Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Thông tư 199/2009/TT-BTC quy định cơ chế tài chính thực hiện chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 199/2009/TT-BTC
Ngày ban hành 13/10/2009
Ngày có hiệu lực 27/11/2009
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Phạm Sỹ Danh
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 199/2009/TT-BTC

Hà Nội, ngày 13 tháng 10 năm 2009

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CƠ CHẾ TÀI CHÍNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ GIẢM NGHÈO NHANH VÀ BỀN VỮNG ĐỐI VỚI CÁC HUYỆN NGHÈO.

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo;
Bộ Tài chính quy định cơ chế tài chính thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo giai đoạn 2009 – 2020 theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ (sau đây gọi là Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP) như sau:

I. CƠ CHẾ TÀI CHÍNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

Điều 1. Quy định chung

1. Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo (sau đây gọi là Chương trình) được đảm bảo kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước, vốn ODA, trái phiếu Chính phủ, vốn tín dụng, huy động đóng góp của doanh nghiệp, dân cư và các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định.

2. Uỷ ban nhân dân các tỉnh có huyện nghèo, Uỷ ban nhân dân các huyện nghèo (Các tỉnh có huyện nghèo, các huyện nghèo được xác định tại phụ lục I ban hành kèm theo công văn số 705/TTg - KGVX ngày 11/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ) có trách nhiệm huy động nguồn lực của địa phương, các đơn vị, tổ chức, cá nhân theo quy định và thực hiện lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án, nhiệm vụ trên địa bàn theo quy định tại Thông tư liên tịch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về hướng dẫn lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình, dự án, nhiệm vụ trên địa bàn các huyện nghèo.

3. Các Bộ, cơ quan trung ương ưu tiên bố trí nguồn vốn do mình trực tiếp quản lý, phân bổ cho các chương trình, dự án, nhiệm vụ trên địa bàn huyện nghèo. Uỷ ban nhân dân tỉnh ưu tiên nguồn vốn ngân sách địa phương để hỗ trợ các huyện nghèo (Kể cả huyện nghèo do địa phương quyết định đầu tư từ ngân sách địa phương).

4. Thực hiện Chương trình phải công khai, dân chủ từ cơ sở, phát huy mạnh mẽ sự tham gia của người dân trong quá trình thực hiện. Uỷ ban nhân dân xã thông báo công khai về đối tượng thụ hưởng, định mức, kinh phí các chương trình, dự án, mục tiêu, nhiệm vụ từng năm và trong cả giai đoạn của Chương trình.

Điều 2. Cơ chế tài chính thực hiện chương trình

1. Đối với những địa bàn và những đối tượng thuộc huyện nghèo, nếu đang được hưởng các chính sách ưu đãi khác không trùng với các chính sách quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP thì tiếp tục hưởng các chính sách đó; nếu trùng với các chính sách trong Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP nhưng với mức ưu đãi khác nhau thì được hưởng theo mức ưu đãi cao nhất.

2. Tất cả các xã thuộc huyện nghèo (không bao gồm các xã thuộc huyện nghèo do địa phương quyết định đầu tư từ ngân sách địa phương) đều được hưởng các chính sách do Nhà nước quy định và thực hiện các cơ chế quản lý tài chính như đối với xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 giai đoạn II của huyện nghèo.

3. Việc lồng ghép nguồn vốn để thực hiện các dự án, nhiệm vụ thuộc Chương trình trên địa bàn phải căn cứ vào chế độ, chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung, xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân ở từng thôn, bản, xã và nguồn lực từ các chương trình, dự án, nhiệm vụ trên địa bàn đảm bảo đồng bộ, hiệu quả; giảm đầu mối, tập trung nguồn lực cho mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững; không làm thay đổi mục tiêu, tổng mức kinh phí đầu tư, tổng mức kinh phí sự nghiệp được giao. Đối với các chế độ, tiêu chuẩn, định mức liên quan đến con người, hộ gia đình phải đảm bảo đủ kinh phí, thực hiện theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức và không được sử dụng nguồn kinh phí này để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ khác.

4. Những chương trình, dự án, nhiệm vụ đang sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, nếu được các nhà tài trợ hỗ trợ kinh phí để thực hiện thì được sử dụng toàn bộ hoặc một phần nguồn vốn ngân sách nhà nước đã bố trí cho chương trình, dự án, nhiệm vụ để thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ khác theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP (sử dụng toàn bộ trong trường hợp nhà tài trợ hỗ trợ bằng hoặc cao hơn mức ngân sách nhà nước bố trí; sử dụng một phần tương ứng với mức nhà tài trợ hỗ trợ trong trường hợp nhà tài trợ hỗ trợ thấp hơn mức ngân sách nhà nước bố trí), trừ trường hợp có cam kết khác với các nhà tài trợ thì thực hiện theo cam kết đó.

5. Doanh nghiệp, hợp tác xã thành lập mới từ dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao; từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng của Nhà nước, sản xuất sản phẩm phần mềm; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao và môi trường được hưởng chính sách ưu đãi thuế (thuế suất ưu đãi, thời gian miễn, giảm thuế) theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã tài trợ cho giáo dục, y tế, xây dựng nhà tình nghĩa cho người nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai thì kinh phí tài trợ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế tính thuế thu nhập doanh nghiệp; doanh nghiệp sản xuất, xây dựng, vận tải sử dụng nhiều lao động nữ, lao động là người dân tộc thiểu số ngoài việc được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế đối với các khoản chi cho lao động nữ, lao động là người dân tộc thiểu số còn được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp bằng số chi thêm cho lao động nữ, cho lao động là người dân tộc thiểu số.

Ngoài các quy định nêu trên, doanh nghiệp, hợp tác xã còn được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản thu nhập được miễn thuế theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã có sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, có xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá phục vụ cho sản xuất kinh doanh thì thực hiện nghĩa vụ về thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và được hưởng chính sách ưu đãi (nếu có) theo quy định của pháp luật về các sắc thuế đó.

Doanh nghiệp, hợp tác xã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai để làm mặt bằng sản xuất kinh doanh thì thực hiện nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của Chính phủ về chính sách thu tiền sử dụng đất, thu tiền cho thuê đất, thuê mặt nước và được hưởng chính sách ưu đãi (nếu có) theo quy định của pháp luật về các chính sách thu đó.

II. LẬP, CHẤP HÀNH VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ CHƯƠNG TRÌNH

Điều 3. Lập dự toán và phân bổ kinh phí

1. Việc lập, phân bổ, giao dự toán kinh phí Chương trình thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn.

2. Hàng năm, Uỷ ban nhân dân huyện lập dự toán kinh phí thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP theo từng dự án nhiệm vụ, chế độ, chính sách cùng với dự toán ngân sách huyện gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan để tổng hợp cùng với dự toán ngân sách tỉnh; trong đó xác định rõ các nguồn vốn thực hiện: ngân sách nhà nước (Phân rõ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương), vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn tín dụng, vốn huy động đóng góp của các doanh nghiệp, dân cư và các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định. Trong từng nguồn vốn nêu trên phải tách rõ vốn đầu tư, vốn sự nghiệp.

Dự toán ngân sách và các nguồn tài chính thực hiện các dự án, nhiệm vụ, chế độ, chính sách theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP được phân kỳ thực hiện theo kế hoạch hàng năm, đảm bảo tính khả thi; báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ liên quan để tổng hợp trình Chính phủ, trình Quốc hội quyết định.

Dự toán ngân sách hàng năm được lập theo các chỉ tiêu, biểu mẫu theo phụ lục Thông tư này và phải thuyết minh cụ thể căn cứ tính toán dự toán (Đối tượng; khối lượng; kinh phí; nguồn vốn) của từng dự án, nhiệm vụ, chế độ, chính sách.

3. Đối với vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ cho các dự án giao thông, thuỷ lợi, giáo dục, y tế: Căn cứ tổng mức vốn được giao và tiến độ thực hiện các dự án, Ủy ban nhân dân tỉnh đăng ký nhu cầu về mức vốn trái phiếu Chính phủ hàng năm của từng dự án, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ liên quan để tổng hợp, làm căn cứ huy động và bố trí vốn trái phiếu Chính phủ. Việc đăng ký nhu cầu về mức vốn trái phiếu Chính phủ hàng năm thực hiện theo thời hạn quy định như lập dự toán ngân sách nhà nước.

4. Đối với các Bộ, cơ quan trung ương: Lập dự toán ngân sách hàng năm theo lĩnh vực phân công quản lý, trong đó chi tiết kinh phí hỗ trợ cho huyện nghèo theo từng địa phương, gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp cân đối báo cáo Chính phủ trình Quốc hội trong dự toán ngân sách hàng năm. Trong đó, chú ý các nội dung:

a. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổng hợp nhu cầu kinh phí Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (Bao gồm cả kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ thông qua khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, giao rừng và giao đất để trồng rừng sản xuất theo điểm 1, khoản A, mục II, phần II, Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ, trừ kinh phí hỗ trợ hộ nghèo 5 triệu đồng/ha/hộ để tận dụng tạo đất sản xuất lương thực trong khu vực diện tích rừng nhận khoán chăm sóc, bảo vệ, rừng và đất được giao để trồng rừng sản xuất, hỗ trợ người nghèo 50% lãi suất tiền vay Ngân hàng thương mại Nhà nước để trồng rừng sản xuất); Chương trình bố trí dân cư; Vốn trái phiếu Chính phủ cho các công trình thuỷ lợi; Tiền vắc xin tiêm phòng nhằm khống chế và thanh toán dịch bệnh nguy hiểm đối với gia súc, gia cầm.

b. Uỷ ban Dân tộc tổng hợp nhu cầu kinh phí Chương trình 135 giai đoạn II (Không kể kinh phí các xã ngoài chương trình 135 được hưởng chính sách như xã thuộc chương trình 135); Chương trình trung tâm cụm xã; Quyết định 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004; Quyết định 32/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007; Quyết định 33/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007.

c. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổng hợp nhu cầu kinh phí Chương trình quốc gia giảm nghèo; Chương trình dạy nghề; Đề án xuất khẩu lao động.

[...]