Nghị định 348-NĐ năm 1955 ban hành luật đi đường bộ của Bộ trưởng Bộ Giao Thông và Bưu Điện

Số hiệu 348-NĐ
Ngày ban hành 13/12/1955
Ngày có hiệu lực 28/12/1955
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông và Bưu điện
Người ký Lê Dung
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ 
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 348-NĐ

Hà Nội, ngày 03 tháng 12 năm 1955 

 

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH LUẬT ĐI ĐƯỜNG BỘ

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN

Theo đề nghị của Nha Giao thông và sau khi đã được Thủ tướng Phủ thông qua, các Bộ Nội vụ, Tư pháp và Công an đồng ý,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1: -  Nay ban hành luật đi đường bộ kèm theo nghị định này để áp dụng trong toàn quốc.

Điều 2: - Các ông Chánh Văn phòng Bộ Giao thông và Bưu điện, Giám đốc Nha Giao thông, Chủ tịch Uỷ ban hành chính các Liên khu Việt-bắc, 3, 4 Khu Tự trị Thái –Mèo, Khu Tả-ngạn, Hồng -quảng, các thành phố Hà-nội và Hải-phòng thi hành nghị định này.

 

 

K.T BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN
THỨ TRƯỞNG


 
 

Lê Dung

LUẬT ĐI ĐƯỜNG

Chương 1:

MỤC ĐÍCH – NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1: Mục đích- Bản luật đi đường bộ này áp dụng cho người, súc vật, xe cộ đi trên các đường công cộng và nhằm:

a) Đảm bảo an toàn cho nhân dân đi lại và vận chuyển trên các đường giao thông và trong các đường phố.

b) Đảm bảo an toàn cho nhân dân ở ven đường giao thông cũng như ở trong những thành phố hay thị trấn.

c) Giữ gìn trật tự giao thông làm cho sự đi lại và vận chuyển được dễ dàng thuận tiện.

d) Bảo vệ đường sá, cầu, cống, phà, biển báo hiệu và các công trình giao thông khác xây dựng trên đường.

Điều 2: Phía đi: - Trên các đường giao thông cũng như các đường phố, tất cả các loại xe cộ trừ xe lửa và xe điện có đường riêng, chạy bằng động cơ hay do sức người, súc vật kéo đẩy, người đi ngựa, người đi bộ đều phải đi về phía tay phải mình.

Điều 3: - Tránh, vượt: - Người đi bộ, người cưỡi ngựa, người dắt súc vật và tất cả các loại xe cộ đều phải tránh nhau về bên phải và vượt về bên trái mình trừ trường hợp vượt xe điện quy định ở điều 21.

Điều 4: - Lối đi riêng- Khi một đường hay một phần đường đã dành riêng cho người đi bộ hay cho một loại xe nào thì chỉ người đi bộ hoặc loại xe ấy được đi mà thôi.

Điều 5: - Ngã ba, ngã tư đường – Khi đến gần ngã ba, ngã tư đường xe cộ phải giảm bớt tốc độ, đi sát về bên phải và đồng thời báo hiệu bằng chuông hay còi, cho các ngả đường biết có xe mình đi tới.

Nếu cùng một lúc ở các ngả đường cũng có xe đi tới, xe nào thấy đường bên phải mình không có xe thì được đi trước. Luật này không áp dụng cho đường có ưu tiên, xe chạy trên đường không có ưu tiên phải tuyệt đối nhường đường cho xe chạy trên đường có ưu tiên.

Xe ở trong nhà ra hoặc ở ngõ hẹp ra đường phải nhường đường cho xe đi trên đường, bất cứ ở bên tay phải hay bên tay trái mình.

Điều 6: - Tốc độ - Người lái xe lúc nào cũng phải làm chủ được tốc độ xe của mình. Trong những trường hợp dưới đây, cần phải giảm tốc độ hoặc đỗ hẳn để tránh tai nạn có thể xẩy ra:

a) Qua thành phố và thị trấn.

b) Tới ngã ba, ngả tư đường, qua cầu, qua những quãng đường nguy hiểm vì đường hẹp, ngoặt, cong, chữ chỉ, hoặc bị che khuất.

c) Qua những nơi có nhiều người tập hợp (đám ma, đám cưới, đám rước, biểu tình, bộ đội hành quân, dân công di chuyển, trường học đang tan, chợ đang họp v.v…)

d) Khi tránh các xe cộ khác hoặc thấy bất cứ một chứng ngại vật nào trên đường.

[...]