Thông tư 155/1998/TT-BTC bổ sung Thông tư 60-TC/CĐKT-1997 về công tác kế toán, kiểm toán đối với các doanh nghiệp, tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 155/1998/TT-BTC
Ngày ban hành 08/12/1998
Ngày có hiệu lực 23/12/1998
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Văn Tá
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Kế toán - Kiểm toán

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 155/1998/TT-BTC

Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 1998

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 155/1998/TT-BTC NGÀY 08 THÁNG 12 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỂM TẠI THÔNG TƯ 60-TC/CĐKT, NGÀY 01/09/1997 CỦA BỘ TÀI CHÍNH VỀ CÔNG TÁC KẾ TOÁN, KIỂM TOÁN ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP, TỔ CHỨC CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI Ở VIỆT NAM

Để đảm bảo việc tuân thủ điều 37 của luật đầu tư nước ngoài tại việt nam, triển khai thống

 nhất các quy định tại Thông tư số 60 TC/CĐKT ngày 01/09/1997 của Bộ Tài chính và giải quyết những vướng mắc cho các doanh nghiệp, tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong việc đăng ký và áp dụng chế độ kế toán, Bộ Tài chính hướng dẫn bổ sung một số điểm sau đây:

1- Các doanh nghiệp, tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài (sau đây gọi tắt là các doanh nghiệp, tổ chức) phải thực hiện công tác kế toán, kiểm toán theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, các quy định tại Thông tư số 60 TC/CĐKT của Bộ Tài chính và hướng dẫn bổ sung tại Thông tư này.

2- Về hệ thống chế độ kế toán áp dụng:

2.1- Các doanh nghiệp, tổ chức phải áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam ban hành theo Quyết định số 1141 TC/QĐ/CĐKT ngày 01/11/1995 và các Thông tư sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1141 TC/QĐ/CĐKT của Bộ Tài chính.

Riêng các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện theo chế độ kế toán áp dụng cho các doanh nghiệp bảo hiểm hiện hành (Quyết định số 1296 TC/QĐ/CĐKT ngày 31/12/1996 của Bộ Tài chính).

2.2- Bộ Tài chính sẽ xem xét để các doanh nghiệp, tổ chức mới thành lập, hoặc các doanh nghiệp, tổ chức đang hoạt động tiếp tục áp dụng chế độ kế toán thông dụng khác trong các trường hợp sau:

Doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mới hình thành ở Việt Nam, hoặc thuộc lĩnh vực kinh doanh chưa có quy định, hướng dẫn về kế toán, hoặc thuộc lĩnh vực hoạt động đang trong quá trình xây dựng chế độ kế toán, như: Ngân hàng, chứng khoán, thuê mua tài chính, quản lý dự án,...

2.3 - Doanh nghiệp, tổ chức được lùi thời điểm chuyển đổi áp dụng chế độ kế toán Việt Nam:

Những doanh nghiệp, tổ chức chưa kịp chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc chuyển đổi (như chưa có sự hiểu biết cần thiết về chế độ kế toán Việt Nam, chưa kịp huấn luyện nhân viên kế toán, chưa sửa đổi được phần mềm vi tính), sẽ được Bộ Tài chính xem xét cho lùi thời điểm chuyển đổi sang áp dụng chế độ kế toán Việt Nam với thời hạn tối đa là đến hết ngày 31/12/2000.

2.4 - Doanh nghiệp, tổ chức được miễn chuyển đổi sang áp dụng Hệ thống chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam:

- Nếu chỉ còn tối đa 3 năm hoạt động ở Việt Nam tính từ ngày 01/01/1999 do hết thời hạn hoạt động của Giấy phép đầu tư, hoặc của Giấy phép đặt chi nhánh tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam;

- Nếu chấm dứt hoạt động (do giải thể, phá sản,...) trong thời gian tối đa 6 tháng tính từ ngày 01/1/1999.

3 - Về thực hiện công tác kế toán:

3.1 - Chứng từ kế toán:

Chứng từ kế toán làm căn cứ ghi sổ kế toán phải là bản gốc, có đầy đủ các yếu tố theo qui định. Bản photocopy hoặc fax không có giá trị pháp lý để ghi sổ kế toán.

Những chứng từ kế toán phát sinh thường xuyên từ bên ngoài Việt Nam của các bên góp vốn phải được đăng ký mẫu trước trong hồ sơ đăng ký chế độ kế toán và phải dịch ra tiếng Việt Nam tên gọi chứng từ và những nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh.

3.2- Đăng ký sử dụng sổ kế toán với cơ quan thuế địa phương:

a) Đối với doanh nghiệp, tổ chức không thực hiện công tác kế toán bằng máy vi tính phải đăng ký một quyển Sổ cái.

b) Đối với doanh nghiệp, tổ chức thực hiện công tác kế toán bằng máy vi tính phải đăng ký một quyển Sổ cái dùng để ghi sổ bằng tay số liệu tổng hợp của các tài khoản kế toán.

Việc ghi số liệu bằng tay trên Sổ cái đã được đăng ký với cơ quan thuế địa phương được tiến hành theo quý và năm phù hợp với kỳ lập báo cáo tài chính. Số dư đầu năm ghi trên Sổ Cái là số dư cuối năm của năm tài chính trước chuyển sang. Hàng quý ghi số phát sinh của mỗi tài khoản theo số tổng cộng số phát sinh của quý. Số dư cuối quý, cuối năm được xác định theo nguyên tắc tính số dư của từng tài khoản.

c) Cơ quan Thuế địa phương xác nhận về số trang sổ, đóng dấu giáp lai các trang sổ trước khi doanh nghiệp, tổ chức sử dụng.

3.3- Nơi nộp báo cáo tài chính:

Báo cáo tài chính của doanh nghiệp, tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài được nộp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính; Cục Thuế, Cục Thống kê địa phương (nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính); Ban quản lý Khu chế xuất, Khu công nghiệp, Khu công nghệ cao cấp tỉnh (đối với doanh nghiệp hoạt động trong Khu chế xuất, Khu công nghiệp, Khu công nghệ cao) và bên có vốn góp liên doanh.

4- Về đơn vị tiền tệ sử dụng trong ghi chép kế toán:

Đơn vị tiền tệ sử dụng trong ghi chép kế toán là Đồng Việt Nam. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể sử dụng đơn vị tiền tệ nước ngoài (loại đơn vị tiền tệ có khả năng chuyển đổi) để ghi sổ kế toán và lập báo cáo kế toán nhưng phải đăng ký trong chế độ kế toán xin áp dụng và phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện.

[...]