BỘ
GIAO THÔNG VẬN TẢI
******
|
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
139-TT/VP
|
Hà
Nội, ngày 03 tháng 05 năm 1962
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VIỆC XE RƠ-MOÓC CHỞ HÀNH KHÁCH
Tình hình kinh tế và văn hóa
trên miền Bắc nước ta đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, vấn đề phục vụ sự đi lại
của nhân dân đòi hỏi phải được nhanh chóng, thuận tiện và an toàn để kịp thời
đáp ứng cho yêu cầu của sản xuất, và sự đi lại của nhân dân.
Để giải quyết vấn
đề thiếu phương tiện vận tải đồng thời tận dụng được khả năng nguyên vật liệu sẵn
có, giảm bớt giá thành vận chuyển, đáp ứng một phần yêu cầu đi lại của nhân dân
hiện nay, căn cứ vào luật đi đường, Bộ ban hành kèm theo nghị định số 348-NĐ
ngày 03-12-1955 của Bộ Giao thông Bưu điện và nghị định số 100-CP ngày
09-10-1961 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ
máy của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ cho phép các xí nghiệp vận tải ô-tô quốc
doanh và công tư hợp doanh được dùng ô-tô chở khách kéo thêm một rơ-moóc chở
hành khách với những điều kiện như sau:
1. Xe
ô-tô và rơ-moóc nói chung phải tốt, bảo đảm an toàn, bảo đảm vệ sinh và thoải
mái cho hành khách ngồi trên xe. Các tín hiệu phải đúng quy cách và đặt đúng vị
trí.
Riêng các bộ phận của rơ-moóc,
và các thiết bị an toàn phải đầy đủ, tốt và có hiệu lực, nhất là các bộ phận chủ
yếu dưới đây:
a) Khung xe, bệ xe, càng kéo,
móc nối phải thật bảo đảm chắc chắn; móc nối phải được tăng cường bằng móc xích
an toàn.
b) Hệ thống chuyển hướng không
được để giơ và lắc.
c) Hệ thống hãm của xe và của
rơ-moóc phải tốt, nhậy và thống nhất.
d) Các trục không có hiện tượng
nứt dạn. Nếu dùng đồ cũ thì phải được tăng cường để bảo đảm sức chịu đựng.
e) Hai lốp trước của rơ-moóc phải
luôn luôn tốt và an toàn.
2. Xe
ô-tô kéo rơ-moóc chở khách phải là loại xe có tổng trọng lượng lớn hơn tổng trọng
lượng của rơ-moóc.
3. Người
lái xe kéo rơ-moóc phải có giấy phép lái xe hành khách loại lớn, có trình độ
nghiệp vụ khá, có tinh thần trách nhiệm cao, có ý thức chấp hành nghiêm chỉnh
luật lệ giao thông vận tải và phải được cơ quan giao thông vận tải địa phương
xác nhận.
Ngoài lái xe ra, mỗi xe phải có
2 phụ xe (một ở xe chính, một ở rơ-moóc), phụ xe phải ngồi ở cửa lên xuống của
xe và rơ-moóc để chỉ dẫn cho hành khách và giúp đỡ người lái xe quan sát xung
quanh xe, trước và trong khi xe chạy.
4. Chỉ
được phép để hành khách lên xuống xe khi xe đã đứng hẵn lại và chỉ khi nào hành
khách lên xuống xe đã xong, xe mới được phép chuyển bánh.
5. Xe
rơ-moóc chở khách chỉ được chuyên chở hành khách trên những đường đồng bằng có
mặt đường bằng phẳng tốt, có điều kiện tránh, vượt nhau dễ dàng.
Trước khi cấp giấy phép
cho rơ-moóc chở khách chạy trên đường nào thì Sở, Ty Giao thông vận tải phải kiểm
tra lại tuyến đường đó về các điều kiện đã nói trên đây.
Để bảo đảm thi
hành các điều quy định trên đây được tốt:
1. Cục
cơ khí thuộc Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm xây dựng một đồ án thiết kế mẫu
về việc đóng rơ-moóc để phổ biến cho các địa phương và xí nghiệp vận tải. Trong
việc thiết kế đồ án mẫu cần kết hợp tốt nguyên tắc bảo đảm an toàn giao thông vận
tải với phương châm tận dụng phụ tùng cũ và nguyên vật liệu sẵn có.
2. Cục
Vận tải đường bộ có trách nhiệm hướng dẫn các xí nghiệp vận tải ô-tô trong việc
đóng rơ-moóc và sử dụng rơ-moóc. Mặt khác, Cục phải hướng dẫn các Sở, Ty Giao
thông vận tải trong việc khám xét các rơ-moóc cũng như trong việc cho phép, quản
lý và giám sát việc sử dụng xe rơ-moóc chở hành khách.
3. Các
xí nghiệp vận tải ô-tô sẽ dựa vào đồ án thiết kế mẫu nói trên để đóng rơ-moóc.
Trường hợp cần sửa đổi những bộ phận chủ yếu của rơ-moóc, như:
- Kích thước khung xe (chassis) và
bệ xe.
- Càng kéo, móc nối,
- Hệ thống chuyển hướng, hệ thống
hãm:
- Trục trước, trục sau rơ-moóc .
- Cỡ lốp rơ-moóc .
Để tận dụng phụ tùng và nguyên vật
liệu sẵn có, thì phải xin phép với Cục cơ khí.
Rơ-moóc sau khi đóng xong và trước
khi đem dùng chuyên chở khách phải được các Sở, Ty Giao thông vận tải kiểm nghiệm,
đăng ký và cấp giấy phép sử dụng.
Ngoài ra, xí nghiệp vận tải ô-tô
phải xây dựng một chế độ bảo đảm an toàn riêng cho xe rơ-moóc chở hành khách.
Chế độ này gồm có các mặt kiểm tra thường xuyên và sửa chữa tại xí nghiệp, kiểm
tra và bảo đảm an toàn chạy xe trên đường và việc chấp hành chế độ phải đề lên
thành kỷ luật thật chặt chẽ.
Bộ mong rằng các Cục và các Sở,
Ty Giao thông vận tải có liên quan nghiên cứu kỹ và thi hành tốt thông tư này để
đáp ứng một phần yêu cầu đi lại của nhân dân ngày càng tăng đồng thời bảo đảm
an toàn cho hành khách.
Thông tư này có hiệu lực kể từ
ngày ban hành.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
THỨ TRƯỞNG
Dương Bạch Liên
|