Chỉ thị 10-BYT/CT năm 1972 về việc đẩy mạnh công tác vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch phục vụ sức khỏe cán bộ, công nhân viên và đồng bào nơi sơ tán do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 10-BYT/CT
Ngày ban hành 02/05/1972
Ngày có hiệu lực 17/05/1972
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Văn Tín
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10-BYT/CT

Hà Nội, ngày 02 tháng 05 năm 1972 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC VỆ SINH PHÒNG BỆNH, PHÒNG DỊCH PHỤC VỤ SỨC KHỎE CÁN BỘ, CÔNG NHÂN VIÊN VÀ ĐỒNG BÀO NƠI SƠ TÁN

Những ngày đầu tháng 4-1972, đế quốc Mỹ đã liều lĩnh tăng cường đánh phá bằng không quân và hải quân ở miền Bắc nước ta. Để thực hiện nghiêm chỉnh chủ trương phòng không sơ tán của Chính phủ, nhiều cơ quan, đơn vị, trường học và nhân dân ở các vùng trọng điểm đánh phá đã sơ tán về sinh hoạt ở nông thôn.

Đồng bào nông thôn ta, với tinh thần quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược đã thu dọn lại nhà cửa để đón nhận cán bộ, đồng bào sơ tán và nhiều xã đã củng cố hố xí, giếng nước để đảm bảo vệ sinh chung trong xóm, làng…

Hiện nay đã bước vào mùa hè, thời tiết oi bức khó chịu, các xã đông người sơ tán, ăn, ở chật chội, các công trình vệ sinh chưa đảm bảo chất lượng nên dễ xảy ra các loại bệnh: kiết lỵ, thương hàn, sốt xuất huyết, sốt rét, viêm não…

Vậy, tiếp theo chỉ thị về phòng bệnh mùa hè. Bộ chỉ thị cho các cán bộ y tế cơ quan, xí nghiệp, trường học sơ tán cũng như y tế địa phương làm tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây trong vùng sơ tán:

1. Phải tuyên truyền vận động cán bộ, nhân dân giữ gìn vệ sinh, phòng bệnh thật tốt; triệt để ăn chín, uống nước đun sôi, làm tổng vệ sinh, quét dọn nhà cửa, sân vườn, đường ngõ luôn luôn sạch, tích cực diệt ruồi, muỗi, chuột bằng cách đánh bẫy và phối hợp bằng các hóa chất.

2. Thường xuyên thau, vét giếng. Đối với giếng bị nhiễm bẩn phải sát trùng nước giếng, để có nước sạch dùng trong sinh hoạt hàng ngày; nước ăn uống cần được đun sôi. Những nơi xí nghiệp, cơ quan sơ tán mà thiếu nước thì cần vận động cán bộ, công nhân viên tích cực đào giếng, còn kinh phí mua sắm nguyên liệu vật liệu thì trích quỹ phúc lợi, sự nghiệp…(theo công văn hướng dẫn của Bộ Tài chính). Trong khi chưa có nước tốt, cần dùng phèn chua để lọc nước và uống nước đun sôi. Bộ Y tế có đề nghị Bộ Nội thương đưa phèn chua về các tỉnh, huyện, xã có người sơ tán để bán kịp thời.

3. Củng cố, phát triển các hố xí 2 ngăn và sử dụng đúng quy cách. Nếu hố xí của địa phương bị hư hỏng nhiều, cán bộ và đồng bào sơ tán phải cùng tham gia tu sửa lại. Trường hợp chưa thể xây dựng ngay hố xí mới thì đào tạm hố xí chìm, hợp vệ sinh (phải đào sâu trên 1 mét, có thùng che kín đáo, có nắp đậy ở trên, có đổ tro sau đại tiện và ở xa nguồn nước). Cách giải quyết này chỉ là tạm thời, các xí nghiệp, cơ quan sơ tán cần đầu tư kinh phí xây dựng hố xí 2 ngăn. Khi đã có hố xí 2 ngăn, phải lấp hố xí này kỹ, nện chặt. Tuyệt đối không phóng uế bừa bãi, không làm hố xí bắc cầu lộ thiên, v.v…

4. Tổ chức tiêm chủng tốt các loại vacxin như: TA + TAB, uống phòng bại liệt trẻ em v.v… Tiêm chủng phải đủ liều, đúng kỹ thuật, không để sót (trừ những người nằm trong diện chống chỉ định). Những người đến sơ tán nơi nào nếu chưa được tiêm chủng, thì y tế xã ở đó phải tiêm chủng cho họ, riêng cán bộ và các cháu sơ tán thì y tế cơ quan đi sơ tán phải phụ trách tiêm chủng. Những xã có các ổ dịch như kiết lỵ, ho gà… thì các Ty, Phòng Y tế cùng y tế xã phải tích cực dập tắt đừng để lây lan sang những người mới sơ tán đến.

Đi đôi với các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch nêu trên, các địa phương cần tuyên truyền việc nhốt chó (nếu diệt thì rất tốt), giáo dục các trẻ em không chơi gần ao, sông, ngòi để tránh chết đuối và cần chú ý củng cố tốt túi thuốc cấp cứu cá nhân, gia đình, củng cố, phát triển mạng lưới cấp cứu phòng không trong cơ quan, đơn vị, trường học sơ tán để kịp thời phục vụ khi cần thiết.

5. Tại các xã đều có sử dụng thuốc trừ sâu diệt cỏ nên cần đặc biệt chú ý bảo đảm an toàn trong việc dùng thuốc trừ sâu cho nhân dân địa phương cũng như cho cán bộ, đồng bào nhất là cho trẻ em sơ tán.

Tại các xí nghiệp, cơ quan có sử dụng hóa chất độc và các chất có khả năng gây nổ, cháy, nhiễm độc hàng loạt cần có biện pháp chủ động phòng nổ, phòng cháy, nhiễm độc và tổ chức chu đáo việc cấp cứu nhiễm độc hàng loạt để đề phòng mọi nguy hiểm có thể xảy ra.

Tóm lại, chúng ta cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, đặc biệt chú ý công tác vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch trong vùng sơ tán để bảo vệ sức khỏe nhân dân, cán bộ, chủ động ngăn ngừa bệnh tật và dịch tễ, ổn định sinh hoạt bình thường để mọi người có đầy đủ sức khỏe lao động sản xuất và chiến đấu.

 

 

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
THỨ TRƯỞNG
 


 
Bác sĩ Nguyễn Văn Tín