Thông tư 12-TC/TCTT-CT-1977 hướng dẫn chính sách miễn giảm thuế nông nghiệp ở các tỉnh, thành phố phía Bắc do Bộ Tài chính ban hành
Số hiệu | 12-TC/TCTT-CT |
Ngày ban hành | 07/11/1977 |
Ngày có hiệu lực | 22/11/1977 |
Loại văn bản | Thông tư |
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính |
Người ký | Nguyễn Ly |
Lĩnh vực | Thuế - Phí - Lệ Phí |
BỘ
TÀI CHÍNH |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12-TC/TCTT/CT |
Hà Nội, ngày 07 tháng 11 năm 1977 |
HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHÍNH SÁCH MIỄN GIẢM THUẾ NÔNG NGHIỆP Ở CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ PHÍA BẮC
Trong các năm vừa qua sản xuất, chi phí thu nhập và phân phối thu nhập của các hợp tác xã nông nghiệp tuy có nhiều thay đổi, nhưng đối chiếu với thực tiễn thì chính sách miễn giảm thuế nông nghiệp nói chung còn phù hợp. Chỉ có việc hướng dẫn thi hành chính sách thì chưa được hệ thống hóa lại, nên việc vận dụng chính sách vào từng trường hợp cụ thể ở nhiều địa phương có nhiều khó khăn lúng túng. Việc miễn giảm thuế nông nghiệp trong một số trường hợp không sát với thu nhập thực tế, có hợp tác xã đáng được miễn giảm nhiều thì miễn giảm ít, ngược lại có hợp tác xã thu hoạch thực tế đã đạt, hoặc vượt sản lượng tính thuế, cũng được miễn giảm thuế, gây nên tình trạng đóng góp không công bằng hợp lý và không chiếu cố, khuyến khính các hợp tác xã tích cực chống thiên tai, quyết tâm thực hiện kế hoạch Nhà nước.
Để khắc phục tình hình trên, Bộ Tài chính hệ thống hóa và hướng dẫn lại việc vận dụng chính sách miễn giảm thuế nông nghiệp cho phù hợp tình hình hiện nay đối với từng loại hợp tác xã bị thiệt hại về mùa màng khác nhau như sau.
Điều 26 của Điều lệ thuế nông nghiệp quy định: “Trường hợp một vùng bị thiên tai đặc biệt nghiêm trọng, thiệt hại nặng nề, Ủy ban hành chính tỉnh có thể đề nghị giảm, miễn thuế cho cả vùng, nhưng đề nghị giảm, miễn thuế trên đều phải do Bộ Tài chính chuẩn y trước khi thi hành.
Các bộ nông dân cá thể ở trong vùng, nếu bị thiên tai làm thiệt hại mùa màng như hợp tác xã cũng được xét miễn giảm như hợp tác xã.
Điều 6 của nghị định số 375-TTg (quy định việc miễn giảm thuế cho hợp tác xã nông nghiệp):
“Thiệt hại dưới 10% tổng số hoa lợi chịu thuế, không giảm thuế;
Thiệt hại 10%, giảm 10% số thuế;
Thiệt hại trên 10% đến 15%, giảm 15% số thuế;
Thiệt hại trên 15% đến 20%, giảm 20% số thuế;
Thiệt hại trên 20% đến 25%, giảm 30% số thuế;
Thiệt hại trên 25% đến 30%, giảm 40% số thuế;
Thiệt hại trên 30% đến 35%, giảm 50% số thuế;
Thiệt hại trên 35% đến 40%, giảm 70% số thuế;
Thiệt hại trên 40% được miễn hẳn thuế”.
Điều 1 (điểm 2) của nghị định số 63-CP (quy định các căn cứ để so sánh, tính toán xác định các tỷ lệ thiệt hại và các tỷ lệ được giảm, miễn thuế): “Căn cứ vào thực tế thu hoạch cả năm trên diện tích chịu thuế của hợp tác xã, đối chiếu với tổng sản lượng thường niên tính thuế, nếu thu hoạch bị sút kém sẽ được miễn hoặc giảm thuế theo quy định ở điều 6 của nghị định số 375-TTg”.
Điều 24 của Điều lệ thuế nông nghiệp (quy định việc miễn giảm thuế cho hộ nông dân sản xuất cá thể):
“Thiệt hại dưới 20% tổng số hoa lợi chịu thuế, không giảm thuế;
Thiệt hại từ 20% đến 50% tổng số hoa lợi chịu thuế, tỷ lệ số thuế được giảm bằng tỷ lệ số thiệt hại;
Thiệt hại từ 50% đến 60% tổng số hoa lợi chịu thuế, giảm 70% số thuế;
Thiệt hại trên 60% tổng số hoa lợi chịu thuế, miễn hẳn thuế;
Trong tổng số ruộng của một nông hộ, nếu có một phần hoàn toàn không thu hoạch (mất trắng) thì mặc dù toàn bộ số thiệt hại của nông hộ chưa tới 20% tổng số hoa lợi chịu thuế, vẫn được miễn hẳn phần thuế tính vào số hoa lợi bị mất trắng”. – và điểm V trong Điều lệ thuế nông nghiệp quy định thêm: “…Khi xét ruộng bị mất trắng thì lấy thửa làm đơn vị, trường hợp một thửa chỉ mất trắng một phần, thì không coi là mất trắng”.
Việc xét và tính miễn thuế cho từng thửa ruộng mất trắng phải theo đúng Điều lệ thuế nông nghiệp và các nghị định số 375-TTg, nghị định số 63-CP của Hội đồng Chính phủ và chỉ áp dụng đối với hộ nông dân sản xuất cá thể, không đặt ra đối với sản xuất tập thể của hợp tác xã.
Nay bãi bỏ điểm 4 thông tư số 16-BTC/NN ngày 31-5-1962 về việc miễn thuế ruộng mất trắng của hợp tác xã.