Thông tư 1291/QLKH-1988 hướng dẫn tổ chức hoạt động Khoa học và kỹ thuật trong Xí nghiệp công nghiệp Quốc doanh do Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước ban hành

Số hiệu 1291/QLKH
Ngày ban hành 16/08/1988
Ngày có hiệu lực 16/08/1988
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước
Người ký Đặng Hữu
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Sở hữu trí tuệ

UỶ BAN KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1291/QLKH

Hà Nội, ngày 16 tháng 8 năm 1988

 

THÔNG TƯ

CỦA UỶ BAN KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT NHÀ NƯỚC SỐ 1291/QLKH NGÀY 16 THÁNG 8 NĂM 1988 HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TRONG XÍ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP QUỐC DOANH

Ngày 22-3-1988, Hội đồng Bộ trưởng đã ra Nghị định số 50-HĐBT ban hành bản Điều lệ Xí nghiệp công nghiệp quốc doanh.

Trong năm 1987, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 134-HĐBT ngày 31-8-1987 về một số biện pháp khuyến khích công tác khoa học và kỹ thuật.

Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước hướng dẫn việc tổ chức hoạt động khoa học và kỹ thuật trong xí nghiệp công nghiệp quốc doanh nhằm thúc đẩy nhanh chóng việc áp dụng các thành tựu khoa học và kỹ thuật đổi mới kỹ thuật, đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và đổi mới sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế của sản xuất.

I. KẾ HOẠCH ÁP DỤNG KỸ THUẬT TIẾN BỘ VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Điều 1. Kế hoạch áp dụng kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất và kế hoạch nghiên cứu khoa học là bộ phận hợp thành của kế hoạch sản xuất - kỹ thuật - tài chính - xã hội của xí nghiệp quốc doanh (sau đây gọi tắt là cơ sở).

Cơ sở được quyền sử dụng mọi nguồn vốn tự có (bao gồm vốn được cấp pháp, vốn khấu hao cơ bản để lại xí nghiệp, quỹ khuyến khích phát triển sản xuất, vốn do liên kết đưa kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, vốn huy động của cơ sở...) để áp dụng các thành tựu khoa học và kỹ thuật nhằm đổi mới kỹ thuật, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và đổi mới sản phẩm, đổi mới tổ chức sản xuất - kinh doanh theo hình thức chi trực tiếp hoặc thông qua việc ký các hợp đồng với các cơ quan, các cán bộ khoa học và kỹ thuật.

Cơ sở được quyền chủ động bố trí, điều hoà vật tư, thiết bị, vốn, lao động... để thực hiện kế hoạch này.

Điều 2. Cơ sở được quyền chủ động lựa chọn và áp dụng kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất phù hợp với yêu cầu của sản xuất.

2.1. Nếu là kỹ thuật tiến bộ do cơ sở tự tạo ra hoặc ký hợp đồng với bên ngoài để áp dụng vào sản xuất của cơ sở thì giám đốc được quyền quyết định việc xét duyệt luận chứng kinh tế - kỹ thuật, đánh giá nghiệm thu công trình.

2.2. Nếu là kỹ thuật tiến bộ do cấp trên giao cho cơ sở thực hiện thì cấp nào giao kế hoạch áp dụng, cấp đó phải xét luận chứng kinh tế - kỹ thuật, đảm bảo đủ các điều kiện áp dụng cho cơ sở và chịu trách nhiệm hoàn toàn về hiệu quả kinh tế của công trình áp dụng. Trường hợp cấp trên không đảm bảo đủ các điều kiện áp dụng, cơ sở được quyền từ chối không nhận thực hiện. Nếu xét thấy có lợi, công trình mang lại hiệu quả đối với sản xuất thì cơ sở có thể chủ động bố trí, hỗ trợ một phần các điều kiện để áp dụng.

II. HOẠT ĐỘNG TIÊU CHUẨN - ĐO LƯỜNG - CHẤT LƯỢNG VÀ BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

Điều 3. Đối với mỗi sản phẩm được phép sản xuất, cơ sở có quyền và nghĩa vụ xây dựng và công bố tiêu chuẩn sản phẩm (có thể là tiêu chuẩn cấp cơ sở) phù hợp với các điều kiện sản xuất của mình và phù hợp với những quy định chung của TCVN và TCN hoặc TCV (nếu là xí nghiệp quốc doanh địa phương), đặc biệt là những yêu cầu về bảo vệ sức khoẻ, bảo vệ môi trường và an toàn lao động. Mỗi sản phẩm xuất xưởng phải có nhãn sản phẩm và có dấu KCS, ghi rõ phẩm cấp (nếu có), đối với những sản phẩm lâu bền phải có giấy bảo hành. Trong trường hợp cần thiết, khi xuất xưởng sản phẩm phải kèm theo giấy hướng dẫn sử dụng. Cơ sở phải thực hiện nghiêm chỉnh chế độ đăng ký nhãn sản phẩm theo quy định.

Điều 4

4.1. Cơ sở có quyền và nghĩa vụ đăng ký và sử dụng nhãn hiệu hàng hoá hay nhãn hiệu dịch vụ để đánh dấu sản phẩm, hàng hoá hay phương tiện phục vụ của mình theo quy định của Điều lệ về Nhãn hiệu hàng hoá ban hành theo Nghị định số 197-HĐBT ngày 14-12-1982 của Hội đồng Bộ trưởng.

Chủ nhãn hiệu hàng hoá có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hoá của mình.

Các cơ sở đăng ký sáng chế theo quy định của Điều lệ về Sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất và sáng chế ban hành theo Nghị định số 31-CP ngày 23-1-1981.

Nhà nước bảo hộ pháp lý các kiểu dáng công nghiệp theo những quy định của Điều lệ về Kiểu dáng công nghiệp ban hành theo Nghị định số 85-HĐBT ngày 13-5-1988 của Hội đồng Bộ trưởng. Tác giả kiểu dáng công nghiệp được hưởng mọi quyền lợi theo quy định của Điều lệ về kiểu dáng công nghiệp.

Điều 5. Tổ chức trang bị các phương tiện đo lường và kiểm nghiệm, duy trì độ chính xác cần thiết theo yêu cầu trình độ kỹ thuật - công nghệ trong gia công, chế biến, trong kiểm nghiệm, kiểm định, đánh giá chất lượng sản phẩm, trong công tác nghiên cứu khoa học và áp dụng kỹ thuật tiến bộ.

Cơ sở được thực hiện chế độ kiểm định Nhà nước các phương tiện đo theo Quy định số 184-KHKT/QĐ ngày 4-9-1987 của Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước.

Điều 6. Trong quá trình ký kết hợp đồng với các cơ sở khác, cơ sở được quyền sử dụng các tiêu chuẩn đã công bố của các bên để làm căn cứ pháp lý cho việc đàm phán, định giá và thực hiện hợp đồng.

Điều 7. Cơ sở sản xuất và kinh doanh chỉ chịu sự thanh tra giám sát thường xuyên của cơ quan có thẩm quyền theo quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý chất lượng sản phẩm và hàng hoá.

Điều 8. Đối với các sản phẩm xuất khẩu, nếu cơ sở sản xuất kinh doanh đã được Nhà nước cho phép tổ chức việc giao thẳng cho khách hàng nước ngoài thì chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng sản phẩm của mình theo sự hướng dẫn về thủ tục của cơ quan ngoại thương.

Điều 9. Cơ sở được quyền yêu cầu các bên giao kỹ thuật thực hiện chế độ bảo hành nhằm đảm bảo chất lượng các phương tiện kỹ thuật và dây chuyền công nghệ trong thời hạn một năm kể từ khi bàn giao công trình.

III. KHUYẾN KHÍCH KINH TẾ CHO ÁP DỤNG KỸ THUẬT TIẾN BỘ BẢO ĐẢM VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM

Điều 10. Giá bán sản phẩm được xác định theo mức độ chất lượng tương ứng. Những sản phẩm được cấp dấu chất lượng Nhà nước cấp cao được phụ giá tối đa không quá 10% giá bán buôn công nghiệp đã trừ thu quốc doanh (hoặc thuế), sản phẩm được cấp dấu chất lượng Nhà nước cấp I được phụ giá tối đa không quá 5% giá bán buôn công nghiệp đã trừ thu quốc doanh (hoặc thuế) theo Thông tư liên bộ số 2750-KHKT/VG/TC/TT ngày 23-12-1987 của Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước - Uỷ ban Vật giá Nhà nước - Bộ Tài chính quy định tạm thời việc khuyến khích vật chất đối với sản phẩm được cấp dấu chất lượng Nhà nước.

Những sản phẩm có chất lượng kém và lạc hậu (hiện vẫn còn được phép tiêu thụ) phải bán với giá thấp hơn so với giá bán sản phẩm cùng loại. Sau một thời gian quy định, nếu cơ sở không chịu cải tiến, Nhà nước buộc cơ sở đình chỉ sản xuất và cấm lưu hành trên thị trường.

[...]