Thông tư 163/1998/TT-BTC thực hiện Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với các hoạt động vận tải hàng không và bay dịch vụ do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 163/1998/TT-BTC
Ngày ban hành 17/12/1998
Ngày có hiệu lực 01/01/1999
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Phạm Văn Trọng
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí,Giao thông - Vận tải

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 163/1998/TT-BTC

Hà Nội, ngày 17 tháng 12 năm 1998

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 163/1998/TT-BTC NGÀY 17 THÁNG 12 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN LUẬT THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG (GTGT) ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI HÀNG KHÔNG VÀ BAY DỊCH VỤ

Căn cứ Luật thuế giá trị gia tăng số 02/1997/QH ngày 10/5/1997;
Căn cứ Nghị định số 28/1998/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế giá trị gia tăng;
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 89/1998/TT-BTC ngày 27/6/1998 hướng dẫn thi hành Nghị định số 28/1998/NĐ-CP ngày 11/5/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế giá trị gia tăng;
Để việc thực hiện Luật thuế giá trị gia tăng phù hợp với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh vận tải Hàng không. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc tính thuế, kê khai, nộp thuế GTGT đối với hoạt động này như sau:

I/ ĐỐI TƯỢNG CHỊU THUẾ GTGT, ĐỐI TƯỢNG KHÔNG CHỊU THUẾ VÀ ĐỐI TƯỢNG NỘP THUẾ GTGT

1- Đối tượng chịu thuế GTGT

Đối tượng chịu thuế GTGT là hoạt động vận tải hàng không và bay dịch vụ như sau:

- Hoạt động vận tải hàng không bao gồm:

+ Vận tải hành khách, hành lý

+ Vận tải hàng hóa

+ Hoạt động vận tải hàng không khác

- Bay dịch vụ bao gồm:

+ Bay phục vụ dầu khí

+ Bay thăm dò địa chất

+ Bay chụp bản đồ

+ Bay dịch vụ khác

2- Đối tượng không chịu thuế GTGT:

2.1/ Hoạt động vận tải quốc tế: Vận tải quốc tế là hoạt động vận tải ở nước ngoài và vận tải đối với các hành trình từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại bao gồm vận tải quốc tế liên chặng nội địa. Liên chặng nội địa là hành trình đi ra nước ngoài và từ nước ngoài về có chặng bay trong nội địa và được xuất một vé cho cả hành trình.

Ví dụ 1: ông A lộ trình đi Hà Nội - Singapore, nếu Hãng hàng không xuất 1 vé từ TP. Hà nội - TP. Hồ Chí Minh - Singapore thì chặng TP. Hà nội - TP. Hồ Chí Minh được gọi là vận tải quốc tế liên chặng nội địa, nếu xuất 2 vé: 1 vé TP. Hà nội - TP. Hồ Chí Minh, và 1 vé TP. Hồ Chí Minh - Singapore thì chặng TP. Hà nội - TP. Hồ Chí Minh là chặng bay nội địa.

Ông B có vé máy bay đi từ Pari đến Hà nội: nếu xuất 1 vé từ Pari - TP. Hồ Chí Minh - TP. Hà nội thì chặng TP. Hồ Chí Minh - TP. Hà nội là vận tải quốc tế liên chặng nội địa, nếu xuất 2 vé: 1vé Pari - TP Hồ Chí Minh và 1vé TP Hồ Chí Minh - TP Hà nội thì chặng TP Hồ Chí Minh - TP Hà nội là chặng vận tải nội địa.

2.2/ Hoạt động nhập khẩu động cơ máy bay, vật tư, phụ tùng khí tài máy bay, trang thiết bị đặc chủng phục vụ cho vận tải hàng không loại trong nước chưa sản xuất được.

2.3/ Hoạt động thuê máy bay, thuê động cơ máy bay, thuê phụ tùng khí tài máy bay của nước ngoài.

2.4/ Nhiên liệu bay và đồ uống nhập khẩu để phục vụ cho các chuyến bay quốc tế được hưởng theo chế độ hàng tạm nhập tái xuất.

3- Đối tượng nộp thuế GTGT

Đối tượng nộp thuế GTGT là các Công ty có hoạt động kinh doanh vận tải hàng không và bay dịch vụ, bao gồm:

- Công ty hạch toán kinh tế độc lập

- Tổng công ty hàng không Việt nam

II/ PHƯƠNG PHÁP TÍNH THUẾ GTGT

Các đối tượng nộp thuế được quy định tại điểm 3, Mục I Thông tư này tính thuế GTGT phải nộp theo phương pháp khấu trừ thuế:

[...]