Thông tư 13/2011/TT-BGDĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 13/2011/TT-BGDĐT
Ngày ban hành 28/03/2011
Ngày có hiệu lực 15/05/2011
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Vinh Hiển
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 13/2011/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 28 tháng 3 năm 2011

 

THÔNG TƯ

BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRƯỜNG TIỂU HỌC, TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ, TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG VÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG CÓ NHIỀU CẤP HỌC LOẠI HÌNH TƯ THỤC

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Căn cứ Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học,
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Quyết định:

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục.

Điều 2. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 5 năm 2011. Các quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Điều 3. Chánh văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo, Hiệu trưởng các trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục và Giám đốc các trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp hoạt động theo loại hình tư thục chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Ban Tuyên giáo TW;
- UB VHGDTNTN-NĐ của Quốc hội;
- Kiểm toán nhà nước;
- Bộ Tư pháp (Cục KTVBQPPL);
- Website Chính phủ;
- Website Bộ GDĐT;
- Như Điều 3;
- Công báo;
- Lưu: VT, Vụ PC, Vụ GDTrH.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Vinh Hiển

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRƯỜNG TIỂU HỌC, TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ, TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG VÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG CÓ NHIỀU CẤP HỌC LOẠI HÌNH TƯ THỤC
(Ban hành kèm theo Thông tư số 13 /2011/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 3 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Quy chế này quy định về trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp hoạt động theo loại hình tư thục (gọi chung là trường phổ thông tư thục), các tổ chức, cá nhân có liên quan, bao gồm: những quy định chung; tổ chức và hoạt động của trường phổ thông tư thục; giáo viên, cán bộ, nhân viên và học sinh; cơ sở vật chất, tài chính và tài sản; thanh tra, kiểm tra, kiểm định chất lượng giáo dục, khen thưởng và xử lý vi phạm.

Điều 2. Vị trí của trường phổ thông tư thục trong hệ thống giáo dục quốc dân

1. Trường phổ thông tư thục là cơ sở giáo dục phổ thông thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, do tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân tự đảm bảo kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và hoạt động bằng vốn ngoài ngân sách Nhà nước; được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập và hoạt động giáo dục.

2. Trường phổ thông tư thục có tư cách pháp nhân, có con dấu và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc Ngân hàng thương mại.

Điều 3. Nhiệm vụ và quyền hạn của trường phổ thông tư thục

1. Trường phổ thông tư thục có nhiệm vụ và quyền hạn như trường công lập theo quy định tại Điều lệ trường tiểu học; Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học; Quy chế về tổ chức và hoạt động của trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp tương ứng đối với mỗi cấp học (sau đây gọi tắt là Điều lệ trường phổ thông) trong việc thực hiện mục tiêu, nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục và các quy định liên quan đến giảng dạy, học tập, thi, kiểm tra, công nhận tốt nghiệp, cấp văn bằng, chứng chỉ và các quy định tại Quy chế này.

2. Trường phổ thông tư thục tự chủ và tự chịu trách nhiệm về thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển, tổ chức các hoạt động giáo dục, xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên, huy động, sử dụng và quản lý các nguồn lực để thực hiện mục tiêu giáo dục phổ thông.

3. Trường phổ thông tư thục có trách nhiệm báo cáo định kỳ và đột xuất theo quy định và yêu cầu của các cơ quan quản lý.

4. Trường phổ thông tư thục thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Chính sách ưu đãi

Trường phổ thông tư thục được Nhà nước giao hoặc cho thuê đất, cơ sở vật chất, hỗ trợ ngân sách khi thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao; được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng và chính sách ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Phân cấp quản lý

Trường phổ thông tư thục chịu sự quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân các cấp theo quy định của Luật Giáo dục và các quy định có liên quan khác; chịu sự quản lý trực tiếp của phòng giáo dục và đào tạo đối với trường tiểu học, trường trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học cơ sở, của sở giáo dục và đào tạo đối với trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học phổ thông.

Chương II

[...]