh nghiệp đối tác bên Việt Nam được chia giá trị còn lại của quyền sử dụng đất mà đất đó trước đây không phải là đất góp liên doanh của doanh nghiệp thì giá trị còn lại của quyền sử dụng đất coi như tài sản được chia. Doanh nghiệp được tiếp tục sử dụng đất trong thời hạn giao đất, thuê đất còn lại. Khi hết thời hạn sử dụng đất doanh nghiệp thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về đất đai.

Giá trị còn lại của quyền sử dụng đất được chia quy định tại điểm 1 phần II nói trên nếu có chênh lệch tăng (hoặc giảm) so với vốn góp liên doanh thì doanh nghiệp hạch toán số chênh lệch như quy định tại điểm 4 phần I Thông tư này.

[...]