BỘ
LAO ĐỘNG
******
|
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
15-LĐ-TT
|
Hà
Nội, ngày 15 tháng 08 năm 1962
|
THÔNG TƯ
GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH THÔNG TƯ SỐ 60-TTG NGÀY
01-6-1962 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ, QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ HỌC NGHỀ, ĐÀO TẠO CÔNG NHÂN
KỸ THUẬT
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
Kính gửi:
Đồng kính gửi:
|
- Các Bộ, các cơ
quan trung ương,
-
Các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh,
-
Các sở, ty, phòng lao động,
-
Tổng công đoàn Việt Nam
-
Đoàn thanh niên lao động Việt Nam
|
Ngày 01-6-1962, Thủ tướng Chính
phủ đã ban hành Thông tư số 60-TTg, quy định chế độ học nghề.
Bộ Lao động ra thông tư này nhằm
giải thích và hướng dẫn thêm một số điểm cụ thể để các Bộ, các ngành, các cấp
thi hành được thống nhất.
I. TIÊU CHUẨN VÀ THỂ LỆ TUYỂN
CHỌN.
1. Tuổi. Những công nhân
viên chức đang làm việc trong cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm
trường Nhà nước (dưới đây gọi tắt là cơ quan, xí nghiệp) được giới thiệu đi học
nghề (bao gồm cả những người đã được tuyển dụng chính thức và những người chưa
được tuyển dụng chính thức nhưng làm việc thường xuyên và bộ đội tình nguyện
chuyển ngành), nếu học những nghề nặng nhọc, tuổi tối đa không quá 30 tuổi. Những
nghề nặng nhọc là những nghề đã được quy định ở tiết A và B mục II trong thông
tư Liên Bộ Nội vụ- Lao động – Y tế số 08 ra ngày 24-3-1962 “quy định những nghề
được coi là đặc biệt nặng nhọc có hại đến sức khỏe”. Ngoài những nghề trên có
những nghề khác cần phải xếp vào loại nghề nặng nhọc, các Bộ, các ngành sẽ bàn
cụ thể với Bộ Lao động khi lập kế hoạch tuyển sinh.
2. Trình độ văn hoá. Trình
độ văn hoá quy định trong Thông tư số 60-TTg là trình độ cần thiết nhằm phục vụ
cho việc học tập kỹ thuật được tốt. Đối với những người đang làm việc thường
xuyên ở các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước được giới thiệu đi học nghề mà chưa đạt
được trình độ văn hoá đã quy định trong thông tư, thì các đơn vị sử dụng cần có
kế hoạch bồi dưỡng để có đủ trình độ trước khi chuyển sang học nghề.
Đồng bào các dân tộc thiểu số được
chiếu cố thấp hơn yêu cầu một lớp. Những nghề phải yêu cầu trình độ văn hóa cao
hơn quy định trong thông tư, các cơ quan tuyển sinh cần nêu rõ yêu cầu, mục
đích của ngành, nghề cần đào tạo và có sự thống nhất với cơ quan Lao động cùng
cấp trước khi tuyển sinh, nhưng nguyên tắc không được cao hơn quá một lớp theo
tiêu chuẩn quy định trong thông tư. Cụ thể: Trường chính quy, tối đa không quá
lớp 6, trường lớp bên cạnh xí nghiệp hay kèm cặp trong sản xuất, tối đa không
quá lớp 5.
Để đảm bảo trình độ văn hóa, những
người xin học nghề phải có giấy chứng nhận học lực; giấy chứng nhận học lực phải
kèm theo bản sao học bạ của các cơ quan giáo dục khu phố, huyện, châu hoặc các
hiệu trưởng hay hiệu phó các trường phổ thông và bổ túc văn hóa cấp. Nếu không
có bản sao lục học bạ kèm theo thì phải qua kỳ thi kiểm tra văn hóa để tuyển chọn.
3. Thể lệ tuyển chọn:
a) Các Bộ, các ngành trước khi mở
trường, lớp phải lập kế hoạch tuyển sinh và trao đổi với Bộ Lao động (nếu trường,
lớp do địa phương mở thì trao đổi với cơ quan Lao động địa phương) để thống nhất
tiêu chuẩn và đối tượng tuyển sinh. Kế hoạch tuyển sinh phải gửi tới Bộ Lao động
trước ngày tuyển sinh một tháng để tổng hợp và làm kế hoạch phân phối (theo Chỉ
thị 149-TTg ngày 17-4-1961 của Thủ tướng Chính phủ).
Biểu mẫu lập kế hoạch tuyển sinh
thi hành theo thông tư số 15 ngày 10-08-1961 của Bộ Lao động hướng dẫn thi hành
chỉ thị số 440-TTg và chỉ thị số 140-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
b) Người xin học nghề phải làm
giấy cam đoan. Nội dung giấy cam đoan theo mẫu thống nhất kèm theo thông tư này[1].
Những lời cam đoan phải tự tay người xin học nghề viết và có sự bảo đảm của gia
đình, cụ thể là của cha mẹ hay người trực tiếp nuôi dưỡng ký nhận đảm bảo. Thời
gian cam đoan phục vụ cho cơ quan, công trường Nhà nước sau khi tốt nghiệp ít
nhất là 5 năm kể từ ngày tốt nghiệp,
c) Người xin học nghề phải tự
túc tiền tàu, xe và ăn đường để đến địa điểm tuyển chọn (kiểm tra văn hoá, sức
khỏe) và đến nơi học tập (trừ những người đang làm việc thường xuyên ở các cơ
quan, xí nghiệp được giới thiệu, được giới thiệu đi học thì được hưởng theo chế
độ công tác phí của Nhà nước, do cơ quan giới thiệu đi học đài thọ). Trường hợp
người xin học nghề đã đến địa điểm tuyển chọn và tập trung học tập, nhưng nhà
trường hoãn việc tuyển chọn, hoặc khai giảng, người xin học nghề phải trở về,
thì cơ quan tuyển sinh phải đài thọ tiền tầu xe và tiền ăn đường cả lần đi và lần
về, nếu phải chờ đợi thì cơ quan tuyển sinh phải đài thọ tiền ăn và nghỉ trọ
trong những ngày phải chờ đợi.
Để đỡ tốn kém trong khi tuyển
sinh, các cơ quan tuyển dụng nên dựa vào các Hội đồng tuyển sinh của các địa
phương để thẩm tra lý lịch, khám sức khỏe và kiểm tra trình độ văn hoá tại chỗ.
Các trạm tuyển sinh nên đặt ở những nơi thuận tiện giao thông và có nhiều người
nộp đơn xin học, để tránh lãng phí thời gian, đỡ tốn kém cho người xin học nghề.
Những người xin học nghề là con
em liệt sĩ, tử sĩ, đồng bào thuộc dân tộc thiểu số, học sinh và đồng bào miền
Nam, nếu được chính quyền địa phương (xã, khu phố) chứng nhận và đề nghị trợ cấp,
sẽ được cấp tiền tầu, xe và ăn đường từ nhà đến địa điểm tuyển chọn và tập
trung học tập. Tiền này tính vào kinh phí đào tạo.
II. CHẾ ĐỘ HỌC TẬP
Thời gian đào tạo và tỷ lệ thời
gian học giữa lý thuyết và học thực hành, thi hành theo những điều quy định của
Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước đã được Hội đồng Chính phủ thông qua, như sau:
Trường chính quy: thời
gian đào tạo, hai năm (không tính thời gian tập sự), lý thuyết từ 25 đến 30%
trong tổng số thời gian học tập.
Trường lớp bên cạnh xí nghiệp:
Thời gian đào tạo 18 tháng. Lý thuyết từ 20 đến 25% trong tổng số thời gian
học tập.
Trường lớp kèm cặp trong sản
xuất: Thời gian đào tạo từ sáu tháng đến 16 tháng (riêng các lớp cơ điện,
18 tháng), lý thuyết từ 15 đến 20% trong tổng số thời gian học tập.
Thời gian trên quy định chung
cho các hình thức sẽ đào tạo. Thời gian cụ thể cho từng loại ngành nghề sẽ căn
cứ vào nội dung chương trình của Hội đồng thẩm duyệt đã thông qua. Những chương
trình nội dung chưa được Hội đồng thẩm quyền thông qua, các Bộ, các ngành, các
trường lớp, đào tạo công nhân phải gửi đến Bộ Lao động góp ý kiến để đảm bảo chất
lượng đào tạo và giữ được quan hệ tốt giữa các ngàng nghề.
III. QUYỀN LỢI VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI HỌC NGHỀ
A. Sinh hoạt phí học nghề.
1. Điều kiện hưởng sinh hoạt phí
21đ 00 một tháng trong thời gian tập trung học lý thuyết như quy định trong
Thông tư số 60-TTg, là thời gian tập trung học lý thuyết từ một tháng trở lên.
Học xong lý thuyết, có kiểm tra sát hạch, chứng nhận tốt nghiệp phần lý thuyết
xong mời xuống cơ sở học thực hành cho đến khi mãn khóa thi tốt nghiệp.
Trường hợp học lý thuyết xen kẽ
với học thực hành, hoặc học tập trung dưới một tháng, thì không áp dụng quy định
này, mà áp dụng theo chế độ kèm cặp trong sản xuất như quy định ở tiết B mục
III trong Thông tư số 60-TTg.
2. Để định mức sinh hoạt phí cho
các nghề, các Bộ, các ngành, các địa phương căn cứ vào những tiêu chuẩn của một
số nghề đã được quy định trong thông tư để quy định cụ thể cho từng loại nghề
thuộc ngành hoặc địa phương mình. Trong việc quy định cần phân biệt nghề nặng,
nhẹ, nghề nào không cần phải đào tạo, chỉ cần hướng dẫn thời gian ngắn có thể
làm được. Để đảm bảo sự thống nhất về mức sinh hoạt phí giữa các ngành, các cấp
có tổ chức đào tạo công nhân kỹ thuật, các Bộ, các ngành, các Uỷ ban hành chính
địa phương phải trao đổi thống nhất với Bộ Lao động trước khi quy định mức sinh
hoạt phí cho học sinh thuộc Bộ, ngành hoặc địa phương mình.
3. Điều một, hai và ba tiết C mục
III trong Thông tư số 60-TTg quy định mức sinh hoạt phí cho những công nhân
viên chức đang làm việc thường xuyên ở các cơ quan, xí nghiệp và bộ đội tình
nguyện chuyển sang học nghề, thông tư này giải thích và hướng dẫn thêm như sau:
a) Công nhân viên chức đã được
tuyển dụng chính thức được giới thiệu đi học nghề, được hưởng mức sinh hoạt phí
quy định trong Thông tư số 60-TTg suốt trong thời gian học tập. Trong thời gian
này nếu có chủ trương tăng lương của Chính phủ, người đi học nghề không được hưởng
theo lương mới. Khi tốt nghiệp, được hưởng lương theo cấp bậc được xếp không được
bảo lưu như quy định ở điều bảy trong thông tư Liên Bộ Nội vụ - Lao động số 21
ngày 02-8-1960 quy định những trường hợp bảo lưu.
b) Bộ đội tình nguyện chuyển
ngành là những quân nhân còn tại ngũ được chuyển sang học nghề. Bộ đội đã
phục viên hay nghĩa vụ không thuộc đối tượng áp dụng của điều 2 tiết C mục III
trong Thông tư số 60-TTg.
Bộ đội tình nguyện khi chuyển
ngành được giới thiệu đi học nghề, áp dụng theo những điều một, hai, ba, bốn và
năm mục V quy định trong thông tư Liên Bộ Nội vụ - Lao động số ba ngày
25-1-1961. Cụ thể như sau:
Trong chín tháng đầu (kể từ ngày
chuyển ngành), được hưởng lương chính và phụ cấp khu vực nếu có (nếu là sĩ
quan), hoặc 100% sinh hoạt phí kể cả phụ cấp thâm niên (nếu là hạ sĩ quan hay
binh sĩ). Từ tháng thứ 10 đến hết hai năm, được hưởng 95% mức quy định trên.
Sau hai năm nếu vẫn tiếp tục học nghề (kể từ ngày chuyển ngành) sẽ hưởng 90% mức
quy định trong thời gian chín tháng đầu.
Khi tốt nghiệp, trường hợp chưa
hết thời gian hai năm (kể từ ngày chuyển ngành) nếu lương mới cao hơn thì hưởng
theo lương mới, nếu thấp hơn 95% thì tiếp tục hưởng 95% mức quy định kể trên,
sau hai năm sẽ xếp theo lương mới. Trường hợp tốt nghiệp sau thời gian hai năm
(kể từ ngày chuyển ngành), thì hưởng lương theo cấp bậc được xếp, không có chế
độ bảo lưu.
c) Tất cả những công nhân viên
chức đang làm việc thường xuyên ở các cơ quan, xí nghiệp được giới thiệu đi học
nghề (bao gồm cả những người đã được tuyển dụng chính thức và những người chưa
được tuyển dụng chính thức nhưng làm việc thường xuyên) và bộ đội tình nguyện
chuyển ngành không phân biệt hình thức chính quy hay kèm cặp, không phân biệt
thời gian học lý thuyết hay thực hành, đều được áp dụng những điều một, hai và
bốn quy định ở tiết C mục III trong Thông tư 60-TTg.
d) Những công nhân viên chức
đang làm việc thường xuyên ở các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước từ một năm trở lên
mà chưa được tuyển dụng chính thức, nếu học những nghề mà mức sinh hoạt phí cao
hơn mức quy định ở điều bốn, tiết C mục III trong Thông tư số 60-TTg thì được
hưởng mức sinh hoạt phí của nghề đó.
4. Trợ cấp cho đồng bào, học
sinh miền Nam trong thời gian học nghề như quy định ở điều ba tiết C mục III
trong Thông tư số 60-TTg là nhằm chiếu cố đến hoàn cảnh thực tế của những người
mà thu nhập bình quân của gia đình thấp để may sắm quần áo, chăn màn trong thời
gian học tập. Tiền trợ cấp thêm mỗi tháng 5đ được hưởng suốt trong thời gian học
tập. Trong thời kỳ tập sự (hưởng 85% lương của bậc yêu cầu đào tạo) không được
hưởng khoản trợ cấp này.
Cách tính thu nhập của những
người trong gia đình:
Những người được tính nhân khẩu
trong gia đình gồm bố, mẹ, vợ hoặc chồng con và những người gia đình trực tiếp
nuôi. Những người do gia đình thuê mướn để giúp việc, những người đã thoát ly
gia đình đi công tác, sản xuất không được tính nhân khẩu.
Ví dụ: gia đình ông X, có tất cả
tám người: hai vợ chồng, bốn con và một cháu phải trực tiếp nuôi và một người
giúp việc trong gia đình.
- Lương ông X tính cả phụ cấp
khu vực, trợ cấp con mỗi tháng
: 70đ56
- Lương bà X tính cả phụ cấp khu
vực mỗi tháng
: 42,00
- Sinh hoạt phí của người con đi
học cơ
khí :
24,00
Theo cách tính thu nhập bình
quân đầu người hàng tháng của gia đình ông X là: 136đ : 7 = 19đ50. Như vậy mức
thu nhập bình quân dưới 26đ00 một tháng, người con học nghề trong gia đình ông
X được hưởng trợ cấp mỗi tháng 5đ, theo quy định ở điều ba tiết C mục III trong
Thông tư số 60-TTg.
B. Các quyền lợi khác.
1. Ngày nghỉ: tất cả học
sinh ở các trường, lớp đào tạo công nhân đều được nghỉ các ngày lễ, ngày chủ nhật
và nghỉ hàng năm theo quy định chung của Nhà nước.
Học sinh các trường chính quy,
hàng năm được nghỉ theo chế độ nghỉ hè của trường ấy do cơ quan quản lý trường
quy định, nhưng thời gian nghỉ hè nhiều nhất không quá 15 ngày.
Đối với các trường, lớp cạnh xí
nghiệp và kèm cặp trong sản xuất, chế độ nghỉ hàng năm thi hành theo Thông tư số
14 ngày 09-6-1960 của Liên Bộ Lao động - Nội vụ ban hành.
Những ngày nghỉ hàng năm, học
sinh được hưởng sinh hoạt phí và tiền tầu, xe tới nơi nghỉ (kể cả lượt đi và về).
Để đảm bảo chương trình, kế hoạch
học tập được liên tục, trong việc bố trí cho học sinh nghỉ hàng năm, các trường,
lớp cần lưu ý mấy điểm như sau:
- Ngày nghỉ hàng năm của học
sinh các lớp mà thời gian đào tạo từ một năm đến một năm rưỡi thì nên bố trí
nghỉ sau thời gian đã học xong phần lý thuyết và thực tập cơ bản, hoặc trong thời
gian nghỉ học kỳ hay sau khi mãn khóa.
- Các trường, lớp mà thời gian
đào tạo từ hai năm trở lên thì nên sắp xếp nghỉ hàng năm cho học sinh sau mỗi
năm học.
- Những công nhân viên chức đang
làm việc thường xuyên ở các cơ quan, xí nghiệp và bộ đội chuyển ngành được giới
thiệu đi học, cần tranh thủ nghỉ hàng năm trước khi khai giảng lớp học.
2. Học sinh học nghề tại
các trường chính quy, các trường cạnh xí nghiệp hay kèm cặp trong sản xuất,
trong thời gian học tập đều không áp dụng chế độ lương trả theo sản phẩm, các
chế độ khoán, thường như: thưởng tăng năng suất, thưởng tiết kiệm v.v… Làm thêm
giờ và chế độ phụ cấp thêm giờ, nói chung không áp dụng đối với học sinh học
nghề. Trường hợp đặc biệt, cần động viên học sinh làm thêm giờ trong một thời
gian nhất định, phải có sự đồng ý của Ban lãnh đạo các trường, lớp trước khi thực
hiện và phải làm theo nghề của người học sinh học. Giờ làm thêm không nên quá
ba tiếng trong một ngày. Những buổi làm thêm học sinh được hưởng một khoản tiền
bồi dưỡng từ 0đ30 đến 0đ50 tuỳ theo tính chất công việc của từng nghề. Tiền bồi
dưỡng do quỹ công trường hay xí nghiệp yêu cầu học sinh làm thêm giờ đài thọ và
nên tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật tại chỗ.
Các cơ quan, xí nghiệp do điều
kiện sản xuất và học tập có những yêu cầu đặc biệt như ngành thuỷ sản, giao
thông đường thủy, v.v …không áp dụng chế độ bồi dưỡng làm thêm giờ như khi quy định
trong thông tư này mà áp dụng theo chế độ đã quy định riêng cho ngành nghề ấy.
Ví dụ: phụ cấp cho công nhân viên, học sinh các tàu đi biển, đi sông và thuyền
đánh cá, áp dụng theo những điều quy định trong Thông tư số 07 ngày 23-02-1961
của Bộ Lao động ban hành…
3. Chế độ ốm đau, tai nạn.
a) Đồng bào và học sinh miền
Nam, trong thời gian học nghề nếu bị ốm đau tai nạn, sẽ thi hành theo Chỉ thị số
1000/TTg ngày 09-8-1956 của Thủ tướng Chính phủ, ở điều a, b tiết hai mục một;
nếu phải đưa đi điều trị tại bệnh viện thì thi hành theo điểm b, điều bốn mục
II trong chỉ thị trên.
b) Những công nhân viên chức
đang làm việc thường xuyên ở các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước, chưa được tuyển
chính thức mà được giới thiệu đi học thì khi bị ốm đau, tai nạn, nếu không thuộc
đối tượng thi hành bản điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội như quy định
trong Thông tư số 01 ngày 23-01-1962 của Liên bộ Nội vụ - Lao động ban hành,
không được áp dụng điểm đ điều bốn tiết D mục III trong Thông tư số 60-TTg mà
áp dụng theo chế độ quy định cho những người mới tuyển vào học nghề như đã ghi ở
điểm b, c và d điều bốn tiết D trong Thông tư số 60-TTg.
c) Trong thời gian học tập học
sinh học nghề không thuộc đối tượng thì hành bản điều lệ tạm thời về các chế độ
bảo hiểm xã hội, nếu bị chết vì tai nạn lao động hay vì ốm đau thì được trợ cấp
phí tổn chôn cất theo những điều quy định trong Thông tư số 16 của Liên Bộ Nội
vụ - Lao động ban hành ngày 05-8-1959.
d) Trợ cấp sinh đẻ: Những
học sinh không thuộc đối tượng thi hành điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm
xã hội, trong thời gian học tập nếu có thai, nói chung, là cho thôi học. Nhưng
tuỳ hoàn cảnh cụ thể của các trường, lớp nếu đã học được 2/3 chương trình và chị
em còn đủ điều kiện sức khỏe để tiếp tục học tập thì nên sắp xếp cho chị em được
tiếp tục học, nếu không, sẽ cho thôi học. Khi cho thôi học, được nhà trường
giúp đỡ tiền tàu xe, ăn đường về đến địa phương nơi người học sinh ở.
Những chị em có thai và sinh đẻ
trong thời kỳ tập sự (hưởng 85% lương bậc yêu cầu đào tạo), được áp dụng chế độ
sinh đẻ như quy định trong điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội.
C. Tuyển dụng và sắp xếp học
sinh khi tốt nghiệp.
1. Những học sinh học nghề trong
các trường chính quy, trường cạnh xí nghiệp và các lớp kèm cặp trong sản xuất,
sau khi học xong đều phải qua kỳ thi tốt nghiệp và được hội đồng giám khảo kỳ
thi ấy chứng nhận.
Thành phần và quyền hạn nhiệm vụ
của Hội đồng giám khảo quy định như sau:
a) Thành phần:
- Giám đốc hay Phó giám đốc, hiệu
trưởng hoặc hiệu phó trường là Chủ tịch.
- Trưởng phòng tổ chức giáo dục…
là Phó chủ tịch.
- Quản đốc phân xưởng có học
sinh thực tập là uỷ viên.
- Trưởng hoặc Phó phòng kỹ thuật
là uỷ viên.
- Một đại biểu giáo viên lý thuyết
và một đại biểu giáo viên thực hành là uỷ viên.
Ở các trường lớp có nhiều học
sinh, có thể mời một đại biểu cơ quan Lao động địa phương tham gia Hội đồng.
Thư ký Hội đồng do Phòng giáo dục
đảm nhiệm, các trường, lớp sẽ tuỳ theo tình hình cụ thể của từng nơi mà vận động
cho thích hợp.
b) Nhiệm vụ và quyền hạn và lề,
lối làm việc của Hội đồng:
- Xét duyệt các đề thi và các
đáp án của đề thi. Các đề thi phải căn cứ vào mục đích, yêu cầu, chương trình kế
hoạch giảng dạy của các trường lớp và phải đảm bảo bí mật, riêng đề thi thực
hành có thể cho học sinh biết trước để chuẩn bị dụng cụ và nguyên vật liệu.
- Thông qua các thể lệ và nội
quy thi, giám sát học sinh trong khi thi. Thi hành kỷ luật những thí sinh vi phạm
thể lệ, nội quy thi. Hình thức kỷ luật sẽ tuỳ lỗi nặng nhẹ để phê bình cảnh
cáo, trừ điểm, nếu phạm lỗi nặng có thể đình chỉ không cho thi. Xét và giải quyết
những đơn khiếu nại của thí sinh. Tuyên bố kết quả thi. Chứng nhận trình độ tốt
nghiệp của thí sinh.
- Khi chấm thi cần chia tổ theo
từng môn để chấm, các tổ căn cứ vào đáp án đã đựơc Hội đồng xét duyệt để cho điểm.
Nhưng trường hợp tổ chưa thống nhất, sẽ đưa ra Hội đồng xét duyệt.
- Hội đồng giám khảo chỉ có hiệu
lực từ khi bắt đầu thi cho đến khi thi xong. Sau khi thi xong, Hội đồng lập
biên bản, báo cáo kết quả gửi về Bộ, hoặc ngành chủ quản, đồng thời gửi cơ quan
Lao động địa phương một bản để theo dõi.
2. Thời kỳ tập sự: sau
khi tốt nghiệp, những học sinh học nghề tại các trường lớp chính quy phải qua
ba tháng tập sự. Sau ba tháng tập sự nếu đủ điều kiện sẽ được tuyển dụng chính
thức và xếp lương. Nếu các cơ quan sử dụng để quá thời gian quy định trên mới sắp
xếp lương chính thức thì khi sắp xếp được truy lĩnh bắt đầu từ ngày hết thời
gian tập sự.
3. Vấn đề xếp lương:
a) Học sinh học nghề, sau khi tốt
nghiệp được sắp xếp công việc và xếp lương theo yêu cầu đào tạo. Ví dụ: yêu cầu
đào tạo bậc một, thì khi tốt nghiệp được sắp xếp công việc bậc một, và xếp
lương bậc một, yêu cầu đào tạo bậc hai thì khi tốt nghiệp được sắp xếp công việc
bậc hai và xếp lương bậc hai v.v…
b) Trường hợp học sinh đã tốt
nghiệp mà chưa có điều kiện bố trí công việc theo bậc yêu cầu đào tạo hoặc theo
nghề đã học, thì cơ quan sử dụng tạm thời bố trí công việc khác và trả lương
theo công việc đã giao theo như quy định trong Thông tư số chín ngày 07-04-1962
của Liên Bộ Nội vụ- Lao động đã ban hành, đồng thời cơ quan sử dụng phải báo
cáo với Bộ hoặc ngành chủ quản và Bộ Lao động để điều chỉnh sử dụng đúng ngành,
nghề và cấp bậc đã đào tạo.
c) Trường hợp học sinh không tốt
nghiệp (sau khi đã kéo dài thêm một thời gian học tập), lương sẽ xếp như sau:
Những học sinh không phải là
công nhân viên chức được tuyển đi học nếu không tốt nghiệp sẽ xếp thấp hơn bậc
yêu cầu đào tạo một bậc; nếu bậc yêu cầu đào tạo là bậc một thì hưởng 75% lương
bậc một. Trường hợp chưa có điều kiện bố trí công việc theo đúng bậc yêu cầu
đào tạo hoặc không đúng nghề đã học thì được xếp lương theo khả năng hoàn thành
công việc được giao (như trường hợp của học sinh đã tốt nghiệp nói tại điểm b ở
trên).
- Những công nhân viên chức đang
làm việc thường xuyên trong các cơ quan, xí nghiệp được giới thiệu đi học và bộ
đội tình nguyện chuyển ngành đã quá hai năm (kể từ ngày chuyển ngành) nếu không
tốt nghiệp sẽ hưởng 85% lương của bậc yêu cầu đào tạo, hoặc 85% lương của công
việc được giao làm tạm trong khi chưa có điều kiện bố trí công việc theo nghề
đã học.
Sau thời gian sáu tháng cơ quan
sử dụng sẽ dựa vào yêu cầu đào tạo và tiêu chuẩn kỹ thuật của cấp bậc lương của
công việc đang làm, tổ chức cho những học sinh không tốt nghiệp nói trên sát hạch
lại, nếu đạt yêu cầu sẽ được sắp xếp lương theo bậc yêu cầu đào tạo.
d) Trường hợp học sinh học chưa
hết chương trình, nhưng do yêu cầu sản xuất phải phân phối để phục vụ sản xuất
như quy định ở điều hai tiết Đ mục III trong Thông tư số 60-TTg thì chỉ nên điều
động khi học sinh đã học xong phần lý thuyết (có kiểm tra sát hạch) và chương
trình thực tập cơ bản trong phần thực hành. Trong thời gian này, người học nghề
được hưởng lương thấp hơn bậc yêu cầu đào tạo một bậc, nếu yêu cầu đào tạo bậc
một thì hưởng 85% lương bậc một cho đến khi hết thời gian đào tạo và sau khi hết
thời gian đào tạo được sắp xếp bậc chính thức. Trước khi sắp xếp bậc chính thức
các cơ quan sử dụng phải dựa vào yêu cầu đào tạo và tiêu chuẩn kỹ thuật cấp bậc
lương của công việc đang làm tổ chức sát hạch phần thực hành, nếu học sinh đạt
trình độ bậc nào thì xếp theo bậc ấy, nhưng không được xếp cao hơn bậc yêu cầu
đào tạo.
4. Nhiệm vụ người học nghề: Trong
quá trình đào tạo nghề nghiệp cho học sinh cần đặc biệt chú ý việc giáo dục lập
trường, tư tưởng của giai cấp công nhân nhằm đảm bảo yêu cầu đào tạo một lực lượng
công nhân mới, có giác ngộ về tư tưởng, có khả năng nghề nghiệp và sức khoẻ.
Những học sinh vi phạm nội quy,
kỷ luật nhà trường thì Hội đồng kỷ luật của các trường hoặc xí nghiệp sẽ tuỳ
trường hợp phạm lỗi để xử lý theo những hình thức kỷ luật đã nêu trong Thông tư
số 60-TTg. Việc bồi dưỡng học phí có thể một phần hay toàn phần kể từ ngày tuyển
sinh đến ngày bị sa thải. Mức tính bồi dưỡng căn cứ vào thực chi để đào tạo người
học sinh.
Học sinh bị sa thải, nhà trường
phải báo có Uỷ ban hành chính và cơ quan Lao động địa phương nơi người học sinh
ở biết để theo dõi giúp đỡ, đồng thời thu hồi lại tất cả những giấy tờ chứng nhận
về nghề nghiệp đã cấp cho học sinh đó. Những cơ quan muốn tuyển dụng người bị
sa thải, phải được sự đồng ý của Uỷ ban hành chính tỉnh và cơ quan Lao động địa
phương, nếu không sẽ thi hành theo điều tám trong bản điều lệ tạm thời về tuyển
dụng và sử dụng nhân công kèm theo Nghị định số 36-CP của Hội đồng Chính phủ
ban hành ngày 09-9-1960.
5. Các trường, lớp đào tạo
công nhân và các cơ quan chủ quan có nhiệm vụ đảm bảo chất lượng và thời gian
đào tạo, đảm bảo quyền lợi cho người học nghề, cơ quan sử dụng người học nghề
khi ra trường, có nhiệm vụ sử dụng đúng ngành, đúng nghề đã đào tạo để tránh
lãng phí và giúp cho học sinh có điều kiện tích luỹ kinh nghiệm, phát triển khả
năng, trình độ nghề nghiệp của mình.
Phạm vi áp dụng:
Những ngành, nghề giản đơn, chỉ
cần hướng dẫn một thời gian ngắn và những lớp kèm cặp trong sản xuất, không có
chương trình nội dung kế hoạch giảng dạy, không áp dụng chế độ học nghề. Trường
hợp này sẽ tuyển lao động phụ việc, trả lương lao động phổ thông hoặc lương tối
thiểu. Sau thời gian phụ việc, xí nghiệp công trường xét người công nhân có đủ
khả năng làm việc độc lập, sẽ xếp theo lương chuyên nghiệp của nghề đó.
Những văn bản trước đây như:
Thông tư số 29 ngày 20-11-1958, Thông tư số 20 ngày 03-11-1959 do Bộ Lao động
ban hành, quy định chế độ học nghề, đều bãi bỏ.
Khi áp dụng Thông tư số 60-TTg
các Bộ, các ngành, các địa phương cần lưu ý mấy điểm như sau:
Những trường, lớp bắt đầu khai
giảng từ ngày 01-6-1962 về sau đây, áp dụng điều quy định trong Thông tư số
60-TTg.
Những trường lớp đã khai giảng
trước ngày ban hành Thông tư số 60-TTg thì về mức sinh hoạt phí nếu nghề nào mức
sinh hoạt phí thấp hơn mức quy định trong Thông tư số 60-TTg được điều chỉnh
lên bằng mức quy định, nếu cao hơn quy định trong Thông tư số 60-TTg được để
nguyên như cũ.
Các quyền lợi khác như ốm đau, bảo
hộ lao động, thời gian tập sự, sắp xếp tuyển dụng, kỷ luật v.v…đều áp dụng đúng
tinh thần Thông tư số 60-TTg.
Tất cả mọi trường hợp đã giải
quyết đều không áp dụng chế độ truy lĩnh cũng như truy hoàn.
Việc thi hành thông tư này chậm
lắm là hết tháng 8-1962. Cơ quan nào để chậm quá thời gian quy định trên, khi
thực hiện, học sinh được truy lĩnh kể từ ngày 01-9-1962.
Trong khi thi hành Thông tư số
60-TTg và thông tư này nếu có mắc mứu khó khăn, đề nghị các Bộ, các ngành và
các địa phương phản ánh kịp thời cho Bộ Lao động để nghiên cứu giải quyết.
[1]Chú thích: Mẫu
giấy cam đoan không đăng vào Công báo.
|
K.T BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Đăng
|