BỘ
GIÁO DỤC
******
|
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
47-TT
|
Hà
Nội, ngày 28 tháng 09 năm 1956
|
THÔNG TƯ
GIẢI THÍCH VỀ VIỆC CẤP HỌC BỔNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG
CHUYÊN NGHIỆP
Liên Bộ Giáo dục - Tài chính đã
ra Nghị định số 776-NĐ-LB ngày 15-9-1956 quy định mức học bổng cho các học sinh
các trường chuyên nghiệp và tỷ lệ cấp phát học bổng trong niên khóa 1956-1957.
Nay Bộ tôi giải thích việc tiến
hành cấp phát học bổng để các Bộ và các Ủy ban có trường chuyên nghiệp chỉ thị
cho các trường thi hành đúng với đường lối phát triển văn hóa giáo dục, khả
năng kinh tế tài chính của Nhà nước và chủ trương đào tạo cán bộ của mỗi Bộ.
Trước hết cần nhận định rõ mục
đích cấp phát học bổng cho học sinh là trợ cấp cho học sinh để giúp học sinh
nghèo và việc ăn học; chứ không phải là cung cấp đầy đủ mọi nhu cầu của học
sinh về ăn, ở, tiêu, may mặc, như trước đây vẫn coi là cấp sinh hoạt phí cho học
sinh. Như vậy có nghĩa là ngoài học bổng được nhà trường trợ cấp, các học sinh
vẫn phải dựa vào gia đình để giải quyết những yêu cầu khác cho đời sống học
sinh của mình. Một mặt khác, đã nói là học bổng để trợ cấp cho học sinh nghèo
thì không có nghĩa là tất cả các học sinh vào trường chuyên nghiệp đều được cấp
học bổng cả như quan niệm trước đây cho rằng học sinh cử vào trường chuyên nghiệp
đều được Nhà nước nuôi ăn học. Do đó phải căn cứ vào hoàn cảnh học sinh mà cấp
học bổng toàn phần hay học bổng nửa phần và cũng cần phải căn cứ vào tính chất
chiêu sinh của mỗi trường, khả năng tài chính mà quy định một tỷ lệ học sinh được
cấp học bổng so với tổng số học sinh vào trường. Việc cấp sinh hoạt phí bình
quân và cho tất cả học sinh của một số trường đã làm trong niên khóa trước là
không đúng với tinh thần của việc cấp phát học bổng. Đồng thời để khuyến khích
học tập và trong thực tế sinh hoạt của học sinh, Chính phủ cũng vẫn còn chú ý đến
một số chế độ khác ngoài học bổng như chế độ thuốc men, đi công tác, sinh đẻ, để
đảm bảo được việc học tốt cho học sinh.
I. TỶ LỆ HỌC BỔNG
Vấn đề định tỷ lệ học bổng là vấn
đề rất cần thiết, vì nếu không định tỷ lệ thì không thể xét cấp học bổng được.
Định tỷ lệ của mỗi trường sẽ căn cứ vào:
- Ngân sách dành cho việc đào tạo,
huấn luyện cán bộ của Bộ sở quan.
- Kế hoạch đào tạo cán bộ chung
của các ngành: tỷ lệ học bổng cao cho những trường phải đào tạo cán bộ cấp thiết,
trường cần chiếu cố để thu hút học sinh.
- Loại học sinh định lấy vào trường.
Thí dụ: chỉ lấy cán bộ bộ đội, thanh niên xung phong hay lấy mỗi loại theo một tỷ
lệ nhất định nào (thí dụ: 25% học sinh miền Nam, 20% cán bộ, bộ đội và 45% học
sinh khác).
Do đó tỷ lệ học bổng của mỗi trường
mỗi khác không thể bình quân và bao gồm cả học bổng của cán bộ, bộ đội, học
sinh miền Nam các học sinh khác.
Hiện nay chưa thể quyết định cấp
học bổng ở mỗi trường được vì các Bộ chưa định một tỷ lệ cấp học bổng cho mỗi
trường thuộc Bộ mình. Bộ Giáo dục sẽ cùng Bộ Tài chính và các Bộ có trường
chuyên nghiệp thảo luận để quy định cho mỗi trường một tỷ lệ học bổng thích hợp.
II. CẤP PHÁT VÀ SỬ DỤNG HỌC BỔNG
a) Cấp phát: kinh nghiệm niên
hóa qua, việc xét cấp chậm vì tổ chức bình nghị và xét duyệt mất thì giờ và thực
tế cũng thiếu chính xác vì học sinh mới vào học cũng chưa có cơ sở để tham gia
bình nghị được sát đúng. Việc xét cấp cần làm nhanh và căn cứ vào gia cảnh học
sinh do các cơ quan chính quyền địa phương chứng thực là chính, có thể tuyển bổ
ngay khi chiêu sinh để tránh việc tạm ứng ăn khi mới vào học, hay học sinh phải
nộp trước tiền ăn, chờ xét cấp. Việc này nên rút kinh nghiệm cho niên khóa mới.
Đối với niên khóa này:
- Thành lập Hội đồng xét học bổng
với thành phần:
- Ban Giám đốc nhà trường
- Một đải biểu các giáo sư
- Một đại biểu Bộ sở quan
- Một đại biểu Hiệu đoàn hay Chi
hội sinh viên nhà trường.
- Một đại biểu Hành chính - Quản
trị nhà trường
- Một đại biểu Phòng tổ chức cán
bộ nhà trường
- Một đại biểu Ban Giáo vụ nhà
trường.
- Tiến hành xét cấp học bổng dựa
vào giấy khai gia cảnh của học sinh đã nộp cùng với hồ sơ xin thi (các trường
liên lạc với Vụ Đại học và Chuyên nghiệp để lấy hồ sơ của học sinh trường Trung
cấp và Đại học).
Đối với học sinh mới vào thì Hội
đồng xét cấp có thể tuyển bổ ngay danh sách học sinh được cấp học bổng toàn phần,
nửa phần sau khi trình Bộ sở quan duyệt y.
Đối với học sinh đã học năm thứ
nhất thì sau khi Hội đồng xét lại có thể lấy ý kiến học sinh (góp phần ý kiến
vào dự kiến của Hội đồng) trước khi tuyên bố danh sách cũng phải trình Bộ Sở
quan duyệt y. Về điểm này cần giải thích để học sinh hiểu rằng học bổng xét cấp
hàng năm vì hoàn cảnh gia đình học sinh mỗi năm có thay đổi chứ không cố định
(có thể có gia đình sinh hoạt gia đình hiện nay khá hơn vì có nguồn sinh kế mới,
con em lớn tuổi đã tham gia công tác có nguồn lợi mới, hay có thể có gia đình
vì một nguyên nhân nào đó mà sinh hoạt hiện nay kém trước).
Sau khi cấp phát, nhà trường vẫn
có thể tiến hành thẩm tra thêm về gia cảnh học sinh và do đó có thể có quyết định
thay đổi mức học bổng đã tuyên bố.
b) Tiêu chuẩn để cấp học bổng: Học
bổng cấp cho học sinh nghèo nên căn cứ vào gia cảnh của học sinh là chính. Hội
đồng cần xét cụ thể về các mặt.
Nguồn thu nhập của gia đình: thu
hoạch của ruộng đất, lương bổng, lợi tức kinh doanh của gia đình hay có khi của
bản thân học sinh (thí dụ học sinh vẫn được chia ruộng và tính là một nhân khẩu
nông nghiệp v.v… )
Hoàn cảnh gia đình: số người ăn
trong gia đình, số người sản xuất được, số người có nguồn lợi khác…
Thực tế chi tiêu của gia đình:
ăn, tiêu, may mặc của gia đình, tiền thuê nhà, các đóng góp khác…so với thu nhập
thì thiếu thốn thế nào.
Khi xếp loại học sinh theo thứ tự
để quyết định cấp học bổng cần chiếu cố đến học sinh miền núi, con những gia
đình có công với cách mạng (thương binh, tử sĩ, bộ đội, cán bộ…). Những gia
đình có con được chiếu cố đây là những gia đình chịu trách nhiệm về đời sống của
học sinh, chứ không phải là anh em, chú bác không có trách nhiệm gì về việc
nuôi dưỡng học sinh.
Theo nguyên tắc về xét cấp theo
gia cảnh và chiếu cố trên học sinh sẽ được xếp loại học bổng từ người nghèo nhất
trở lên, cho đến hết tỷ lệ học bổng chung của trường. Vì mỗi trường có một tỷ lệ
học bổng khác nên loại học sinh được cấp học bổng ở trường này có thể khác với
loại được cấp ở trường khác, không nên đặt vấn đề so sánh.
Trong khi chưa có tỷ lệ xét cấp
học bổng mà học sinh đã vào trường, cần tổ chức ăn ở cho học sinh, thì các trường
có thể giải quyết như sau:
1) Đối với các trường chưa vào học:
Vụ Đại học và chuyên nghiệp. Bộ Giáo dục sẽ thông báo để học sinh mang theo tiền
ăn trong hai tháng đến trường nộp cho ký túc xá nhà trường để ăn trong thời
gian xét cấp học bổng. Nếu được cấp học bổng thì sẽ được hoàn trả lại từ ngày
vào học.
2) Đối với các trường đã có học
sinh vào học trước khi xét cấp học bổng: Bộ Tài chính có thể tạm ứng một khoản
tiền ăn cho học sinh. Sau khi xét cấp học bổng thì học sinh được cấp học bổng sẽ
do nhà trường khấu trừ trả Bộ Tài chính; đối với học sinh không được cấp học bổng
sẽ do nhà trường báo cho học sinh nộp trả trường tiền ăn để trả Bộ Tài chính và
đình tạm cấp. Trong vòng hai tháng từ ngày khai giảng, nên hoàn thành việc xét
cấp học bổng để việc tạm ứng và thu hồi tạm ứng không quá lâu và dây dưa.
3) Đối với các trường có học
sinh hè: hiện vẫn ở trường và đang được cấp học bổng cả phần hay nửa phần thì kể
từ ngày nhận được thông tư này…được cấp theo mức mới (sơ cấp cả phần 20.000đ, nửa
phần 10.000đ cao cấp và trung cấp cả phần 22.000đ, nửa phần 11.000đ) cho đến
ngày khai giảng. Từ ngày khai giảng, học bổng sẽ được cấp theo loại mới do Hội
đồng xét học bổng của niên khóa 1956-1957 xét cấp lại theo tiêu chuẩn và tỷ lệ
học bổng đã quy định cho niên khóa.
Vấn đề trang phục cho học sinh
cũng do Hiệu đoán động viên học sinh tự nguyện tiết kiểm để dành tiền cùng với
phần cung cấp thêm của gia đình để tự giải quyết. Học bổng có thể được cấp cả
năm (12 tháng) như học sinh miền Nam- hay 11 tháng của niên học.
c) Sử dụng học bổng: Học bổng cấp
cho học sinh nên về nguyên tắc là do học sinh tự sử dụng. Nhưng xuất phát từ chỗ
mục đích cấp học bổng để trợ cấp cho học sinh ăn học, nên nhà trường có nhiệm vụ
hướng dẫn học sinh, phối hợp với Hiệu đoàn học sinh. Chi hội sinh viên để hướng
dẫn sự chi tiêu của học sinh cho đúng với yêu cầu học tập. Tuy nhiên việc hướng
dẫn các tiêu chuẩn ăn tiêu của các trường hay Hiệu đoàn đều phải được học sinh
tham gia bàn bạc và thông qua.Dự kiến sử dụng học bổng như sau:
- Tiêu chuẩn ăn cho các cấp :
18.000đ
- Tiêu chuẩn tiêu và học phẩm
cho sơ cấp: 2.000đ
- Tiêu chuẩn tiêu và học phẩm
cho trung và cao cấp: 4.000đ tùy theo giá sinh hoạt ở địa phương (thí dụ một
trường đặt ở nông thôn hay một thị trấn ít đông đúc mà giá sinh hoạt rẻ hơn) học
sinh có thể đề nghị một tiêu chuẩn ăn dưới 18.000đ, nhưng sự lãnh đạo của nhà
trường và Hiệu đoàn là không nên để ăn theo một tiêu chuẩn quá thấp, dành nhiều
tiền tiêu vặt, ảnh hưởng đến sức khỏe học tập lâu dài.
Về tiền tiêu có phần chi tiêu về
học phẩm nghĩa là tiền mua giấy, bút, mực…để chép bài, ghi lời giảng và để mua
giáo trình do nhà trường tổ chức in bán lỗ vốn cho học sinh thay bài học hay
thay sách giáo khoa (thí dụ: nhà trường xin một dự toán là 50% chi tiêu cho việc
in giáo trình, còn 50% của việc chi tiêu là do học sinh mua giáo trình). Về dụng
cụ học tập khác đều do nhà trường mua sắm thành tài sản của trường, để học sinh
đúng ở lớp (đồ vẽ, dụng cụ thí nghiệm).
III. CÁC LOẠI
HỌC SINH KHÁC
1) Học sinh là cán bộ, bộ đội
chuyển ngành, thương bình, thanh niên xung phong, hưởng lương bổng hay học bổng
theo các chế độ hiện hành đã được bổ sung bằng công văn số 556-TC-SNP ngày
21-9-1956 của Bộ Tài chính, trong khi chờ một chế độ mới do Liên Bộ Nội vụ-Tài
chính Giáo dục quy định sau.
2) Học sinh miền Nam:
a) Học sinh miền Nam tập kết do
các trường Phổ thông miền Nam chuyển sang trường chuyên nghiệp đều được cấp học
bổng từ ngày vào học. Các trường Phổ thông miền Nam định cấp phát cho những học
sinh này theo chế độ học bổng của trường cũ từ ngày các trường chuyên nghiệp
khai giảng và báo cho các trường chuyên nghiệp biết.
Chế độ cấp phát trang phục vẫn
theo chế độ cũ:
- 4 năm: 1 cái chăn, 1 màn, 1 áo
ấm
- 1 năm: 1 bộ đồ nực, 1 bộ đồ
rét
- Các thứ khác cấp theo thực thiếu
(mũ, dép, giây lưng, khăn mặt, bát ăn)
b) Học sinh miền Nam vượt tuyến
nếu không có liên lạc với gia đình cũng được xét cấp học bổng và trang phục như
học sinh tập kết, nếu có gia đình thì được chiếu cố khi xét cấp học bổng.
c) Học sinh miền Nam tự túc: từ
trước đến nay thường giải quyết như sau:
- Khi họ vào trường chuyên nghiệp
là coi như được nuôi ăn học nên cho họ rút tiền thừa ra để chi tiêu may sắm.
- Giao cho nhà trường quản lý rồi
cấp thêm học bổng.
Nay nếu họ còn tiền gửi ăn học
thì vẫn phải nộp tiền ăn học cho nhà trường hay nếu họ hết tiền gửi ăn học rồi
thì cấp học bổng như hai loại trên. Như vậy có nghĩa là học sinh tự túc chỉ được
cấp học bổng từ ngày hết tiền gửi mà thôi. Các trường xét lại tiền gửi của học
sinh để tính số tháng học sinh phải tự túc, số tháng được cấp học bổng và được
cấp từ ngày nào…
IV. CÁC CHẾ ĐỘ
KHÁC
1) Ốm đau: học sinh được học bổng
và ở nội trú đều được hưởng các chế độ bồi dưỡng, thuốc men, nằm bệnh viện như
cán bộ, công nhân viên.
Tuy nhiên, đối với học sinh
không được cấp học bổng, vẫn được săn sóc của nhà trường trong những trường hợp
cấp cứu cần thiết.
2) Công tác phí: Công tác phí chỉ
cấp cho học sinh đi công tác cho nhà trường hay đi thực tập và chỉ có lộ phí đi
đường, không có chế độ lưu trú. Khi đến trường, nghỉ tết, nghỉ hè đều không có
lộ phí. Để giải quyết vấn đề này thì học sinh một mặt nên tiết kiệm chi tiêu để
dành tiền đi về gia đình, mặt khác Bộ Giáo dục sẽ đề nghị Bộ Giao thông Bưu điện
giảm giá xe lửa cho các học sinh phải đi lại trong các dịp ấy.
3) Nữ sinh:
- Trong thời gian học, nữ sinh
là cán bộ, bộ đội, thương binh đề cử đi học mà sinh đẻ vẫn hưởng phụ cấp như một
cán bộ, còn nữ sinh hưởng chế độ học bổng học sinh mà sinh đẻ trong khi học tập
cũng được xét trợ cấp một phần nào tùy từng trường hợp cụ thể.
- Còn bé có thể gửi ở vườn trẻ của
nhà trường. Tùy theo số cháu bé mà nhà trường đề nghị cấp phát về tiêu chuẩn giữ
trẻ và về biên chế cán bộ giữ trẻ (con bán đây là con còn bú).
4) Lương bổng của học sinh sau
khi tốt nghiệp: sau khi đã tốt nghiệp thì nhà trường định cấp học bổng vì họ đã
trở thành một cán bộ của Nhà nước. Do đó, các Phòng Tài chính, cán bộ của
các Bộ cần nắm vững kế hoạch đào tạo cán bộ của các trường để có kế hoạch phân
phối công tác và bảo cho các đơn vị, cơ quan địa phương được phân phối cán bộ
chuẩn bị kinh phí trả lương cho cán bộ từ ngày tốt nghiệp đến nhận công tác.
Các trường cũng cần chuẩn bị để học sinh tốt nghiệp xong có thể đi nhận công
tác ngay, tránh cấp phát thêm một khoản gì khác ngoài học bổng (có thể xin kinh
phí tạm ứng lộ phí cho học sinh đi nhận công tác)
Trong khi tiến hành, các Bộ, các
trường gặp khó khăn hoặc có ý kiến mới xin phản ảnh cho Bộ tôi để giải thích
thêm hoặc để nghiên cứu bổ sung thêm.
|
BỘ
TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC
Nguyễn Văn Huyên
|