Thông tư 14-BYT-TT-1965 quy định chỉ tiêu xây dựng tổ, đội, phân xưởng và đơn vị, xí nghiệp, công nông lâm trường, cơ quan tiên tiến về vệ sinh phòng bệnh do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 14-BYT-TT
Ngày ban hành 25/03/1965
Ngày có hiệu lực 25/03/1965
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Phạm Ngọc Thạch
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 14-BYT-TT

Hà Nội, ngày 25 tháng 03 năm 1965 

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHỈ TIÊU XÂY DỰNG TỔ, ĐỘI, PHÂN XƯỞNG VÀ ĐƠN VỊ, XÍ NGHIỆP, CÔNG NÔNG LÂM TRƯỜNG, CƠ QUAN TIÊN TIẾN VỀ VỆ SINH PHÒNG BỆNH

Kính gửi:  

- Các Bộ, các ngành ở trung ương,
- Các Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh,
- Các Sở, Ty Y tế.

Năm 1965 là năm kết thúc và phấn đấu để hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất làm cơ sở cho việc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ hai. Do đó công tác bảo vệ lao động năm nay có một tầm quan trọng đặc biệt để góp phần hoàn thành kế hoạch sản xuất, đồng thời cải thiện một bước điều kiện lao động, điều kiện vệ sinh trong sản xuất, trong đời sống để nâng cao sức khỏe cho công nhân, viên chức.

Xuất phát từ yêu cầu vệ sinh phòng bệnh của quần chúng, của phong trào, trong những năm qua, một số nơi như: Ty Y tế Đường sắt, Hải Phòng, Hải Dương… các nhà máy xe lửa Gia tâm, cơ khí Hà Nội, nông trường Yên Mỹ Thanh Hóa, nông trường 19/5 Nghệ An… đã áp dụng phong trào xây dựng nhà tiên tiến vệ sinh của nhân dân vào cơ sở xí nghiệp, công, nông, lâm trường, cơ quan.

Qua phong trào này, một số nơi đã đạt được một số thành tích đáng kể về công tác vệ sinh trong lao động sản xuất, trong đời sống, đã chú ý cải thiện điều kiện làm việc, cải thiện sinh hoạt. Do đó đã giảm dần các tỷ lệ ốm đau và tai nạn lao động, tăng cường một bước cho sức khỏe cán bộ, công nhân. Phong trào này còn có tác dụng giáo dục, động viên quần chúng tự nguyện tham gia đã phát huy sáng kiến, khắc phục khó khăn để làm tốt công tác vệ sinh trong sản xuất, trong sinh hoạt nhằm thực hiện một nếp sống tươi vui lành mạnh.

Với đà tiến của phong trào, Bộ Y tế nhận thấy cần đẩy mạnh việc thi đua này thành phong trào thi đua xây dựng, tổ, đội, đơn vị tiên tiến về vệ sinh phòng bệnh rộng rãi trong các cơ sở xí nghiệp, công, nông, lâm trường, cơ quan nhằm mục đích:

- Làm cho các nhà ở tập thể, các gia đình cán bộ, công nhân, các khu vực công trình phúc lợi trong từng tổ, đội, đơn vị đảm bảo vệ sinh trật tự gọn gàng ngăn nắp và đẹp mắt;

- Tăng cường vệ sinh trong lao động, cải thiện điều kiện làm việc, tăng cường an toàn trong sản xuất làm cho tỷ lệ ốm đau và tai nạn lao động giảm dần, hạn chế các yếu tố độc hại trong lao động sản xuất và đề phòng các bệnh do nghề nghiệp gây ra;

- Nâng cao sức khỏe cho cán bộ, công nhân nhằm phục vụ tốt cho phong trào thi đua yêu nước với tinh thần “mỗi người làm việc bằng hai” góp phần vào việc tăng  năng suất lao động để hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước.

Để chi tiêu thi đua đi dần vào cụ thể, để nội dung thi đua được thống nhất nhằm giúp cho địa phương, cho cơ sở tiến hành cuộc vận động được dễ dàng, thuận lợi và cũng để tiện việc theo dõi và chỉ đạo phong trào, Bộ Y tế đề ra một số chỉ tiêu dưới đây để địa phương nghiên cứu thực hiện.

A. CHỈ TIÊU XÂY DỰNG TỔ, ĐỘI, PHÂN XƯỞNG, ĐƠN VỊ XÍ NGHIỆP, CÔNG NÔNG LÂM TRƯỜNG TIÊN TIẾN VỀ VỆ SINH PHÒNG BỆNH

I. Chỉ tiêu vệ sinh phòng bệnh tại khu vực sản xuất

Trong từng tổ, đội, phân xưởng, đơn vị phải thực hiện:

- Vệ sinh thường thức tốt, cần thực hiện tốt khẩu hiệu “làm đâu sạch đấy, đứng dậy sạch ngay”, hoặc “đến sạch về cũng sạch”;

- Vệ sinh trong lao động tốt chủ yếu là: chống nóng, chống mưa, nắng, chống hơi khí độc, chống bụi, đề phòng ánh sáng mạnh làm chói mắt, đảm bảo đủ ánh sáng trong sản xuất thi công, đảm bảo thoáng khí, cải thiện điều kiện làm việc nhằm giảm dần các yếu tố độc hại và đề phòng các bệnh do nghề nghiệp gây ra;

- Trật tự gọn gàng, ngăn nắp nơi làm việc, nơi sản xuất tốt, các dụng cụ máy móc, thành phẩm, phế phẩm, nguyên vật liệu… phải để đúng chỗ quy định;

- Có màng lưới vệ sinh viên đủ số lượng; được huấn luyện và thực sự hoạt động.

II. Chỉ tiêu vệ sinh phòng chóng tại khu vực sinh hoạt

1. Nhà ở:

- Vệ sinh thường thức tốt: Trong phòng ngủ, ngoài hành lang, các khu vực công cộng được phân công phụ trách vệ sinh, các gia đình cán bộ, công nhân trong từng tổ, đội, đơn vị phải đảm bảo thường xuyên sạch sẽ. Rác phải được thanh toán hàng ngày.

- Trật tự tốt: Các đồ dùng cá nhân, của tập thể phải để cho có trật tự, gọn gàng và ngăn nắp. Việc sắp xếp nên thống nhất một kiểu cho đẹp mắt.

2. Nhà ăn, nhà bếp:

- Nhà bếp nên sắp xếp và tổ chức theo kiểu một chiều. Có nội quy vệ sinh thực phẩm, có chế độ kiểm tra hàng ngày thực phẩm khi mua về, khi nấu và khi sắp ăn;

- Thực hiện tốt tiêu chuẩn nhà ăn 5 tốt là: ăn sạch, ăn ngon, ăn bổ, ăn rẻ tiền và ăn đủ tiêu chuẩn.

3. Nhà trẻ, mẫu giáo:

- Nhà trẻ, mẫu giáo phải đảm bảo vệ sinh, đủ ánh sáng, không ẩm ướt, không mùi hôi tanh. Có buồng cách ly và có phân công cán bộ y tế kiểm tra, đôn đốc trật tự vệ sinh và theo dõi sức khỏe các cháu hàng ngày;

- Có trang bị các dụng cụ cần thiết. Các đồ dùng cá nhân, của tập thể phải sạch sẽ và sắp xếp cho gọn gàng trật tự đẹp mắt và để đúng nơi quy định;

[...]