BỘ TÀI CHÍNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
216/2016/TT-BTC
|
Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 2016
|
THÔNG TƯ
QUY
ĐỊNH MỨC THU, CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
Căn cứ Luật phí và
lệ phí ngày 25 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật ngân
sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 120/2016/NĐ-CP
ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành
một số Điều của Luật phí và lệ phí;
Căn cứ Nghị định số 62/2015/NĐ-CP
ngày 18 tháng 7 năm 2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của
Luật thi hành án dân sự;
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP
ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế,
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định
mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí
thi hành án dân sự.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối
tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định mức thu, chế độ thu, nộp,
quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự.
2. Thông tư này áp dụng đối với người nộp, tổ chức
thu phí thi hành án dân sự và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thu,
nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự.
Điều 2. Người nộp phí thi hành
án dân sự
Người được thi hành án khi nhận được tiền, tài sản
theo bản án, quyết định của Tòa án, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội
đồng xử lý vụ việc cạnh tranh; phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại
phải nộp phí thi hành án dân sự theo quy định tại Thông tư này.
Điều 3. Tổ chức thu phí thi
hành án dân sự
Cơ quan thi hành án dân sự là tổ chức thu phí thi
hành án dân sự.
Điều 4. Mức thu phí thi hành án
dân sự
1. Người được thi hành án phải nộp phí thi hành án
dân sự như sau:
a) Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên hai lần
mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang do
Nhà nước quy định đến 5.000.000.000 đồng thì mức phí thi hành án dân sự là 3% số
tiền, giá trị tài sản thực nhận;
b) Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên
5.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng thì mức phí thi hành án dân sự là
150.000.000 đồng cộng với 2% của số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá
5.000.000.000 đồng;
c) Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên
7.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng thì mức phí thi hành án dân sự là
190.000.000 đồng cộng với 1% số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá
7.000.000.000 đồng;
d) Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên
10.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng thì mức phí thi hành án dân sự là
220.000.000 đồng cộng 0,5% số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá
10.000.000.000 đồng;
đ) Số tiền, giá trị tài sản thực nhận trên
15.000.000.000 đồng thì mức phí thi hành án dân sự là 245.000.000 đồng cộng với
0,01% của số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 15.000.000.000 đồng.
2. Đối với vụ việc chia tải sản chung, chia thừa kế;
chia tài sản trong ly hôn; vụ việc mà các bên vừa có quyền, vừa có nghĩa vụ đối
với tài sản thi hành án (chỉ cần một trong các bên có yêu cầu thi hành án), thì
người được cơ quan thi hành án dân sự giao tiền, tài sản thi hành án phải nộp
phí thi hành án dân sự tương ứng với giá trị tiền, tài sản thực nhận.
Ví dụ: Tòa án xử ly hôn giữa ông A và bà B, trong
phần chia tài sản ly hôn, bà B được nhận nhà trị giá là 500.000.000 đồng và phải
thanh toán cho ông A 200.000.000 đồng. Trong trường
hợp này, số phí thi hành án dân sự mà các bên phải nộp được tính trên
giá trị tài sản thực nhận của từng người, cụ thể như sau:
Số phí thi hành án dân sự ông A phải nộp là: 3% x
200.000.000 đồng = 6.000.000 đồng;
Số phí thi hành án dân sự bà B phải nộp là: 3% x
(500.000.000 đồng - 200.000.000 đồng) = 9.000.000 đồng.
3. Đối với trường hợp nhiều người được nhận một tài
sản cụ thể hoặc nhận chung một khoản tiền theo bản án, quyết định nhưng chỉ có
một hoặc một số người có yêu cầu thi hành án mà Chấp hành viên đã tổ chức giao
tài sản, khoản tiền đó cho người đã yêu cầu hoặc người đại diện của người đã có
yêu cầu để quản lý thì người yêu cầu hoặc người đại diện đó phải nộp phí thi
hành án dân sự tính trên toàn bộ giá trị tiền, tài sản thực nhận theo mức quy định
tại khoản 1 Điều này.
4. Đối với trường hợp cơ quan
thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án nhưng chưa ra quyết định cưỡng
chế thi hành án hoặc đã ra quyết định cưỡng chế thi hành án nhưng chưa thực hiện
việc cưỡng chế thi hành án mà đương sự tự giao, nhận tiền, tài sản cho nhau thì
người được thi hành án phải nộp 1/3 mức phí thi hành án dân sự quy định tại khoản
1 Điều này tính trên số tiền, tài sản thực nhận, trừ trường hợp quy định tại
khoản 8 Điều 6 Thông tư này.
5. Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã thu được
tiền hoặc đã thực hiện việc cưỡng chế thi hành án thì người được thi hành án phải
nộp 100% mức phí thi hành án dân sự theo quy định tại khoản 1 điều này tính
trên số tiền, tài sản thực nhận.
Điều 5. Thu, nộp phí thi hành
án dân sự
1. Thủ trưởng tổ chức thu phí thi hành án dân sự ra
quyết định thu phí thi hành án dân sự. Đối với vụ việc phải thu phí thi hành án
dân sự nhiều lần thì mỗi lần thu phí, Thủ trưởng tổ chức thu phí ra một quyết định
thu phí thi hành án dân sự theo quy định.
2. Trường hợp người được thi hành án được nhận tiền,
tài sản thành nhiều lần theo quy định của pháp Luật thì tổng số tiền phí thi
hành án dân sự phải nộp từng lần bằng số tiền phí thi hành án dân sự phải nộp
khi nhận toàn bộ số tiền, tài sản trong một lần theo mức quy định tại Điều 4 Thông tư này.
Ví dụ: Ông A được thi hành án tổng số tiền là
18.000.000.000 đồng và đã được nhận số tiền này trong 06 lần (lần thứ nhất nhận
3.000.000.000 đồng; lần thứ hai nhận 4.000.000.000 đồng; lần thứ ba nhận
4.500.000.000 đồng; lần thứ tư nhận 4.000.000.000 đồng; lần thứ năm nhận
1.500.000.000 đồng; lần thứ sáu nhận 1.000.000.000 đồng), số phí thi hành án
dân sự phải nộp của từng lần được xác định như sau:
- Số tiền phí thi hành án dân sự ông A phải nộp lần
thứ nhất là: 3% x 3.000.000.000 đồng = 90.000.000 đồng.
- Số tiền phí thi hành án dân sự ông A phải nộp lần
thứ hai là: (3% x 2.000.000.000 đồng) + (2% x 2.000.000.000 đồng) = 100.000.000
đồng.
- Số tiền phí thi hành án dân sự ông A phải nộp lần
thứ ba là: (1% x 3.000.000.000 đồng) + (0,5% x 1.500.000.000 đồng) = 37.500.000
đồng.
- Số tiền phí thi hành án dân sự ông A phải nộp lần
thứ tư là: (0,5% x 3.500.000.000 đồng) + (0,01% x 500.000.000 đồng) =
17.550.000 đồng.
- Số tiền phí thi hành án dân sự ông A phải nộp lần
thứ năm là: 0,01% x 1.500.000.000 đồng = 150.000 đồng.
- Số tiền phí thi hành án dân sự ông A phải nộp lần
thứ sáu là: 0,01% x 1.000.000.000 đồng = 100.000 đồng.
Tổng số tiền phí thi hành án dân sự mà ông A phải nộp
trong trường hợp này là 245.300.000 đồng, bằng số tiền phí thi hành án dân sự mà
ông A phải nộp khi nhận một lần tính trên số tiền 18.000.000.000 đồng là
245.000.000 đồng + (0.01% x 3.000.000.000 đồng) = 245.300.000 đồng.
3. Đối với trường hợp người được thi hành án nhận
tiền, tài sản làm nhiều lần mà số tiền, giá trị tài sản được nhận mỗi lần không
vượt quá hai lần mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng
vũ trang do Nhà nước quy định, nhưng tổng số tiền, giá trị tài sản được nhận lớn
hơn hai lần mức lương cơ sở thì vẫn thu phí thi hành án dân sự theo quy định và
việc thu phí thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư
này.
Ví dụ: Ông B được thi hành án 5.000.000 đồng nhưng
ông B được nhận số tiền này trong 04 lần (lần 1 nhận 1.000.000 đồng; lần 2 nhận
1.000.000 đồng; lần 3 nhận 1.000.000 đồng; lần 4 nhận 2.000.000 đồng), số phí
thi hành án dân sự mà ông B phải nộp được xác định như sau:
- Lần thứ nhất ông B nhận 1.000.000 đồng thì ông B
chưa phải nộp phí.
- Lần thứ hai ông B nhận 1.000.000 đồng thì ông B
chưa phải nộp phí.
- Lần thứ ba ông B nhận 1.000.000 đồng thì số phí
mà ông B phải nộp sau ba lần nhận tiền là: 3% x (1.000.000 đồng + 1.000.000 đồng
+ 1.000.000 đồng) = 90.000 đồng.
- Lần thứ tư ông B nhận 2.000.000 đồng thì số phí
mà ông B phải nộp là: 3 % x 2.000.000 đong = 60.000 đồng.
Tổng số tiền phí thi hành án dân sự mà ông B phải nộp
sau khi nhận số tiền 5.000.000 đồng là 90.000 đồng + 60.000 đồng = 150.000 đồng,
cũng bằng tổng số phí thi hành án dân sự trong trường hợp nhận tiền, tài sản 01
lần là 3% x 5.000.000 đồng = 150.000 đồng.
4. Việc thu phí thi hành án dân sự được thực hiện
như sau:
a) Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự chi trả bằng
tiền mặt, chuyển khoản hoặc gửi qua bưu điện cho người được thi hành án thì thực
hiện việc khấu trừ số tiền phí thi hành án dân sự mà người được thi hành án phải
nộp trước khi chi trả cho họ.
b) Trường hợp Tòa án không tuyên giá trị tài sản hoặc
có tuyên nhưng tại thời điểm thu phí không còn phù hợp (thay đổi quá 20%) so với
giá thị trường thì tổ chức thu phí tổ chức định giá tài sản để xác định phí thi
hành án dân sự mà người được thi hành án phải nộp. Chi phí định giá do cơ quan
thi hành án dân sự chi trả từ nguồn phí thi hành án dân sự được để lại.
Trước khi giao tài sản ít nhất 15 ngày, tổ chức thu
phí thông báo số tiền phí thi hành án dân sự mà người được thi hành án phải nộp
theo quy định tại Thông tư này.
5. Trường hợp có sự nhầm lẫn về
số phí thi hành án dân sự phải nộp thì tổ chức thu phí có trách nhiệm tính toán
lại theo quy định. Tổ chức thu phí có trách nhiệm làm thủ tục hoàn trả số tiền
thu thừa hoặc thực hiện việc thu bổ sung khoản phí thi hành án dân sự còn thiếu.
6. Trường hợp ủy thác thi hành án, cơ quan ủy thác
phải ghi rõ số phí thi hành án dân sự đã thu, số phí thi hành án dân sự còn phải
thu.
Cơ quan nhận ủy thác phải căn cứ vào quyết định ủy thác để tiếp tục thu phí thi hành án dân
sự và được quản lý, sử dụng tiền phí thi hành án dân sự thu được theo quy định
tại Thông tư này.
Điều 6. Trường hợp không phải
chịu phí thi hành án dân sự
Người được thi hành án không phải chịu phí thi hành
án dân sự khi được nhận các khoản tiền, tài sản thuộc các trường hợp sau đây:
1. Tiền cấp dưỡng; tiền bồi thường thiệt hại tính mạng,
sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; tiền lương, tiền công lao động; tiền trợ cấp mất
việc làm, trợ cấp thôi việc; tiền bảo hiểm xã hội; tiền bồi thường thiệt hại vì
bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động.
2. Khoản kinh phí thực hiện chương trình chính sách
xã hội của Nhà nước xóa đói, giảm nghèo,
hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, các khoản kinh phí
trực tiếp phục vụ việc chăm sóc sức khỏe, giáo dục của nhân dân không vì mục
đích kinh doanh mà người được thi hành án được nhận.
3. Hiện vật được nhận chỉ có ý nghĩa tinh thần, gắn
với nhân thân người nhận, không có khả năng trao đổi.
4. Tiền hoặc giá trị tài sản theo yêu cầu thi hành
án không vượt quá hai lần mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức
và lực lượng vũ trang do Nhà nước quy định.
5. Khoản thu hồi nợ vay cho Ngân hàng Chính sách xã
hội trong trường hợp Ngân hàng cho vay đối với người nghèo và các đối tượng
chính sách khác.
6. Bản án, quyết định của Tòa
án xác định không có giá ngạch và không thu án phí có giá ngạch khi xét xử.
7. Tiền, tài sản được trả lại cho đương sự trong
trường hợp chủ động thi hành án quy định tại điểm b khoản 2 Điều
36 Luật thi hành án dân sự.
8. Tiền, tài sản mà đương sự tự nguyện thi hành
trong thời hạn tự nguyện thi hành án theo quy định tại Điều 45 Luật
thi hành án dân sự.
Điều 7. Miễn, giảm phí thi hành
án dân sự
1. Người được thi hành án được
miễn phí thi hành án dân sự trong trường hợp sau đây:
a) Được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng;
b) Thuộc diện neo đơn
được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó
cư trú xác nhận; thuộc diện tàn tật hoặc ốm đau kéo dài có tóm tắt hồ sơ bệnh
án được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ cấp huyện trở lên xác nhận;
c) Người được thi hành án xác minh chính xác sau
khi cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi
hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 44a Luật thi hành án dân
sự và cơ quan thi hành án dân sự xử lý được tài sản để thi hành án.
2. Người được thi hành án được giảm phí thi hành án
dân sự trong trường hợp sau đây:
a) Giảm đến 80% phí thi hành án dân sự đối với người
có khó khăn về kinh tế thuộc chuẩn hộ nghèo và được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức
nơi người đó làm việc xác nhận;
b) Giảm 30% phí thi hành án dân sự tương ứng với số
tiền thực nhận từ việc xử lý tài sản của người phải thi hành án mà người được
thi hành án xác minh chính xác khi yêu cầu thi hành án và cơ quan thi hành án
dân sự xử lý được tài sản để thi hành án mà không phải áp dụng biện pháp cưỡng
chế cần huy động lực lượng, trừ trường hợp tài sản đã được xác định trong bản
án, quyết định của Tòa án, Trọng tài thương mại;
c) Giảm 20% phí thi hành án dân sự trong trường hợp
quy định tại điểm b khoản này nếu phải áp dụng biện pháp cưỡng chế cần huy động
lực lượng, trừ trường hợp tài sản đã được xác định trong bản án, quyết định của
Tòa án, Trọng tài thương mại.
3. Để được miễn, giảm phí thi hành án dân sự, đương
sự phải làm đơn đề nghị miễn hoặc giảm phí thi hành án dân sự, kèm theo các tài
liệu có liên quan chứng minh điều kiện miễn, giảm theo quy định tại khoản 1 và
khoản 2 điều này.
4. Đơn đề nghị miễn hoặc giảm phí thi hành án dân sự
kèm theo các tài liệu liên quan được nộp cho tổ chức thu phí. Trường hợp đơn, tài liệu chưa đầy đủ thì tổ chức
thu phí hướng dẫn người yêu cầu bổ sung
theo quy định.
Trong thời hạn
05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Thủ trưởng tổ chức thu phí có
trách nhiệm xem xét, ra quyết định miễn hoặc giảm phí thi hành án dân sự theo
quy định tại Thông tư này hoặc thông báo bằng văn bản cho người phải nộp phí biết
về việc họ không được miễn hoặc giảm phí thi hành án dân sự và nêu rõ lý do.
Việc xét miễn, giảm phí thi hành án dân sự thực hiện
đối với từng quyết định thu phí thi hành án dân sự, trừ trường hợp người được
xét miễn, giảm phí thi hành án dân sự thuộc trường hợp người được hưởng chế độ
ưu đãi người có công với cách mạng theo quy định của pháp Luật ưu đãi người có
công với cách mạng.
Điều 8. Kê khai, nộp phí thi
hành án dân sự
1. Chậm nhất là ngày 05 hàng tháng, tổ chức thu phí
phải gửi số tiền phí thi hành án dân sự đã thu của tháng trước vào tài khoản phí
chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc nhà nước.
2. Tổ chức thu phí thực hiện kê
khai, nộp số tiền phí thi hành án dân sự thu được theo tháng, quyết toán năm
theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 19, khoản 2 Điều 26 Thông tư
số 156/2013/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Bộ
trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế; Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP
ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ.
Điều 9. Quản lý và sử dụng phí
thi hành án dân sự
1. Tổ chức thu phí nộp toàn bộ số tiền phí thu được
vào ngân sách nhà nước trừ trường hợp quy định tại khoản 2 điều này. Nguồn chi
phí trang trải cho việc thực hiện công việc và thu phí do ngân sách nhà nước bố
trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước.
2. Trường hợp tổ chức thu phí
thực hiện cơ chế tài chính theo quy định của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ
về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc sử dụng biên chế và sử dụng
kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước thì thực hiện quản lý,
sử dụng tiền phí thi hành án dân sự như sau:
a) Tổ chức thu phí được trích lại 65% số tiền phí
thu được để trang trải chi phí cho các nội dung quy định tại Điều
5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ.
Đối với trường hợp cơ quan trại giam, cơ quan thi
hành án hình sự Công an cấp huyện thu tiền,
tài sản thi hành án: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày cơ quan thi hành án dân
sự thu phí thi hành án dân sự đối với số tiền, tài sản do cơ quan trại giam, cơ
quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện thu thì cơ quan thi hành án dân sự
chuyển 65% tiền phí thu được vào tài khoản của cơ quan trại giam, cơ quan thi
hành án hình sự Công an cấp huyện đã thu tiền, tài sản thi hành án. Số tiền này
sử dụng để chi cho các nội dung theo quy định tại Điều 5 Nghị định
số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ.
b) Tổ chức thu phí có trách nhiệm nộp 20% số tiền
phí thu được vào tài khoản của Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp (hoặc
Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng đối với tổ chức thu phí là cơ quan thi hành
án quân khu và tương đương) tại Kho bạc nhà nước. Tổng cục Thi hành án dân sự
thuộc Bộ Tư pháp (hoặc Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng) thực hiện điều hòa
tiền phí cho các tổ chức thu phí ở những nơi tiền phí thu được không bảo đảm đủ
các nội dung chi theo quy định tại Điều 5 Nghị định số
120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ.
Số tiền phí do tổ chức thu phí nộp vào tài khoản của
Tổng cục Thi hành án dân sự (hoặc Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng đối với tổ
chức thu phí là cơ quan thi hành án quân khu và tương đương) được xác định là
100%. Tổng cục Thi hành án dân sự (hoặc Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng) thực
hiện việc điều hòa tiền phí thi hành án được phép chi quản lý, điều hòa tiền
phí thi hành án (chi văn phòng phẩm, sổ sách kế toán, theo dõi, tổng hợp số liệu
phân bổ tiền phí, thông tin liên lạc, tập huấn, chỉ đạo nghiệp vụ, kiểm tra,
báo cáo và các hoạt động khác có liên quan trực tiếp đến việc quản lý, điều hòa
tiền phí thi hành án) và các nội dung chi theo quy định tại Điều
5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ; nhưng
số chi hàng năm không quá 35% tổng số tiền phí thi hành án do các đơn vị nộp về.
Hàng năm, tổ chức thu phí phải quyết toán thu chi
theo thực tế. Sau khi quyết toán đúng chế độ, số tiền phí chưa chi trong năm được
phép chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định.
c) Tổ chức thu phí có trách nhiệm nộp 15% số tiền
phí thu được vào ngân sách nhà nước.
Điều 10. Tổ chức thực hiện.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01
tháng 01 năm 2017 và thay thế Thông tư liên tịch số 144/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 22 tháng 9 năm 2010 của
Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn về chế độ thu, nộp, quản
lý và sử dụng phí thi hành án dân sự.
2. Các nội dung khác liên quan đến việc thu, nộp,
quản lý, sử dụng, chứng từ thu, công khai chế độ thu phí không đề cập tại Thông
tư này được thực hiện theo quy định tại Luật
phí và lệ phí, Nghị định số 120/2016/NĐ-CP
ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ; Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Bộ
trưởng Bộ Tài chính; Thông tư của Bộ trưởng Bộ
Tài chính quy định in, phát hành, quản lý và sử dụng các loại chứng từ thu phí,
lệ phí thuộc ngân sách nhà nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay
thế (nếu có).
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề
nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, hướng dẫn bổ sung./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Quốc hội ,
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao:,
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- HĐND, UBND, Sở Tài chính, Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương;
- Công báo;
- Website chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Website Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, CST (CST5).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Vũ Thị Mai
|