Thông tư 20/2002/TT-BGDĐT hướng dẫn cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ và xác nhận các giấy tờ khác trong lĩnh vực giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 20/2002/TT-BGDĐT
Ngày ban hành 12/04/2002
Ngày có hiệu lực 01/07/2002
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Lê Vũ Hùng
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 20/2002/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 12 tháng 04 năm 2002 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN VIỆC CẤP BẢN SAO VĂN BẰNG, CHỨNG CHỈ VÀ XÁC NHẬN CÁC GIẤY TỜ KHÁC TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC

Căn cứ Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08 tháng 12 năm 2000 của Chính phủ về công chúng, chứng thực;
Căn cứ Chỉ thị số 01/2001/CT-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ về công chứng, chứng thực;Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện việc cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ và xác nhận các giấy tờ khác có liên quan đến kết quả học tập, thi cử trong lĩnh vực giáo dục theo Điều 73 Nghị định số 75/2000/NĐ-CP như sau:

I. CẤP BẢN SAO VĂN BẰNG, CHỨNG CHỈ

1. Bản sao văn bằng, chứng chỉ trong Thông tư này được hiểu là bản in do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định có đầy đủ nội dung như bản chính (nhưng có hoa văn, ký hiệu phân biệt với bản chính, có in chữ "bản sao" ) có xác nhận của cơ quan cấp văn bằng, chứng chỉ.

2. Bản sao văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định tại Thông tư này bao gồm:

 a) Bản sao bằng tốt nghiệp tiểu học, bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp, bằng tốt nghiệp đào tạo nghề, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ.

 b) Bản sao chứng chỉ giáo dục thể chất; chứng chỉ giáo dục quốc phòng; chứng chỉ giáo dục không chính quy; chứng chỉ nghề do trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp hoặc trường trung học chuyên nghiệp cấp; chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học và các loại chứng chỉ khác do các cơ sở giáo dục cấp theo quy định hiện hành.

3. Bản sao văn bằng, chứng chỉ được nhà trường, trung tâm giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục) có thẩm quyền cấp đồng thời với bản chính hoặc được cấp từ sổ gốc có giá trị như bản sao được công chứng, chứng thực theo quy định tại Nghị định số 75/2000/NĐ-CP. Người được cấp bản chính văn bằng, chứng chỉ khi có nhu cầu có quyền đề nghị cơ sở giáo dục đã cấp bản chính cấp cho bản sao từ sổ gốc hoặc đề nghị Phòng Công chứng, Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh công chứng, chứng thực theo quy định tại Điều 21 và Điều 22 Nghị định số 75.

4. Việc công chứng bản dịch các văn bằng, chứng chỉ, giấy tờ từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc ngược lại được thực hiện tại Phòng Công chứng; việc công chứng, chứng thực bản sao giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ bằng tiếng nước ngoài được thực hiện tại Phòng Công chứng, Uỷ ban nhân dân cấp huyện theo quy định tại Điều 21, 22 Nghị định số 75.

5. Nguyên tắc cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ:

 a) Cơ sở giáo dục có thẩm quyền cấp bản chính văn bằng, chứng chỉ nào (theo quy định của Luật Giáo dục) thì có quyền và trách nhiệm cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ đó.

 b) Thủ trưởng cơ sở giáo dục có thẩm quyền ký bản chính văn bằng, chứng chỉ nào thì có thẩm quyền và trách nhiệm ký bản sao văn bằng, chứng chỉ đó và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

 c) Việc ghi các nội dung ở bản sao văn bằng, chứng chỉ được thực hiện chính xác theo các nội dung của bản chính; tuyệt đối không được gian dối hoặc để xảy ra sai sót trong quá trình cấp bản sao.

 d) Bản sao văn bằng, chứng chỉ được cấp đồng thời với bản chính hoặc được cấp từ sổ gốc (sổ cấp bằng, chứng chỉ) khi người được cấp bản chính có yêu cầu.

 e) Việc cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ phải được ghi vào sổ cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ.

6. Thủ tục, trình tự cấp bản sao.

 a) Người yêu cầu cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ đồng thời với bản chính khi tốt nghiệp phải đăng ký trước với cơ sở giáo dục có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ.

 b) Người yêu cầu cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc có thể trực tiếp đề nghị hoặc gửi đề nghị cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ đến cơ sở giáo dục đã cấp bản chính qua đường bưu điện kèm theo lệ phí theo quy định.

Đối với yêu cầu trực tiếp, nếu cơ sở cấp bản sao thấy đủ điều kiện hợp lệ, việc cấp bản sao được thực hiện ngay trong ngày. Trường hợp yêu cầu cấp bản sao với số lượng lớn hoặc không có người ký ngay trong ngày thì phải hẹn lại. Thời hạn hẹn lại không quá 3 ngày làm việc.

Đối với yêu cầu gửi qua đường bưu điện, việc cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ được thực hiện trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ khi nhận được đề nghị và lệ phí nếu cơ sở có thẩm quyền cấp bản sao thấy đủ điều kiện hợp lệ.

 c) Đối với trường hợp quy định tại điểm b của Mục này thì hồ sơ cần có khi yêu cầu cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ là:

Đối với người không có bản chính văn bằng, chứng chỉ khi trực tiếp đề nghị cấp bản sao phải:

Nộp phiếu yêu cầu cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ ghi đầy đủ các nội dung có trong bản chính văn bằng, chứng chỉ và số lượng bản sao xin cấp.

Xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp lệ khác (học bạ, hộ khẩu hoặc giấy giới thiệu của cơ quan đang công tác).

Nếu người có bản chính văn bằng, chứng chỉ khi trực tiếp đề nghị cấp bản sao, có xuất trình bản chính thì không phải nộp các giấy tờ nêu trên.

Đối với người được ủy quyền của người có bản chính văn bầng, chứng chỉ yêu cầu cấp bản sao phải:

Nộp giấy ủy quyền của người có bản chính, trong đó ghi đầy đủ các nội dung có trong bản chính văn bằng, chứng chỉ; họ tên người ủy quyền, hộ khẩu thường trú, số chứng minh nhân dân, số lượng bản sao xin cấp, họ tên người được ủy quyền, số chứng minh nhân dân, nội dung ủy quyền, cam đoan của người ủy quyền. Giấy ủy quyền phải có chữ ký của người ủy quyền, người được ủy quyền và xác nhận của cơ quan người ủy quyền hoặc chính quyền địa phương nơi người ủy quyền có hộ khẩu thường trú.

[...]