Thông tư 201/2013/TT-BTC hướng dẫn áp dụng Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong quản lý thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 201/2013/TT-BTC
Ngày ban hành 20/12/2013
Ngày có hiệu lực 05/02/2014
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí,Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 201/2013/TT-BTC

Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 2013

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC ÁP DỤNG THỎA THUẬN TRƯỚC VỀ PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH GIÁ TÍNH THUẾ (APA) TRONG QUẢN LÝ THUẾ

Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 ngày 20/11/2012;

Căn cứ Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 ngày 3/6/2008, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 32/2013/QH13 ngày 16/9/2013;

Căn cứ Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Nghị định số 122/2011/NĐ-CP ngày 27/12/2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 124/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn việc áp dụng Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong quản lý thuế như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn về việc áp dụng Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (sau đây được gọi tắt là APA) trong quản lý thuế.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (sau đây gọi chung là người nộp thuế) là đối tượng nộp thuế của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và thực hiện khai thuế theo phương pháp được quy định tại Khoản 1 Điều 11 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 (số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong kỳ tính thuế được tính bằng thu nhập tính thuế nhân với thuế suất), thực hiện giao dịch kinh doanh với các bên có quan hệ liên kết và có đơn đề nghị áp dụng APA trước khi thực hiện nghĩa vụ kê khai, nộp thuế cho năm đầu tiên của giai đoạn đề nghị áp dụng APA.

Người nộp thuế là đối tượng áp dụng APA thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Thông tư này.

2. Cơ quan thuế bao gồm: Tổng cục Thuế, Cục Thuế các tỉnh, thành phố.

3. Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc áp dụng APA trong quản lý thuế.

Điều 3. Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA)

1. APA là thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan thuế với người nộp thuế hoặc giữa cơ quan thuế với người nộp thuế và cơ quan thuế các nước, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đã ký Hiệp định thuế cho một thời hạn nhất định, trong đó xác định cụ thể các căn cứ tính thuế, phương pháp xác định giá tính thuế hoặc giá tính thuế theo giá thị trường. APA được xác lập trước khi người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp.

2. Các hình thức APA bao gồm:

a) APA đơn phương là APA được đàm phán và ký kết giữa cơ quan thuế Việt Nam và người nộp thuế đứng đơn đề nghị áp dụng APA.

b) APA song phương, đa phương là APA được đàm phán và ký kết giữa cơ quan thuế Việt Nam, người nộp thuế và một hoặc nhiều cơ quan thuế đối tác có liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế đứng đơn đề nghị áp dụng APA trên cơ sở Hiệp định thuế.

3. Đối tượng áp dụng APA tại Thông tư này bao gồm:

a) Các tổ chức, đơn vị có quan hệ liên kết trong một doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế hoạt động tại nhiều địa bàn khác nhau (bao gồm cả các quốc gia, vùng lãnh thổ);

b) Các tổ chức, đơn vị có mối quan hệ là cơ sở thường trú và trụ sở chính của doanh nghiệp. Trong trường hợp này, mỗi một cơ sở thường trú sẽ được xem là một doanh nghiệp (người nộp thuế) riêng và hoàn toàn tách biệt khỏi trụ sở chính hay các cơ sở thường trú khác của doanh nghiệp.

4. Các giao dịch được áp dụng APA

[...]