Thông tư 122/2010/TT-BTC sửa đổi Thông tư 104/2008/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 170/2003/NĐ-CP và 75/2008/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh giá do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 122/2010/TT-BTC
Ngày ban hành 12/08/2010
Ngày có hiệu lực 01/10/2010
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Văn Hiếu
Lĩnh vực Thương mại

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 122/2010/TT-BTC

Hà Nội, ngày 12 tháng 8 năm 2010

 

THÔNG TƯ

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá (sau đây gọi tắt là Nghị định số 170/2003/NĐ-CP);
 Căn cứ Nghị định số 75/2008/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá (sau đây gọi tắt là Nghị định số 75/2008/NĐ-CP);
Căn cứ Quyết định số 116/2009/QĐ-TTg ngày 29 tháng 9 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung danh mục hàng hoá, dịch vụ thực hiện bình ổn giá;
Căn cứ Công văn số 3450/VPCP-KTTH ngày 24 tháng 5 năm 2010 của Văn phòng Chính phủ về việc ban hành Thông tư về quản lý giá,
Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 104/2008/TT-BTC ngày 13 tháng 11 năm 2008 của Bộ Tài chính
hướng dẫn thực hiện Nghị định số 170/2003/NĐ-CP và Nghị định số 75/2008/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Thông tư số 104/2008/TT-BTC) như sau:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung Phần A Thông tư số 104/2008/TT-BTC như sau:

“A. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn thực hiện bình ổn giá; quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc lập, trình, thẩm định phương án giá, quyết định giá; hồ sơ và thủ tục hiệp thương giá; kiểm soát các yếu tố hình thành giá; biểu mẫu và thủ tục đăng ký giá, kê khai giá hàng hóa, dịch vụ.

2. Đối tượng áp dụng

2.1. Doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình và cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh) căn cứ quy định tại Thông tư này để thực hiện các biện pháp bình ổn giá; thực hiện việc lập, trình: phương án giá, hồ sơ hiệp thương giá; thực hiện đăng ký giá, kê khai giá hàng hóa, dịch vụ và các biện pháp quản lý giá theo quy định của pháp luật.

2.2. Cơ quan quản lý nhà nước theo thẩm quyền, căn cứ quy định tại Thông tư này để thực hiện bình ổn giá; lập, trình, thẩm định phương án giá; quyết định giá; kiểm soát các yếu tố hình thành giá; tổ chức hiệp thương giá; tiếp nhận, giám sát, kiểm tra việc thực hiện đăng ký giá, kê khai giá, chấp hành pháp luật nhà nước về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh.

2.3. Trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định về giá đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam khác với quy định tại Thông tư này thì áp dụng theo quy định của Điều ước quốc tế đó.”

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung Mục I Phần B Thông tư số 104/2008/TT-BTC như sau:

1. Sửa đổi khoản 1 mục I Phần B:

“1. Danh mục hàng hoá, dịch vụ thực hiện bình ổn giá quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 75/2008/NĐ-CP, Quyết định số 116/2009/QĐ-TTg ngày 29/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ”.

2. Sửa đổi khoản 2 mục I Phần B:

“2. Điều kiện áp dụng các biện pháp bình ổn giá

2.1. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật khi giá thị trường trong nước của hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ thực hiện bình ổn giá có biến động bất thường xảy ra thuộc ít nhất một trong các trường hợp sau:

a) Giá tăng cao hơn so với mức tăng giá của các yếu tố “đầu vào”, hoặc cao hơn so với giá vốn hàng nhập khẩu do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tính toán các yếu tố hình thành giá (chi phí sản xuất, giá thành, chi phí lưu thông, lợi nhuận, v.v.) không đúng với các chế độ chính sách, định mức kinh tế - kỹ thuật và quy chế tính giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Giá giảm thấp hơn không hợp lý so với chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm được tính toán theo các chế độ chính sách, định mức kinh tế - kỹ thuật và quy chế tính giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

b) Giá tăng hoặc giảm không có căn cứ, trong khi các yếu tố hình thành giá không có biến động trong các trường hợp xảy ra thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, địch hoạ, khủng hoảng kinh tế - tài chính, mất cân đối cung - cầu tạm thời hoặc do các tin đồn thất thiệt không có căn cứ về việc tăng giá hoặc giảm giá.

c) Giá tăng hoặc giảm không hợp lý do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh lạm dụng vị thế độc quyền, thống lĩnh thị trường, liên kết độc quyền về giá theo quy định của Luật Cạnh tranh và pháp luật có liên quan.

2.2. Đối với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục thực hiện bình ổn giá do Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định thì Sở Tài chính căn cứ các điều kiện trên đây và điều kiện thực tế tại địa phương tham mưu trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể các điều kiện áp dụng các biện pháp bình ổn giá hàng hoá, dịch vụ phù hợp với tình hình thực tế của địa phương theo từng thời kỳ.”

3. Sửa đổi khoản 3 mục I Phần B:

“3. Thẩm quyền quyết định các biện pháp bình ổn giá

3.1. Khi giá hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá có biến động bất thường theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư này, Bộ Tài chính căn cứ tình hình thực tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định và công bố áp dụng một hoặc một số biện pháp bình ổn giá theo quy định tại +-, cụ thể như sau:

a) Các biện pháp để điều hành cung - cầu về hàng hóa, dịch vụ (giữa sản xuất và tiêu dùng, giữa sản xuất và xuất nhập khẩu, giữa các vùng miền trong cả nước và giữa các thời điểm trong năm,...);

b) Mua vào, bán ra hàng dự trữ quốc gia thuộc hệ thống dự trữ Nhà nước;

c) Kiểm soát hàng hóa tồn kho của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh;

d) Các chính sách tài chính, tiền tệ phù hợp theo quy định của pháp luật.

[...]