Thông tư 13-TTLB năm 1959 về chế độ thuốc men cho học sinh các trường đại học và chuyên nghiệp khi bị đau ốm do Bộ Giáo Dục- Bộ Y Tế ban hành.
Số hiệu | 13-TTLB |
Ngày ban hành | 20/05/1959 |
Ngày có hiệu lực | 04/06/1959 |
Loại văn bản | Thông tư |
Cơ quan ban hành | Bộ Giáo dục,Bộ Y tế |
Người ký | Phạm Ngọc Thạch,Nguyễn Văn Huyên |
Lĩnh vực | Thể thao - Y tế |
BỘ
GIÁO DỤC-BỘ Y TẾ |
VIỆT
|
Số: 13-TTLB |
Hà Nội, ngày 20 tháng 05 năm 1959 |
VỀ CHẾ ĐỘ THUỐC MEN CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀ CHUYÊN NGHIỆP KHI BỊ ĐAU ỐM
Căn cứ theo nguyên tắc: “Học sinh chưa phải là cán bộ, nên không thể được hưởng quyền lợi như cán bộ, nhưng cần được chiếu cố, giúp đỡ khi ốm đau, được chăm sóc sức khỏe, để có điều kiện học tập có kết quả tốt” mà các Bộ Tài chính – Giáo dục – Y tế đã thống nhất ý kiến và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý (công văn số 1.181-Vg ngày 04-03-1959), Liên bộ Giáo dục – Y tế quy định tạm thời chế độ thuốc men và điều trị cho học sinh các trường đại học và chuyên nghiệp như sau:
1. Trong trường hợp bị ốm thường:
- Tất cả học sinh, không phân biệt ở nội trú hay ở ngoài, có học bổng hay không đều có tiêu chuẩn thuốc chữa bệnh là 0đ50 một người một tháng.
- Ngoài trường hợp ốm đau phải điều trị ở bệnh viện, học sinh thường không có chế độ bồi dưỡng ở cơ quan như đối với cán bộ.
- Nguyên tắc là tất cả học sinh đều được cung cấp thuốc chữa bệnh khi ốm đau, nhưng trong khi sử dụng tiêu chuẩn thuốc chữa bệnh, cần dành ưu tiên cho học sinh ở nội trú và học sinh được trợ cấp học bổng nhưng ở ngoài. Bộ Y tế sẽ có chỉ thị hướng dẫn cụ thể việc sử dụng và điều hòa tiêu chuẩn thuốc men để việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh được bảo đảm.
2. Trong trường hợp bị ốm nặng:
Khi có học sinh ốm đau, nếu xét cần khám bệnh và điều trị ở bệnh viện thì được giới thiệu tới các bệnh viện nhân dân:
- Nếu là học sinh có học bổng thì học sinh phải trả phần tiền ăn, còn tiền thuốc và tiền bồi dưỡng ở bệnh viện, do nhà trường thanh toán.
- Nếu là học sinh không có học bổng, thì học sinh phải trả tất cả tiền ăn, tiền thuốc và tiền bồi dưỡng ở bệnh viện. Khi giới thiệu học sinh tự túc đi điều trị ở bệnh viện, nhà trường cần ghi rõ: “VIỆN PHÍ DO HỌC SINH TRẢ”. Nhưng nếu có học sinh nào xét không có khả năng trả tất cả, nhà trường có thể xét và trợ cấp một phần.
- Đối với lưu học sinh học ở nước ngoài bị ốm về, nếu trước khi đi học là học sinh thường, thì cũng áp dụng như đối với học sinh có học bổng, tức là:
- Được giới thiệu đi điều trị ở các bệnh viện nhân dân.
- Tiền ăn ở bệnh viện do lưu học sinh trả.
- Tiền thuốc và bồi dưỡng ở bệnh viện do ngân sách Bộ Giáo dục đài thọ.
- Đối với học sinh mắc bệnh lao, phong, hoặc bị bệnh nặng, nhà trường được thanh toán ngoài tiêu chuẩn chung đã quy định, nhưng điều trị ở bệnh viện tới 6 tháng mà vẫn không khỏi, nhà trường cần lấy ý kiến bệnh viện và xét, nếu học sinh đó không có triển vọng tiếp tục học được nữa thì phải giải quyết cho thôi học, vì thiếu sức khỏe. Nhà trường không thanh toán viện phí nữa và kịp thời báo cáo cho gia đình học sinh biết để tiếp tục giải quyết việc chữa bệnh cho học sinh đó như nhân dân thường.
- Chế độ y dược phí cho học sinh các trường đại học và chuyên nghiệp quy định trong Thông tư số 26-TT ngày 24-6-1957 của Bộ Giáo dục và tất cả những điều quy định trước đây trái với tinh thần Thông tư này sẽ chính thức bãi bỏ.
- Thông tư này không áp dụng đối với cán bộ được chọn cử đi học hưởng sinh hoạt phí (cả lương hay 95% lương). Các chế độ cho cán bộ được cử đi học đã được quy định trong Nghị định số 263-NVLB ngày 06-09-1958 của Liên bộ Nội vụ - Giáo dục – Tài chính – Lao động.
BỘ
TRƯỞNG BỘ Y TẾ |
BỘ
TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC |