Thông tư 20/2012/TT-BVHTTDL quy định về hồ sơ và thủ tục gửi, nhận gửi tư liệu di sản văn hóa phi vật thể, di, cổ vật, bảo vật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

Số hiệu 20/2012/TT-BVHTTDL
Ngày ban hành 28/12/2012
Ngày có hiệu lực 15/02/2013
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
Người ký Hoàng Tuấn Anh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/2012/TT-BVHTTDL

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2012

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ HỒ SƠ VÀ THỦ TỤC GỬI, NHẬN GỬI TƯ LIỆU DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ, DI VẬT, CỔ VẬT, BẢO VẬT QUỐC GIA

Căn cứ Luật di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Bộ luật Dân sự ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật di sản văn hóaLuật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa;

Căn cứ Nghị định số 185/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Di sản văn hóa,

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư quy định về hồ sơ và thủ tục gửi, nhận gửi tư liệu di sản văn hóa phi vật thể, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về hồ sơ và thủ tục gửi, nhận gửi tư liệu di sản văn hóa phi vật thể, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia (sau đây gọi là tài liệu, hiện vật) của tổ chức, cá nhân (sau đây gọi là Bên gửi) vào bảo tàng công lập hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền (sau đây gọi là Bên nhận gửi) để hỗ trợ tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu của tài liệu, hiện vật bảo vệ và phát huy giá trị.

2. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện việc gửi và nhận gửi tài liệu, hiện vật.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tư liệu di sản văn hóa phi vật thể là những thông tin về di sản văn hóa phi vật thể được lưu giữ bằng các loại phương tiện, thiết bị, vật liệu, bao gồm: bản ghi chép, bản ghi âm, bản ghi hình.

2. Các hình thức phát huy giá trị tài liệu, hiện vật gửi bao gồm: xuất bản ấn phẩm về tài liệu, hiện vật; giới thiệu tài liệu, hiện vật trên phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử; triển lãm, trưng bày tài liệu, hiện vật; làm bản sao tài liệu, hiện vật và các hình thức phát huy giá trị khác.

Điều 3. Tiêu chí xác định tài liệu, hiện vật được gửi

1. Tư liệu di sản văn hóa phi vật thể được gửi phải có đủ các tiêu chí sau đây:

a) Là tư liệu di sản văn hóa phi vật thể có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học; ưu tiên tư liệu về di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa;

b) Có khả năng bảo quản lâu dài;

c) Không thuộc đối tượng pháp luật cấm tàng trữ.

2. Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được gửi phải có đủ các tiêu chí sau đây:

a) Di vật, cổ vật đã được đăng ký, bảo vật quốc gia đã được công nhận theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa;

b) Có khả năng bảo quản lâu dài;

c) Không thuộc đối tượng pháp luật cấm tàng trữ.

Điều 4. Chi phí cho việc gửi, nhận gửi tài liệu, hiện vật

1. Chi phí cho việc gửi, nhận gửi tài liệu, hiện vật do Bên gửi và Bên nhận gửi thỏa thuận và được ghi rõ trong Hợp đồng gửi, nhận gửi tài liệu, hiện vật, theo Mẫu số 4 ban hành kèm theo Thông tư này.

[...]