THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******
|
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
120-TTg
|
Hà
Nội, ngày 30 tháng 03 năm 1957
|
THÔNG TƯ
GIẢI THÍCH VÀ BỔ SUNG VỀ CHÍNH SÁCH PHÂN ĐỊNH THÀNH PHẦN
GIAI CẤP Ở NÔNG THÔN
Sau khi Thủ tướng phủ ban hành 2
Thông tư số 1196-TTg ngày 28-12-1956 và số 012-TTg ngày 12-01-1957 về việc phân
định thành phần giai cấp ở nông thôn, nhiều địa phương còn những thắc mắc hoặc
đề nghị bổ sung, nay Thủ tướng phủ giải thích và bổ sung thêm những điểm cụ thể
sau đây:
1. - Về tiêu
chuẩn để phân định thành phần:
Trong khi vạch một gia đình là địa
chủ, phải căn cứ tren cả ba mặt:
1) Chiếm hữu hoặc sử dụng ruộng
đất, (1)
2) Lao động,
3) Bóc lột,
của gia đình đó, chứ không thể
đơn thuần chỉ nhìn vào một mặt nào.
Không quy định mức chiến hữu ruộng
đất đến bao nhiêu mới vạch là địa chủ, vì tình hình ruộng đất mỗi nơi một khác,
nếu định mức chiếm hữu ruộng đất để phân định thành phần thì không sát và dễ
sinh ra máy móc.
Không quy định người từ bao
nhiêu tuổi trở lên mới coi là lao động chính, mà chỉ cần xét xem người đó có
làm những công việc thuộc về lao động chính và đủ 120 ngày trong một năm hay
không?
Ở miền núi, một người nông dân
làm ruộng không đủ 04 tháng trong một năm, nhưng thường ngày đi kiếm lâm thổ sản
thêm thì vẫn phải coi là có lao động chính. Trong Thông tư số 1196-TTg của Thủ
tướng phủ đã nói rõ: "Có người làm công việc lao động chính không đủ 120
ngày, còn thiếu một số ít ngày nữa, nhưng lại làm thêm các công việc khác như
làm nghề phụ, thì vẫn coi là có lao động chính".
Không lấy mức sinh hoạt làm tiêu
chuẩn để vạch thành phần, vì có địa chủ giả nghèo, giả khổ, có trung nông, phú
nông mức sinh hoạt khá; nếu lấy mức sinh hoạt làm căn cứ thì dễ bị lầm lẫn.
2. – Đối với
những người làm nghề khác kiêm có ruộng đất cho phát canh hoặc thuê người làm:
a) Trong bản điều lệ phân định
thành phần giai cấp ở nông thôn (số 472-TTg ngày 01-03-1955) của Thủ tướng phủ
đã quy định:
"Những người vì tham gia
công tác kháng chiến (như cán bộ, bộ đội, viên chức, v.v...) hoặc vì làm nghề
khác (như buôn bán, thợ thủ công, nghề tự do, v.v...) hoặc gia định vì mất sức
lao động (như già yếu, tàn tật, v.v...) có ít ruộng đất phát canh hoặc thuê người
làm, nhưng bình quân chiếm hữu của một nhân khẩu trong gia định họ không quá gấp
3 số bình quân chiếm hữu của mỗi nhân khẩu ở địa phương, thì không gọi là địa
chủ, mà gọi là người có ít ruộng đất phát canh hoặc người có ít ruộng đất thuê
người làm, hoặc cứ gọi theo thành phần cũ của họ (thí dụ: công nhân, tiểu
thương, viên chức v.v...).
"Những gia đình chỉ có một
hay hai người, số ruộng đất của mỗi người trong gia đình chưa quá gấp 4 số bình
quân chiếm hữu của mỗi nhân khẩu địa phương, thì vẫn không gọi là địa chủ".
Như vậy, theo tinh thần điều quy
định trên đây thì đối với người làm nghề khác (buôn bán, thợ thủ công, nghề tự
do v.v...) có ruộng đất phát canh hoặc thuê người làm, nếu bình quân chiếm hữu
của một nhân khẩu trong gia đình họ quá gấp 3 số bình quân chiếm hữu của một
nhân khẩu ở địa phương (hoặc quá gấp 4 nếu là gia đình chỉ có một hay hai người),
trong cải cách ruộng đất đã vạch gia đinh đó là người làm nghề khác kiêm địa chủ,
thì nay vẫn đúng, không phải sửa lại.
Công tác sửa sai cần tiến hành
trên cơ sở chính sách đã quy định, chú không nên thay đổi lại những điều quy định
cũ, và cần nhận rõ ta tiến hành sửa sai chứ không phải làm lại cải cách ruộng đất,
có như thế công tác sửa sai mới gọn, giảm bớt được khó khăn.
Vì tinh thần đó cho nên Thông tư
số 012-TTg đã quy định:
"... một người làm nghề
khác có ruộng đất phát canh, binh quân chiếm hữu một nhân khẩu trong gia đình
đó quá gấp 3 lần bình quân chiếm hữu của một nhân khẩu địa phương, đáng lẽ chiếu
cố nghề nghiệp khác của họ thì không vạch gia đinh này là địa chủ, nhưng trong
cải cách ruộng đất đã quy họ là địa chủ, thì nay không coi là cải cách ruộng đất
làm sai phải sửa lại thành phần, mà nên cho họ được hay đổi thành phần theo nghề
nghiệp của họ. Ruộng đất, tài sản của họ đã trưng mua, nay không phải đền bù lại,
trừ trường hợp đã trưng mua quá đáng, làm cho họ gặp khó khăn về sinh sống thì
cần điều chỉnh lại một phần nào.
"Nếu rõ ràng họ không đủ
tiêu chuẩn là địa chủ, như có nghề khác mà ruộng đất của một nhân khẩu trong
gia đình đó không quá gấp 3 lần bình quân chiếm hữu của một nhân khẩu ở địa
phương thì phải sửa thành phần của họ".
Nói chung những người làm nghề
khác kiêm có ruộng đất phát canh hoặc thuê người làm, mà mức bình quân chiếm hữu
của một nhân khẩu trong gia đình đó quá gấp 3 lần mức bình quân chiếm hữu của một
nhân khẩu ở địa phương thì mức bóc lột về ruộng đất của họ thường bằng hoặc cao
hơn mức bốc lột của phú nông.
Riêng ở một số nơi, do mức bình
quân chiếm hữu của một nhân khẩu ở địa phương quá thấp, hoặc vì số nhân khẩu
trong gia đình có ít, nên tuy mức bình quân chiếm hữu của một nhân khẩu trong
gia đình có quá gấp 3 lần mức bình quân chiếm hữu của một nhân khẩu ở địa
phương, nhưng tổng số ruộng đất chiếm hữu của gia đình đó quá ít, mức bóc lột về
ruộng đất cũng ít, không bằng mức bóc lột của phú nông (nghĩa là không đến 240
công) thì không nên quy là địa chủ. Nếu trong cải cách ruộng đất đã quy là địa
chủ rồi thì nay coi là sai và sửa lại thành phần cho gia đình ấy.
b) Đối với người vừa trồng mía,
vừa làm đường thì phải phân biệt hai trường hợp: nếu là người có ruộng trồng
mía rồi thuê nhân công kéo mía làm mật, thì phải tính việc bóc lột nhân công
kéo mía làm mật gắn liền với nghề trồng mía; song nếu người đó thuê mướn nhân
công chế biến từ mật ra đường thì phải tính phần bóc lột nhân công chế biến mật
ra đường là phần bóc lột về công thương nghiệp.
Nếu là người chuyên môn mua mía
hoặc có trồng ít mía, còn mua thêm về thuê mướn nhân công kéo mía làm mật và chế
biến mật ra đường thì người đó là nhà công thương nghiệp.
c) Ở nông thôn, việc chăn tằm là
một nghề phụ của nông dân, cho nên không cần tách riêng ra để tính nghề phụ đó
là công thương nghiệp. Riêng ở một vài nơi có người kinh doanh về nghề chăn tằm,
nếu họ không có hoặc chỉ có rất ít ruộng đất trồng dâu thì coi họ là người làm
nghề chăn tằm. Nếu họ có nhiều ruộng đất (trồng dâu hoặc cấy lúa, tám màu) và
chuyên bóc lột về ruộng đất ấy thì vạch họ là người làm nghề chăn tằm kiêm địa
chủ. Công cụ, nhà cửa dùng vào việc chăn tằm thì không đụng đến, song ruộng đất
trồng dâu thì lấy ra đem chia cho nông dân. Để bảo vệ nghề chăn tằm, cần giáo dục
cho nông dân tiếp tục trồng dâu bán cho người chăn tằm đó, không nên phá đi trồng
thứ khác.
d) Trước đây Thủ tướng phủ đã
quy định mức bình quân chiếm hữu của một nhân khẩu ở địa phương là tính theo
đơn vị xã khi đang cải cách ruộng đất. Cần thi hành theo quy định đó mà không
nên tính theo đơn vị thôn, vì tuy mức bình quân chiếm hữu ruộng đất ở mỗi thôn
có chênh lệch nhau, song điều đó không có ảnh hưởng quyết định đến việc vạch
thành phần địa chủ.
đ) Khi tính bình quân chiếm hữu
của một nhân khẩu trong gia đình thì tính theo số nhân khẩu năm 1949 vì đó là
năm ta lấy làm mốc để xét định thành phần.
3. – Đối với
những gia đình có con đi bộ đội, làm cán bộ:
a) Trong Thông tư số 1196-TTg của
Thủ tướng phủ có quy định:
"Trước khi đi bộ đội, làm
cán bộ, nhân viên cơ quan hoặc cán bộ nửa thoát ly, người con chưa tham gia lao
động chính, nhưng gia đình này vốn là gia đình có lao động chính thì nay người
con cũng được coi là nhân khẩu lao động chính của gia đình".
Gia đình nào đã được coi là có
lao động chính, dù là lao động chính của bố mẹ, anh em ruột hay con dâu, vợ cả,
vợ lẽ, thì người con đi bộ đội, làm cán bộ đều được tính là nhân khẩu lao động
chính của gia đình. Nếu con dâu, vợ lẽ bị coi là cố nông, do đó gia đình này trở
nên không có lao động chính, thì người con đi bộ đội, làm cán bộ, nhân viên cơ
quan hoặc cán bộ nửa thoát ly không được tính là nhân khẩu lao động chính của
gia đình.
b) Cán bộ xã nửa thoát ly là những
người tính đổ đồng thì tham gia sản xuất được phần nửa thì giờ trong một ngày,
còn nửa thì giờ bận làm công tác ở xã và chọn trong những người giữ chức vụ sau
đây: chánh, phó chủ tịch và ủy viên thường trực Ủy ban Hành chính xã, ban chi uỷ,
thư ký văn phòng chi ủy, thư ký văn phòng Ủy ban Hành chính xã, ban chỉ huy dân
quân xã, trưởng và phó công an xã, bí thư và phó bí thư các đoàn thể nông hội,
thanh niên, phụ nữ, các ủy nhiệm thôn, người phụ trách thông tin xã và giao
thông viên của xã.
Nói chung cần chiếu cố những người
giữ những chức vụ kể trên. Người nào chưa làm đầy đủ nhiệm vụ thì cần khuyến
khích, thúc đẩy họ làm tròn nhiệm vụ, không nên tước tư cách cán bộ nửa thoát
ly của họ.
4. - Về việc
quy định địa chủ kháng chiến:
Trong bản điều lệ phân định
thành phần giai cấp ở nông thôn và trong nghị quyết của Hội đồng Chính phủ
tháng 10-1956 về chính sách đối với địa chủ sau cải cách ruộng đất, đã quy định
về tiêu chuẩn địa chủ kháng chiến.
Trong nghị quyết Hội đồng Chính phủ
có câu:
"Những địa chủ thường tuân
theo pháp luật mà có con làm cán bộ cách mạng hay đi bộ đội, hoặc gia đình họ bảo
về cán bộ, bảo vệ bộ đội trong thời kỳ bí mật hay là trong thời kỳ kháng chiến ở
vùng tạm bị chiếm, cũng được vạch là địa chủ kháng chiến".
Cần nhận rõ tinh thần điều quy định
này là phải cân nhắc trên cả hai mặt: bản thân địa chủ đó tuân theo pháp luật
và có con đi bộ đội, làm cán bộ...; song điều kiện chính là bản thân địa chủ đó
tuân theo pháp luật, chứ không phải cứ gia đình địa chủ nào có con đi bộ đội,
làm cán bộ thì đều là địa chủ kháng chiến cả.
Tuân theo pháp luật nghĩa là chấp
hành chính sách của Đảng và Chính phủ tương đối đầy đủ, không có hành động chống
phá chính sách.
Địa chủ thường tuân theo pháp luật,
có con làm cán bộ xã nửa thoát ly (theo quy định trong điều 3 trên đây), cũng
được vạch là địa chủ kháng chiến.
Trong vùng tạm bị chiếm lâu năm,
không có cơ sở của chính quyền ta, địa chủ thường nào không hoạt động chống
kháng chiến, trái lại có ủng hộ kháng chiến (như ủng hộ bộ đội, giúp đỡ cán bộ...)
và từ khi hòa bình lập lại vẫn tuân theo pháp luật, lại có con đi bộ đội, làm
cán bộ, thì cũng được vạch là địa chủ kháng chiến.
Khi vạch những người ấy là địa
chủ kháng chiến cần hỏi ý kiến quần chúng và phải được quần chúng tán thành.
Gia đình địa chủ có người sau
khi hòa bình lập lại mới đi bộ đội hoặc tham gia công tác cách mạng thì nên chiếu
cố về mặt tinh thần (như thái độ đối xử rộng rãi hơn, dễ dãi trong việc cấp giấy
tờ đi lại, cho đi dự họp xóm trong những phiên hợp nhất định nào đó, v.v...) chứ
không quy là địa chủ kháng chiến.
5. - Về cách
tính bóc lột 40 tạ và gấp ba lần số tự làm ra:
Trước đây trong cải cách ruộng đất,
đã có quy định: "Gia đình có lao động chính nhưng chiếm hữu nhiều ruộng đất,
số bóc lột về ruộng đất trên 40 tạ và gấp ba lần số tự làm ra thì vẫn vạch là địa
chủ".
Trong trường hợp này, cách tính
số bóc lột như sau:
- Chỉ tính số bóc lột về ruộng đất
(địa tô và thuê người làm), không tính số bóc lột về nợ lãi, tô trâu.
- Tính theo sản lượng thường
niên của ruộng đất, chứ không tính theo thực thu từng năm.
- Khi tính số bóc lột, thì trừ
phần thuê mượn nhân công và giống má.
- Phải xét cả hai mặt: số bóc lột
trên 40 tạ và gấp ba lần số tự làm ra mới vạch là địa chủ, nếu bóc lột trên 40
tạ nhưng không gấp ba lần số tự làm ra (thì dù bóc lột 45 tạ nhưng số làm ra là
20 tạ) thì vẫn không vạch là địa chủ.
- Cần cố gắng tìm số nhân công
đã thuê mượn là bao nhiêu, song có nhiều trường hợp khó tìm đủ, như thuê công
ngày, v.v.... thì cần kết hợp tính số chiếm hữu ruộng đất, tình hình lao động của
gia đình đó, dựa vào ý kiến quần chúng mà xác định số bóc lột của gia đình đó.
Ví dụ một gia đình có 15 mẫu,
nhà có một người lao động chính và một người lao động phụ (cũng cấy, gặt....
nhưng không đủ 120 ngày), phát canh 2 mẫu ruộng được 6 tạ tô mỗi năm, còn thuê
người làm. Trung bình một lao động chính ở địa phương làm được 1 mẫu 5 sào ruộng.
Gia đình này thuê người ở năm, ở tháng ít, còn phần nhiều thuê công ngày, nên
không tính được đủ, thì nay có thể qua hình thức quần chúng nhận xét, bàn bạc
mà tính theo cách sau đây:
Gia đình có một người lao động
chính là một người lao động phụ, sức có thể làm được 2 mẫu ruộng, mỗi mẫu được
10 tạ; như thế là số tự làm ra là 20 tạ. Thuê người làm 11 mẫu; mỗi mẫu cũng
thu hoạch 10 tạ; 11 mẫu thu hoạch 110 tạ. phần thuê người làm và giống má ước
tính mất 40 tạ. Như vậy còn bóc lột 70 tạ, cộng với số bóc lột địa tô 6 tạ là
76 tạ. So với số tự làm ra 20 tạ thì quá gấp ba lần. Như vậy gia đình này là địa
chủ.
6. - Địa chủ
chết để lại ruộng cho con hoặc cho họ hàng hưởng thừa dư:
a) Địa chủ đã chết, để lại ruộng
đất cho con, người con còn nhỏ hoặc đang đi học thì không vạch thành phần con
là địa chủ, nhưng vẫn xử lý ruộng đất ấy như đối với ruộng dất của địa chủ,
song cần chia cho người con một phần ruộng đất để làm ăn sinh sống.
b) Địa chủ đã chết, do đó ruộng
đất, trâu bò, nhà cửa đã chuyển qua tay người họ hàng là nông dân hưởng thừa tự,
thì cần phân biệt hai trường hợp như sau:
- Nếu người nông dân lao động hưởng
thừa tự trước ngày ban hành sắc lệnh phát động quần chúng giảm tô (12-04-1953)
thì coi là chuyển dịch hợp phát, ta không đụng đến ruộng đất, trâu bò, nhà cửa
đó, nếu người thừa kế không bóc lột theo lối địa chủ. Nhưng nếu trong cải cách
ruộng đất đã rút phần tài sản thừa tự đó đem chia rồi thì nay cũng không đặt vấn
đề đền bù lại.
- Nếu người nông dân lao động hưởng
thừa tự sau ngày ban hành sắc lệnh phát động quần chúng giảm tô (12-04-1953)
thì về nguyên tắc ta không công nhận việc thừa kế đó là hợp thức. Nếu ruộng đất
chỉ có ít, người thừa kế đó thiếu ruộng thì chia luôn ruộng đất đó cho họ. Nếu
ruộng đất, trâu bò, nhà cửa còn nhiều thì nay lấy ra một phần đem chia cho nông
dân, song cần thiết cố chia cho người thừa kế được hưởng một phần bằng mức bình
quân chiếm hữu của một nhân khẩu ở địa phương.
7. – Trường
hợp vạch địa chủ cũng được, không vạch cũng được, mà cải cách ruộng đất đã vạch
là địa chủ:
Có người chiếm hữu ít ruộng đất,
song rõ ràng là không có lao động chính, dựa vào bóc lột ruộng đất mà sống,
không có nghề gì khác, mức sinh hoạt không cao lắm, trong cải cách ruộng đất đã
quy là địa chủ thì nay không sửa lại. Nếu đã lao động đủ 5 năm tính từ ngày sửa
sai ngược về trước thì được thanh đổi thành phần.
8. - Về địa
chủ cường hào gian ác:
Đối với những tên trong cải cách
ruộng đất đã bị vạch là địa chủ cường hào gian ác và đã bị trừng trị, nay xét lại
thành phần gia đình đó không phải là địa chủ, nhưng tên đó có tội ác lớn, thì
giải quyết như sau:
- Bản thân tên đó vẫn bị trừng
trị, song sửa lại thành phần cho gia đình nó, vợ con được đối xử theo thành phần
được sửa sai.
- Tài sản đã bị tịch thu, trưng
thu thì nay không đền bù, coi như kẻ có tội bị xử phạt và bị tịch thu tài sản.
9. - Về
thành phần phú nông:
Từ nay trở đi không tính việc
thuê trẻ em chăn trâu vào số bóc lột của phú nông hoặc để xét thay đổi thành phần
của trung nông. Trong cải cách ruộng đất, nơi nào đã tính việc thuê trẻ em chăn
trâu vào số bóc lột của phú nông rồi thì nay không coi là sai, không phải sửa lại.
Việc đổi công trâu lấy công người
không tính vào số bóc lột của phú nông. Trên thực tế có một số địa chủ, phú
nông lợi dụng việc đổi công trâu để bóc lột nhân công song ta không nên tính
vào số bóc lột của phú nông để khỏi ảnh hưởng xấu đến việc đổi công trâu trong
lúc nông dân còn thiếu trâu cày.
Ở một vài địa phương thuộc trung
du và đồng bằng, có tục lệ "làm mải" (gần như đổi công). Đối với việc
"làm mải" có tính chất tương trợ trong nội bộ nông dân, người được
"làm mải" lần này, lần sau lại đi "làm mải" cho người khác
thì không tính công "làm mải" là bóc lột. Đối với địa chủ, phú nông lợi
dụng "làm mải" để bóc lột nhân công, bản thân không đi "làm mải"
cho người khác thí tính công "làm mải' đó vào số bóc lột của địa chủ, phú
nông (việc "làm mải" ở miền núi không kể trong quy định này).
Khi tính số bóc lột nhân công để
xét định thành phần phú nông, cần cố gắng tìm số nhân công đã thuê mượn, đồng
thời kết hợp tính về chiếm hữu và lao động của gia đình đó (như đã quy định
trong điều 5 trên đây).
Phú nông đã hiến ruộng trong cải
cách ruộng đất hoặc trong sửa sai, từ đó không bóc lột nữa hoặc bốc lột không đến
240 công, thái độ chính trị tốt, được nông dân đồng ý thì sau hai năm được thay
đổi thành phần xuống nông dân lao động.
Việc thay đổi thành phần phú
nông do Ủy ban Hành chính và Nông hội xã đề nghị, Ủy ban Hành chính huyện chuẩn
y.
Những phú nông được thay đổi
thành phần xuống trung nông thì chưa được kết nạp vào nông hội và tổ đổi công
ngay. Sau này khi nào có thể kết nạp họ vào nông hội thì cấp trên sẽ có chỉ thị.
10. –
Khi sửa sai về thành phần, chủ yếu là sửa thành phần cho những người là nông
dân hoặc thuộc thành phần lao động khác bị quy sai lên địa chủ. Còn việc tuyên
bố thay đổi thành phần cho địa chủ đã lao động đủ 5 năm ngược về trước, cho địa
chủ kiêm làm nghề khác từ trước đến nay, cho phú nông bị quy sai lên địa chủ,
nay cho đổi xuống trung nông thì cần phải làm riêng vào bước 3, không nên làm lẫn
lộn vào cùng một lúc với việc sửa sai về thành phần.
11. – Một
số xã đã tiến hành sửa thành phần trước khi có chính sách và kế hoạch của Thủ
tướng phủ và trước khi kiện toàn tổ chức ở xã, thì nay cần tổ chức cho cán bộ
và quần chúng học tập lại chính sách và tiêu chuẩn phân định thành phần, nhất
là phải phát động tư tưởng quần chúng chu đáo, tiến hành xét lại việc sửa thành
phần trước đây, phân biệt trường hợp đúng và trường hợp sai, cái nào đúng rồi
thì thôi, cái nào sai thì sửa lại, theo đúng kế hoạch bước 2 của Thủ tướng phủ.
12. –
Trong Thông tư số 1196-TTg ngày 28-12-1956 của Thủ tướng phủ, điều 5 nói về vạch
thành phần ở vùng có nhiều ruộng công, có câu: "Trong thời gian kể từ khi
sửa lại ngược về trước 5 năm liền, nếu họ (1)
đã trả lại nhiều ruộng công và đã tham gia lao động chính, xét không cần thiết
thì không vạch là địa chủ". Cần hiểu "không vạch là địa chủ"
nghĩa là cho thay đổi thành phần, chứ không phải là sửa sai về phân định thành
phần.
Thông tư này phổ biến nguyên văn
đến tận xã.
|
K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
Phan Kế Toại
|
(1)
Có những địa chủ vừa chiếm hữu ruộng đất tư, vừa sử dụng ruộng cộng, ruộng nửa
công, nửa tư, ruộng đồn điền, hoặc chỉ sử dụng toàn ruộng công, cho nên phải
xét cả tình hình chiếm hữu và sử dụng ruộng đất của họ. Trong thông tư số
012-TTg của Thủ tướng phủ đã quy định: "Ở vùng nhiều ruộng công, những người
tuy mua trương ruộng cộng của xã hoặc mua phần ruộng công của những người khác,
nhưng trong gia đình không có ai tham gia lao động chính, số ruộng đất lại nhiều,
chuyên đem ruộng đất đó phát canh hoặc thuê người làm thì vẫn phải vạch là địa
chủ, chứ không vạch là quá điền hoặc phú nông".
(1)
Họ tức là những người chiếm nhiều ruộng công.