Thông tư 18/2010/TT-BKH hướng dẫn cơ chế đặc thù về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản tại 11 xã thực hiện Đề án “Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

Số hiệu 18/2010/TT-BKH
Ngày ban hành 27/07/2010
Ngày có hiệu lực 27/07/2010
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Người ký Cao Viết Sinh
Lĩnh vực Đầu tư,Xây dựng - Đô thị

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 18/2010/TT-BKH

Hà Nội, ngày 27 tháng 07 năm 2010

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN CƠ CHẾ ĐẶC THÙ VỀ QUẢN LÝ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN TẠI 11 XÃ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG THÍ ĐIỂM MÔ HÌNH NÔNG THÔN MỚI TRONG THỜI KỲ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA”

Căn cứ Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 116/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Căn cứ văn bản số 238-TB/TW ngày 07/4/2009 thông báo kết luận của Ban Bí thư về Đề án “Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”;
Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;
Căn cứ thông báo số 33-TB/BCĐNTM ngày 07/6/2010 của Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới;
Để tạo thuận lợi cho các địa phương trong đầu tư xây dựng cơ bản; Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn cơ chế đặc thù về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản tại 11 xã thực hiện Đề án “Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” như sau:

Phần 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng:

1. Thông tư này hướng dẫn thủ tục quản lý đầu tư và xây dựng cơ bản các công trình xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường tại 11 xã thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới trong Đề án “Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa” theo kết luận của Ban Bí thư tại văn bản số 238-TB/TW ngày 07/4/2009.

2. Các đối tượng công trình cụ thể bao gồm:

a) Hệ thống đường giao thông từ liên gia đến liên thôn, hệ thống điện đến hộ gia đình, hệ thống thủy lợi, đường nội đồng và nâng cấp các chợ.

b) Trung tâm văn hóa xã và các nhà văn hóa thôn, sân vận động xã, các khu thể thao thôn, tôn tạo các công trình văn hóa lịch sử, trường học các cấp (từ mầm non đến trung học cơ sở), trạm y tế, điểm bưu điện xã.

c) Hệ thống thoát nước thải các khu dân cư, hệ thống cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh đến các hộ, hạ tầng các khu chăn nuôi, khu sản xuất tiểu thủ công nghiệp tập trung để chuyển những hộ chăn nuôi quy mô lớn và sản xuất nghề tiểu thủ công nghiệp có ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, hạ tầng nghĩa địa.

d) Phát triển cải tạo hệ thống ao, hồ sinh thái kết hợp phát triển kinh tế, trồng cây xanh, cây hoa cảnh nơi công cộng.

Điều 2. Nguyên tắc chỉ đạo:

1. Việc đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng tại các xã thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới được thực hiện theo phương châm dựa vào nội lực của cộng đồng địa phương là chính, Nhà nước hỗ trợ một phần trực tiếp cho các xã thông qua Chương trình đầu tư thí điểm xây dựng mô hình các xã nông thôn mới, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ, đồng thời với việc huy động đóng góp tích cực của nhân dân, của các doanh nghiệp để xây dựng làng quê của mình.

2. Việc lựa chọn các công trình cụ thể, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư của từng mô hình do chính người dân địa phương bàn bạc dân chủ, công khai và quyết định trên cơ sở các quy chuẩn của Nhà nước, khả năng huy động nguồn lực đầu tư và có sự tư vấn của cán bộ chuyên môn; các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội địa phương chủ yếu đóng vai trò chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ vốn, kỹ thuật, nguồn lực, tổ chức điều hành quá trình xây dựng kế hoạch, tổ chức và kiểm tra thực hiện, tạo điều kiện, động viên tinh thần, vận động người dân thực hiện vai trò làm chủ thông qua cộng đồng.

Phần 2.

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Chủ đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã

1. Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã là chủ đầu tư các dự án xây dựng công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã. Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã do Ủy ban nhân dân (sau đây viết tắt là UBND) xã quyết định thành lập. UBND tỉnh và UBND huyện có trách nhiệm hướng dẫn và tăng cường cán bộ chuyên môn giúp các Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã thực hiện nhiệm vụ này.

2. Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm, trực thuộc UBND xã, có tư cách pháp nhân, có tài khoản riêng, sử dụng con dấu của UBND xã để giao dịch. Thành phần gồm: Trưởng ban là Chủ tịch UBND xã (hoặc Phó Chủ tịch UBND xã) làm việc kiêm nhiệm; Kế toán; các thành viên khác gồm một số cán bộ đại diện các ban ngành trong xã, các Trưởng thôn bản, các hộ đại diện cho các cộng đồng dân cư trong xã (do các cộng đồng dân cư đề cử).

Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã được UBND xã, Ban Chỉ đạo Chương trình cấp trên chỉ đạo về mặt chủ trương, đường lối; cơ quan chuyên môn các cấp hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ. Hoạt động của Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã được UBND xã, các cấp quản lý, các cộng đồng tại thôn, ban giám sát theo các phương thức khác nhau.

3. Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã có các nhiệm vụ và quyền hạn chủ yếu sau đây:

a) Tổ chức xây dựng kế hoạch tổng thể và kế hoạch đầu tư hàng năm xây dựng cơ sở hạ tầng đưa xã trở thành xã nông thôn mới, lấy ý kiến các cộng đồng dân cư trong toàn xã và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Tổ chức các cộng đồng tham gia thực hiện, giám sát các hoạt động thực thi các dự án đầu tư xây dựng công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã.

c) Quản lý và triển khai thực hiện các dự án, bao gồm việc thực hiện các bước từ chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, nghiệm thu bàn giao và đưa dự án vào khai thác, sử dụng.

d) Được ký các hợp đồng kinh tế với các đơn vị có tư cách pháp nhân, cộng đồng hoặc cá nhân cung cấp các hàng hóa, xây lắp và dịch vụ để thực hiện các công trình, dự án đầu tư công trình cơ sở hạ tầng.

Trong trường hợp, đối với các công trình có yêu cầu kỹ thuật cao, đòi hỏi có trình độ chuyên môn mà Ban quản lý xã không đủ năng lực và không nhận làm chủ đầu tư thì UBND huyện giao cho một đơn vị có đủ năng lực làm chủ đầu tư và có sự tham gia của UBND xã.    

Điều 4. Công tác lập kế hoạch tổng thể và kế hoạch hàng năm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng xã theo các tiêu chí nông thôn mới.

[...]