Thông tư 129/2020/TT-BCA quy định về quy trình giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

Số hiệu 129/2020/TT-BCA
Ngày ban hành 08/12/2020
Ngày có hiệu lực 22/01/2021
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Công An
Người ký Tô Lâm
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ CÔNG AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 129/2020/TT-BCA

Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 2020

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH QUY TRÌNH GIẢI QUYẾT TỐ CÁO TRONG CÔNG AN NHÂN DÂN

 Căn cứ Luật Tố cáo năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 22/2019/NĐ-CP ngày 25/02/2019 của Chính phủ quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân;

Căn cứ Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo;

Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06/8/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra Bộ Công an;

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định quy trình giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định quy trình giải quyết tố cáo, giải quyết lại vụ việc tố cáo trong Công an nhân dân, bao gồm việc thụ lý, xác minh, kết luận nội dung tố cáo; việc xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo và công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan, đơn vị Công an các cấp; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an; cơ quan, đơn vị, người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo trong Công an nhân dân.

2. Người tố cáo; cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân bị tố cáo (sau đây gọi chung là người bị tố cáo); cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến nội dung tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an các cấp.

Điều 3. Áp dụng pháp luật

1. Việc giải quyết tố cáo thông qua hoạt động của Đoàn thanh tra được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra và các quy định khác có liên quan.

2. Việc giải quyết tố cáo cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vi phạm phẩm chất đạo đức, quy tắc ứng xử, tiêu chuẩn cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân và các quy định khác của Bộ Công an thực hiện theo Thông tư này.

3. Biểu mẫu sử dụng trong giải quyết tố cáo quy định tại Thông tư này theo biểu mẫu quy định tại Thông tư số 60/2014/TT-BCA ngày 18 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định biểu mẫu sử dụng trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân của Công an nhân dân (Thông tư số 60/2014/TT-BCA) và Thông tư số 54/2017/TT-BCA ngày 15 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công an sửa đổi, bổ sung Điều 1 Thông tư số 60/2014/TT-BCA (Thông tư số 54/2017/TT-BCA).

Trường hợp Thông tư số 60/2014/TT-BCA và Thông tư số 54/2017/TT-BCA được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng thông tư mới của Bộ trưởng Bộ Công an thì sử dụng các biểu mẫu ban hành theo thông tư sửa đổi, bổ sung hoặc thông tư thay thế. Thanh tra Bộ Công an có trách nhiệm thông báo đến Công an các đơn vị, địa phương khi có sự thay đổi nêu trên.

Điều 4. Giải quyết tố cáo có nội dung rõ ràng, chứng cứ cụ thể, có cơ sở để xử lý ngay

Việc giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự có nội dung rõ ràng, chứng cứ cụ thể, có cơ sở để xử lý ngay thực hiện theo quy định tại Điều 43 của Luật Tố cáo; không áp dụng trình tự, thủ tục giải quyết theo quy trình tại Thông tư này.

Điều 5. Tố cáo tiếp và giải quyết lại vụ việc tố cáo

1. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố cáo tiếp đối với vụ việc tố cáo đã được giải quyết, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp trên trực tiếp của người đã giải quyết tố cáo phải xem xét, xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật Tố cáo và các quy định cụ thể sau đây:

a) Trường hợp bỏ sót nội dung tố cáo được thụ lý thì yêu cầu người đã giải quyết tố cáo phải tiếp tục giải quyết, đồng thời báo cáo rõ lý do về việc bỏ sót nội dung tố cáo;

b) Trường hợp tố cáo đã được giải quyết đúng pháp luật nhưng có tình tiết mới chưa được phát hiện trong quá trình giải quyết tố cáo có thể làm thay đổi kết quả giải quyết tố cáo thì yêu cầu người đã giải quyết tố cáo tiếp tục giải quyết theo thẩm quyền.

2. Khi có một trong các căn cứ được quy định tại khoản 3 Điều 37 Luật Tố cáođiểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị cấp trên tiến hành giải quyết lại vụ việc tố cáo. Việc giải quyết lại vụ việc tố cáo thực hiện theo quy trình quy định tại Thông tư này.

Điều 6. Giải quyết tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an cấp dưới trực tiếp

[...]